Xuất khẩu chè đạt tín hiệu khả quan trong 2 tháng đầu năm 2021 với 17 nghìn tấn
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), khối lượng xuất khẩu chè tháng 2/2021 ước đạt 8 nghìn tấn với giá trị đạt 14 triệu USD.
Đại dịch COVID-19 bùng phát đã gây ảnh hưởng lớn đến thị trường xuất khẩu nông sản toàn cầu, trong đó có ngành chè.
Tính chung cả năm 2020 xuất khẩu chè nước ta bị giảm cả về lượng và giá trị. Cụ thể, năm 2020, Việt Nam xuất khẩu gần 135.000 tấn chè, giảm 1,8% về lượng, còn giá trị đạt 217 triệu USD, giảm mạnh tới 7,8% so với năm trước.
Tuy nhiên, sang năm 2021, ngành chè đã có những tín hiệu khả quan hơn khi xuất khẩu trong 2 tháng đầu năm đạt 17 nghìn tấn, tuy giảm về khối lượng, nhưng giá trị lại tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái, thu về 29 triệu USD.
Xuất khẩu chè khả quan trong 2 tháng đầu năm 2021
Riêng trong tháng 1/2021, khối lượng chè xuất khẩu sang Pakistan – thị trường lớn nhất của Việt Nam, chiếm 41,2% thị phần tăng trở lại sau khi nhập khẩu giảm trong năm 2020. Cụ thể, tăng 0,9% về khối lượng và tăng 8,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020.
Giá chè xuất khẩu bình quân tháng 1/2021 đạt 1.605 USD/tấn, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2020.
Tại thị trường trong nước, chè nguyên liệu sau Tết Nguyên đán khá bình ổn, không có quá nhiều biến động. Tại Thái Nguyên, giá chè xanh búp khô ở mức 90.000 đ/kg, chè xanh búp khô đã sơ chế loại 1 ở mức 120.000 đ/kg. Tại Bảo Lộc (Lâm Đồng), giá chè cành ổn định 9.800 đ/kg.
Giá chè thành phẩm thời điểm trước Tết Tân Sửu 2021 tăng cao nhưng lượng người mua cũng không hề giảm sút mà còn tăng hơn so với dịp Tết năm trước. Tuy nhiên, sự bùng phát trở lại của dịch COVID-19 đã có ảnh hưởng đến việc tiêu thụ sản phẩm của bà con vùng chè Thái Nguyên.
Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản cho biết, trong tháng này, giá chè đấu giá tại Hiệp hội Thương mại chè Coonoor Ấn Độ (CTTA) có xu hướng đi xuống với mức giá trung bình đạt 132,95 Rs/kg, giảm 0,73 Rs/kg so với tháng trước.
Nhu cầu nhìn chung ít hơn so với các tuần trước do người mua nước ngoài và các nhà xuất khẩu đều chọn lọc và do dự khi chọn loại chè giá cao.
Nguồn: Tính toán theo số liệu từ Tổng cục Hải quan
Các nhà xuất khẩu cho biết điều kiện mùa đông khắc nghiệt ở nhiều quốc gia bao gồm: Mỹ, Nga và châu Âu với các tuyến đường thủy đóng băng cản trở việc di chuyển của hàng hóa đã ảnh hưởng đến các chuyến hàng vận chuyển chè. Đồng thời, ngành hàng chè vẫn được dự báo sẽ còn nhiều thách thức trong giai đoạn 2021-2022.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến xu hướng tiêu dùng thực phẩm, theo đó quan tâm nhiều hơn đến sức khoẻ. Người tiêu dùng sẵn sàng chi trả cho các sản phẩm có xu hướng tích cực hoặc ít ảnh hưởng đến môi trường.
Hải Yến