Xu hướng DN nước ngoài rời khỏi Trung Quốc
Các cơ quan của Mỹ đang thăm dò để xem xét ngành chế tạo nào được coi là "thiết yếu" và làm thế nào để sản xuất những hàng hóa này bên ngoài Trung Quốc.
Theo các quan chức và một số nguồn thạo tin, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang thúc đẩy một sáng kiến nhằm đưa chuỗi cung ứng công nghiệp toàn cầu rời khỏi Trung Quốc, trong bối cảnh Washington đang cân nhắc mức thuế trừng phạt mới áp lên hàng hóa của Bắc Kinh.
Các nguồn tin cho hay Bộ Thương mại, Bộ Ngoại giao và các cơ quan khác của Mỹ đang tìm cách thuyết phục các công ty nước này chuyển cả nguồn cung ứng và sản xuất ra khỏi Trung Quốc.
Các ưu đãi thuế và chính sách hỗ trợ dịch chuyển đang được cân nhắc để đẩy nhanh sự thay đổi trên. Ngoài ra, các cơ quan của Mỹ đang thăm dò để xem xét ngành chế tạo nào được coi là "thiết yếu" và làm thế nào để sản xuất những hàng hóa này bên ngoài Trung Quốc.
Bộ Thương mại Mỹ cũng bắt đầu tiến hành một cuộc điều tra về vấn đề an ninh quốc gia. Cuộc điều tra này có thể dẫn đến việc Mỹ áp mức thuế quan mới đối với các bộ phận chính được nhập khẩu của máy biến áp.
Lý do của Bộ Thương mại Mỹ là họ cần đảm bảo trong nước có thể tiếp cận loại hàng hóa đó để đối phó với những sự cố mất điện.Cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro hôm 4/5 cũng cho biết Tổng thống Trump đã ký một sắc lệnh có thể giới hạn việc nhập khẩu linh kiện cho hệ thống lưới điện nước này từ Nga và Trung Quốc, đồng thời sẽ sớm ban hành một sắc lệnh riêng yêu cầu các cơ quan liên bang mua sản phẩm y tế do các công ty Mỹ sản xuất.
Ông Keith Krach, người phụ trách bộ phận tăng trưởng kinh tế, năng lượng và môi trường tại Bộ Ngoại giao Mỹ, cho biết Mỹ đã nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng từ Trung Quốc trong vài năm qua.
Nhưng trước những ảnh hưởng khủng khiếp của dịch viêm đường hô hấp COVID-19, Washington đang đẩy mạnh hơn nữa việc dịch chuyển chuỗi cung ứng sang các nước “thân thiện” hơn.
Các cuộc thảo luận về việc di chuyển chuỗi cung ứng trong Chính quyền Tổng thống Trump cũng được cho là đang diễn ra một cách cụ thể, mạnh mẽ và đặc biệt là mang tính đa phương.
Một quan chức cho biết Mỹ đang nỗ lực tạo ra một liên minh gồm các đối tác đáng tin cậy có tên "Mạng lưới Thịnh vượng Kinh tế" (Economic Prosperity Network).
Mạng lưới này sẽ bao gồm các công ty và nhóm xã hội dân sự hoạt động theo cùng một bộ tiêu chuẩn trong mọi lĩnh vực, từ kinh doanh kỹ thuật số, năng lượng và cơ sở hạ tầng đến nghiên cứu, giao thương, giáo dục và thương mại.
Cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro cho biết Tổng thống Trump đã ký một sắc lệnh có thể giới hạn việc nhập khẩu linh kiện cho hệ thống lưới điện nước này từ Nga và Trung Quốc, đồng thời sẽ sớm ban hành một sắc lệnh riêng yêu cầu các cơ quan liên bang mua sản phẩm y tế do các công ty Mỹ sản xuất.
Ấn Độ phát triển quỹ đất khổng lồ thu hút doanh nghiệp rời Trung Quốc
Chính phủ Ấn Độ đang làm việc với các chính quyền bang để thúc đẩy việc thu hồi đất dự án, trong bối cảnh các nhà đầu tư tìm cách giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc.
Nước này đang phát triển một quỹ đất rộng gần gấp đôi diện tích của Luxembourg để thu hút các doanh nghiệp rút khỏi Trung Quốc.
Đất đai là một trong những yếu tố gây trở ngại lớn nhất cho các công ty muốn đầu tư vào Ấn Độ. Hiện tại, các nhà đầu tư muốn thiết lập nhà máy ở Ấn Độ cần phải tự mình thu hồi đất. Trong một số trường hợp, quá trình này làm trì hoãn dự án vì liên quan đến việc đàm phán mua lại đất của những chủ sở hữu nhỏ.
Chính phủ Ấn Độ đã chọn ra 10 ngành trọng tâm để thúc đẩy sản xuất gồm điện lực, dược phẩm, thiết bị y tế, điện tử, kỹ thuật nặng, thiết bị năng lượng Mặt trời, chế biến thực phẩm, hóa chất và dệt may, đồng thời yêu cầu các đại sứ quán ở nước ngoài xác định những công ty đang tìm hiểu thông tin để đưa ra phương án đầu tư.
Invest India, cơ quan đầu tư của chính phủ, đã nhận được những câu hỏi chủ yếu từ Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc và Trung Quốc, bày tỏ quan tâm đến việc di dời tới nền kinh tế lớn thứ ba châu Á.
Bốn quốc gia trên nằm trong số 12 đối tác thương mại hàng đầu của Ấn Độ, có tổng kim ngạch thương mại song phương với Ấn Độ là 179,27 tỷ USD.
Cũng theo nguồn tin, Chính phủ Ấn Độ đang nghiên cứu tận dụng những vùng đất chưa khai thác trong các đặc khu kinh tế nơi đã có sẵn cơ sở hạ tầng khang trang.
Nhà chức trách dự kiến hoàn tất kế hoạch chi tiết về thu hút đầu tư nước ngoài vào cuối tháng này.
Trước đó, vào ngày 19/04, Thủ tướng Nhật Bản Abe đã kêu gọi các doanh nghiệp nước này rời khỏi Trung Quốc, đa dạng hóa điểm sản xuất, giữa lúc những cuộc thảo luận tương tự diễn ra tại Mỹ. Lời kêu gọi này đã dẫn đến cuộc tranh luận sôi nổi ở Bắc Kinh, theo Nikkei Asian Review.
Bắc Kinh "đang có những lo ngại thực sự về việc các công ty nước ngoài rút khỏi Trung Quốc", một nguồn tin trong lĩnh vực kinh tế ở Trung Quốc cho biết.
Hiện chính phủ Trung Quốc chưa công bố chính sách hay biện pháp lâu dài nào để đối phó với những tác động từ việc doanh nghiệp nước ngoài rút khỏi nước này. Tuy nhiên, cũng có chuyên gia nước này cho rằng, để ổn định chuỗi cung ứng của doanh nghiệp trong nước, Trung Quốc phải khởi động toàn diện kế hoạch "dự phòng" với việc tạo dựng một hệ thống ngành phụ trợ cho riêng mình, bởi Trung Quốc là quốc gia có ngành chế tạo lớn nhất thế giới, có mối gắn kết chặt chẽ với chuỗi cung ừng toàn cầu, việc vốn đầu tư nước ngoài rút khỏi nước này ảnh hưởng đến ngành chế tạo và doanh nghiêp Trung Quốc là điều không thể tránh khỏi.
Trước mắt, Bộ Thương mại Trung Quốc đã thiết lập và kiện toàn cơ chế làm việc liên quan đến các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, lên danh sách những dự án có vốn đầu tư nước ngoài trọng điểm, hỗ trợ các doanh nghiệp này giải quyết các khó khăn và vấn đề nảy sinh trong quá trình triển khai dự án, tăng cường công tác hỗ trợ đảm bảo cho các dự án có vốn đầu tư nước ngoài lớn được xúc tiến, nhằm giữ chân các nhà đầu tư quan trọng ở lại Trung Quốc.