Xu hướng khả quan cho thủy sản những tháng cuối năm 2023
Tính đến cuối tháng 11, xuất khẩu thủy sản của cả nước đạt trên 8,2 tỷ USD, giảm 20% so với cùng kỳ năm 2022. Ước tính kim ngạch tháng 12 đạt gần 800 triệu USD, tương đương với tháng 11, đưa tổng xuất khẩu thủy sản cả năm 2023 lên khoảng 9 tỷ USD, thấp hơn 17% so với mức kỷ lục gần 11 tỷ USD của năm 2022.
Theo số liệu từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản (Vasep), riêng trong tháng 11, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản đạt trên 790 triệu USD, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2022.
Cua ghẹ là mặt hàng có tín hiệu tích cực rõ nét trong tháng 11 với kim ngạch cao hơn so với cùng kỳ, đồng thời là mức cao nhất kể từ đầu năm với doanh số 26 triệu USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là tháng thứ 2 liên tiếp xuất khẩu cua ghẹ đạt tăng trưởng dương với 2 con số, sau khi tăng 25% trong tháng 10. Tuy nhiên, lũy kế 11 tháng đầu năm, xuất khẩu cua ghẹ vẫn thấp hơn 10% so với cùng kỳ, đạt trên 187 triệu USD.
Tiếp đến là các sản phẩm từ cá biển (trừ cá ngừ) cũng đạt mức cao nhất từ đầu năm với gần 174 triệu USD trong tháng 11, giảm nhẹ 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Các sản phẩm từ nhóm này mang về doanh số trên 1,7 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm, giảm nhẹ 8% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, riêng những sản phẩm chả cá, surimi (tên gọi khác là thanh cua, nguyên liệu chủ yếu từ cá biển) đạt gần 280 triệu USD trong 11 tháng đầu năm, ít hơn 27% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu mặt hàng này trong tháng 11 cũng có xu hướng khả quan hơn, với mức trên 27 triệu USD, cao nhất kể từ tháng 6.
Trong 5 năm qua, mỗi năm Việt Nam thu về 300 – 420 triệu USD từ sản phẩm surimi xuất khẩu, bao gồm cả surimi cá biển và surimi cá tra, chiếm 4%-5% tổng kim ngạch thủy sản của Việt Nam. Trong số hàng trăm sản phẩm thủy sản đông lạnh, chế biến, tươi, sống, khô…thì surimi là một phân khúc có dư địa và tiềm năng phát triển vì đặc thù phù hợp của nghề cá trong nước và xu hướng gia tăng tiêu thụ của thị trường thế giới.
Cá ngừ cũng là ngành hàng có dấu hiệu xuất khẩu khả quan hơn trong nửa cuối năm nay. Riêng trong tháng 11, kim ngạch cá ngừ đạt gần 79 triệu USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2022. Năm 2023, cá ngừ hộp và thăn cá ngừ hấp đông lạnh là 2 dòng sản phẩm cá ngừ của Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu cao hơn so với năm 2022, bù đắp cho sự sụt giảm ở các phân khúc sản phẩm khác như cá tươi, cá phi lê đông lạnh. Tính đến hết tháng 11, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam đạt 772 triệu USD, giảm 19% so với cùng kỳ năm 2022.
Xuất khẩu mực, bạch tuộc trong tháng 11 giảm 5% so với cùng kỳ, mức giảm ít nhất trong năm nay, với doanh số trên 64 triệu USD, mức cao thứ 2 sau mức đỉnh gần 67 triệu USD vào tháng 8. Đây cũng được coi là dấu hiệu khả quan so với các ngành hàng khác. Lũy kế 11 tháng, kim ngạch mặt hàng này đạt trên 601 triệu USD, giảm 14% so với năm trước.
Xuất khẩu cá tra tháng 11 mặc dù cao hơn 6% so với cùng kỳ, nhưng Vasep đánh giá thông số này chưa phản ánh đúng xu hướng vì so với những tháng trước thì xuất khẩu đi xuống rõ rệt và mặt bằng so sánh của năm 2022 ở sẵn mức thấp. Tới hết tháng 11, kim ngạch cá tra đạt gần 1,7 tỷ USD, giảm 27% so với cùng kỳ năm ngoái. Ước cả năm 2023 ngành này sẽ mang về 1,8 tỷ USD.
Tương tự cá tra, xuất khẩu tôm tháng 11 đạt mức thấp nhất kể từ tháng 5 và thấp hơn 5% so với cùng kỳ năm 2022. Lũy kế 11 tháng, kim ngạch tôm đạt 3,1 tỷ USD và ước cả năm sẽ đạt doanh số khoảng 3,4 tỷ USD.
Xu hướng giảm giá của các mặt hàng thủy sản nhất là tôm và cá tra vẫn chưa chấm dứt, có thể tới nửa cuối năm 2024 mới có thể phục hồi dần dần. Do vậy, xuất khẩu hai ngành hàng này chưa thể bứt phát trong những tháng cuối năm nay và đầu năm 2024. Tuy nhiên, Vasep kỳ vọng năm 2024 ngành thủy sản xuất khẩu sẽ qua giai đoạn khó khăn về tiêu thụ và chu kỳ sụt giảm giả và sẽ có tín hiệu tích cực hơn.