Khơi thông nguồn vốn cho doanh nghiệp thủy sản

Bích Huệ/TTXVN 10:32 | 20/12/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Thời gian gần đây, các ngân hàng đã có nhiều nỗ lực nhằm hỗ trợ nguồn tín dụng lãi suất tốt cho doanh nghiệp thủy sản nói riêng và lĩnh vực xuất khẩu nói chung trên địa bàn tỉnh Nghệ An, nhưng vẫn còn những “rào cản” khiến cho khả năng hấp thụ vốn của các doanh nghiệp chưa đạt được như kỳ vọng.

Doanh nghiệp vẫn gặp khó

Hoạt động trong lĩnh vực nuôi trồng thủy hải sản thường xuyên phải đối mặt với nhiều bất lợi từ thời tiết, dịch bệnh, môi trường biến, tuy nhiên hai năm trở lại đây, đầm nuôi ngao 5 ha ở xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc của gia đình chị Lê Thị Phương – xã Nghi Thu, Thị xã Cửa Lò đã dần ổn định. Do làm chủ về kỹ thuật nên ngao của gia đình chị Phương chắc và ngon, được khách hàng ưa chuộng, thu hoạch đến đâu thương lái thu mua đến đó. Con ngao của gia đình chị theo chân thương lái ra Bắc vào Nam với số lượng hàng trăm tấn/năm.

Cùng với nuôi ngao, chị Phương còn có cơ sở chế biến các loại thủy hải sản tôm, mực, cá, nghêu, hàu… tươi ngon, chất lượng được đóng gói, hút chân không và một kho đông lạnh tích trữ hàng để xuất bán trong tỉnh và trên cả nước.

Trước đây, khi diện tích đầm nuôi ngao còn ít và cơ sở chế biến còn nhỏ, chị Phương vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội và đã trả nợ đầy đủ. Nay do nhu cầu muốn đầu tư cơ sở vật chất, máy móc hiện đại (như bè, máy sàng ngao, máy đảo đất…) để nuôi và thu hoạch ngao khi gặp bất lợi về thời tiết vẫn có thể thu hoạch bình thường, không bị ngắt quãng. Cùng với đó, do nhu cầu thị trường ngày càng tăng, chị Phương đang xây dựng các sản phẩm chế biến thủy hải sản thành sản phẩm OCOP, bởi vậy rất mong muốn được vay vốn lãi suất ưu đãi để phát triển sản xuất.

"Hiện chi phí đầu vào tăng, giá bán giảm, chúng tôi chỉ đầu tư cầm chừng, vay các món nhỏ, không đáp ứng nhu cầu sản  xuất.  Do không có tài sản thế chấp để vay vốn, nhất là các chương trình hỗ trợ lãi suất, nên vay vốn ngân hàng rất khó khăn do không đáp ứng đủ các điều kiện theo yêu cầu", chị Phương cho biết.

Biến động kinh tế thế giới, đơn hàng xuất khẩu sụt giảm khiến thị trường tiêu thụ sản phẩm thủy, hải sản gặp khó khăn. Các doanh nghiệp thủy sản chịu nhiều áp lực khi thị trường tiêu thụ bị thu hẹp, hàng tồn kho lớn, trong khi gánh nặng các loại chi phí.

Dự kiến 2023, Công ty cổ phần Thuỷ sản Nghệ An xuất bán hơn 4 triệu lít nước mắm, với doanh số hàng chục tỷ đồng; trong đó thị trường nội địa chiếm gần 70%. Để thực hiện Đề án nâng cấp mở rộng sản xuất kinh doanh nước mắm, đáp ứng tiêu chuẩn châu Âu xuất khẩu sang thị trường các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Lào… , công ty có kế hoạch đầu tư nhà xưởng, mở rộng nhiều hạng mục quan trọng, mua sắm lắp đặt dây chuyển sản xuất, chi phí làm thị trường với tổng vốn đầu tư hơn 100 tỷ đồng. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn chưa tiếp cận được vốn vay ngân hàng mà sử dụng nguồn vốn góp của cổ đông.

“Điều kiện vay vốn ngân hàng nhất là các chương trình ưu đãi lãi suất rất chặt, thủ tục, tiêu chuẩn cao nên rất khó tiếp cận; lâu nay chúng tôi huy động vốn cổ đông của các nhà đầu tư để sản xuất kinh doanh. Nếu được vay vốn ưu đãi từ gói 15.000 tỷ đồng này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp sẽ mạnh dạn hơn đầu tư thiết bị hạ tầng đến mở rộng thị trường”, ông Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Công ty cổ phần Thuỷ sản Nghệ An cho biết.

Tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh cho vay

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, ngày 14/7/2023, tại Văn bản số 5631, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố triển khai chương trình cho vay đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản với vốn tín dụng khoảng 15.000 tỷ đồng, thời gian triển khai đến hết ngày 30/6/2024. Lãi suất cho vay thấp hơn tối thiểu từ 1 - 2%/năm so với mức lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn.

Thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Nghệ An, bám sát các văn bản hướng dẫn của Hội sở chính, các Chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn đã kịp thời tiến hành rà soát các khách hàng là đối tượng của gói tín dụng 15.000 tỷ đồng, thông báo thông tin gói tín dụng ưu đãi để khách hàng biết và đề xuất ý kiến vay vốn.

Theo báo cáo từ phía các ngân hàng, trong thời gian qua để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, các ngân hàng đã triển khai rất nhiều các biện pháp để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, đồng thời tung ra nhiều gói, chương trình cho vay mới với lãi suất ưu đãi. Do vậy ngoài gói 15.000 tỷ đồng, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực lâm sản, thủy sản còn có nhiều lựa chọn gói vay hấp dẫn khác với lãi suất thấp hơn hoặc tương đương.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh chịu nhiều tác động từ nền kinh tế thế giới; nhiều doanh nghiệp trong nước; trong đó có các doanh nghiệp hoạt động trong ngành lâm sản, thuỷ sản gặp khó khăn, luân chuyển hàng hoá kém, nhiều cơ sở thu hẹp sản xuất, nên dù ngân hàng đã đưa ra khá nhiều gói vay ưu đãi nhưng doanh nghiệp không mặn mà. Một số doanh nghiệp muốn vay vốn thì không đáp ứng điều kiện vay. Nguồn tín dụng lãi suất ưu đãi dành cho các doanh nghiệp lâm, thủy sản nói riêng và lĩnh vực xuất khẩu nông sản nói chung khá dồi dào nhưng dư nợ không cao. Đến thời điểm hiện tại trên địa bàn chưa phát sinh số liệu giải ngân gói tín dụng 15.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi đối với ngành lâm sản, thuỷ sản.

Đến đầu tháng 11/2023, tổng dư nợ trên địa bàn Nghệ An đạt 277.670 tỷ đồng, so với đầu năm tăng 17.146 tỷ đồng, bằng 6,6%, gần bằng mức chung cả nước là 6,81%. Trong số đó, dư nợ cho vay đối với  lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 16% tổng dư nợ, so với đầu năm tăng 3%.  Dự ước dư nợ cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp và địa bàn nông thôn hết năm 2023 ước đạt 131.359 tỷ đồng, tăng 5,2% so với đầu năm, chiếm 44,4% dư nợ toàn địa bàn.

Một số doanh nghiệp ngành thuỷ sản chia sẻ, thời gian qua ngân hàng liên tục đưa ra các cơ chế chính sách gỡ khó cho doanh nghiệp. Việc các ngân hàng vừa hỗ trợ giãn thời hạn trả nợ vừa đưa ra các gói vay ưu đãi lãi suất đã tạo điều kiện khá tốt để các doanh nghiệp có thể vay nguồn vốn tín dụng thu mua nguyên liệu chuẩn bị cho các đơn hàng dịp cuối năm. Tuy nhiên, sau khó khăn thời kỳ dịch COVID-19 hiện nay đa số đều cạn tài sản thế chấp và hết hạn mức tín dụng.

Đại diện Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam chi nhánh Nghệ An cho hay, ngân hàng đã triển khai cho vay theo chương trình 15.000 tỷ,  qua rà soát đến nay chưa phát sinh dư nợ. Do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu đã tác động tiêu cực tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực lâm, thủy sản, đặc biệt là các doanh nghiệp trực tiếp tham gia xuất khẩu.  Sản xuất kinh doanh lĩnh vực thuỷ sản khó khăn, luân chuyển hàng hoá kém, nhiều cơ sở thu hẹp sản xuất nên đến nay vẫn chưa có khách hàng nào vay vốn chương trình này.

Để khơi thông nguồn vốn cho doanh nghiệp lâm, thủy sản, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh Nghệ An cũng đã tăng cường hoạt động thông tin tuyên truyền về chính sách tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản đến các khách hàng. Đồng thời, chủ động phối hợp với hiệp hội doanh nghiệp, liên minh hợp tác xã… để rà soát, nắm danh sách và tiếp cận các doanh nghiệp, hợp tác xã có hoạt động sản xuất, kinh doanh lâm sản, thủy sản nhằm nắm bắt nhu cầu vốn và cho vay theo chương trình đối với các khách hàng thuộc đối tượng.

Gói tín dụng 15.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi đang được kỳ vọng như một trợ lực giúp doanh nghiệp lâm, thủy sản ở Nghệ An vượt qua thời điểm khó khăn. Tuy nhiên, các điều kiện, thủ tục cần sát với thực tế hơn, giúp người dân, doanh nghiệp yên tâm sản xuất, kinh doanh. Có như vậy chủ trương tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh và thúc đẩy các động lực tăng trưởng nền kinh tế của Chính phủ mới phát huy hiệu quả./.