Xuất khẩu dệt may sang Mỹ tăng mạnh trong tháng 4

H.Mĩ 11:56 | 16/05/2025 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Xuất khẩu hàng dệt may sang Mỹ tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiệp hội Dệt may Việt Nam khuyến cáo các doanh nghiệp phối hợp với các nhãn hàng phía Mỹ để chia sẻ rủi ro và chi phí. Đồng thời, doanh nghiệp cần tích cực đàm phán với các nhãn hàng để cùng tồn tại.

Theo số liệu từ Cục Hải quan Việt Nam, xuất khẩu hàng dệt may sang Mỹ trong tháng 4 đạt gần 1,4 tỷ USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nguồn: Cục Hải quan Việt Nam (H.Mĩ tổng hợp)

 

  Nguồn: Cục Hải quan Việt Nam (H.Mĩ tổng hợp)

Phát biểu tại Diễn đàn “Thúc đẩy năng lượng xanh trong khu công nghiệp: Giải pháp cho doanh nghiệp triển khai hiệu quả”, do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức vào chiều nay (15/5), ông Trương Văn Cẩm, Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) cho biết hiện tại các doanh nghiệp trong ngành đang chạy đua với thời gian để tận dụng 90 ngày, giao hàng cho khách.

Bên cạnh đó, VITAS cũng khuyến cáo các doanh nghiệp chia sẻ mức thuế 10% với các khách hàng Mỹ.

"Chúng tôi khuyến cáo các doanh nghiệp phối hợp với các nhãn hàng chia sẻ rủi ro và chi phí. Đồng thời, doanh nghiệp cần tích cực đàm phán với các nhãn hàng để cùng tồn tại. Có thể chia sẻ 3 - 5%", ông Cẩm cho biết.

Ông Cẩm cho biết những năm qua, ngành dệt may chịu nhiều áp lực và môi trường biến động từ dịch bệnh, căng thẳng địa chính trị và thuế quan từ Mỹ.

Theo đó, xung đột Nga - Ukraine tác động đến giá năng lượng. Còn xung đột ở Trung Đông tác động đến cước vận chuyển. Các chuyến tàu phải đi đường vòng thay vì qua kênh đào Suez khiến giá cước tăng lên. Chủ nghĩa bảo hộ đang ngày càng leo thang, đặc biệt là sau khi Mỹ công bố áp thuế đối ứng.

Đối với thuế của Mỹ, Việt Nam là một trong những nước chịu mức thuế cao nhất. Hiện Việt Nam đang đàm phán nhưng mức thuế 10% đã có hiệu lực.

"Điều này có tác động rất lớn với chúng tôi - một ngành có lợi nhuận khá mỏng. Nếu so sánh với các nước đối thủ cạnh tranh, mức thuế của Việt Nam cao hơn rất nhiều. Đây là điều tác động rất lớn. Chúng tôi hy vọng vào các cuộc đàm phán của chính phủ có thể đưa về con số có thể chấp nhận được. Như trước đây, con số có thể cao nhưng vẫn chấp nhận được và không cao hơn so với những nước đang cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam", ông Cẩm cho biết.

Thêm một biến động nữa là chiến lược thời trang của các thị trường xuất khẩu. Nhiều nhãn hàng đưa ra chiến lược thời trang bền vững, thay cho thời trang nhanh. Hàng loạt thị trường đưa ra đạo luật về tra xuất xuất xứ, ví dụ như Đức.

EU có chỉ thị chung về tra soát, thẩm định trách nhiệm doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng. Mỹ có đạo luật chống lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ. Nếu doanh nghiệp sử dụng bông, vải liên quan đến vùng Tân Cương là bị ách lại tại cửa khẩu hải quan của Mỹ.

Ngoài ra, yêu cầu về giảm phát thải khí nhà kính cũng đang tác động đến các doanh nghiệp dệt may. Đối với ngành dệt may, hầu hết thương hiệu lớn đều tham gia chương trình hiến trương các thương hiệu thời trang về hành động vì khí hậu.

Khi tham gia vào tổ chức này, các thương hiệu phải cam kết các nhà cung cấp hàng hoá cho họ từ nay đến 2030 phải giảm 30% khí nhà kính và đến 2050 giảm 50%. Như vậy, áp lực tăng trưởng xanh, phát triển bền vững rất lớn.

Đại diện VITAS cho biết giải pháp là doanh nghiệp và người lao động nâng cao nhận thức, chung tay hành động. Các doanh nghiệp đa dạng hoá thị trường, tập trung vào các thị trường vốn trước đây mới chỉ dừng lại ở mức độ thăm dò. Ngoài ra, theo ông, thời gian tới, các doanh nghiệp cần thúc đẩy việc chuyển đổi sang năng lượng xanh. Việc này nhằm nâng cao nguồn lực tiết kiệm chi phí và xuất khẩu sang thị trường.