Xuất khẩu gạo của Việt Nam dự đoán có sự cạnh tranh lớn từ các nhà cung cấp khác

15:46 | 13/06/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trái ngược với mức tăng ấn tượng của năm 2020, xuất khẩu gạo trong những tháng đầu năm 2021 đang chứng kiến dấu hiệu giảm tốc thấy rõ về cả sản lượng lẫn trị giá.

Theo số liệu của tổng cục Hải quan cho biết, xuất khẩu gạo Việt Nam tháng 5/2021 đạt hơn 626 ngàn tấn, kim ngạch đạt hơn 339 triệu USD, giảm gần 20% về lượng và giảm hơn 20% về giá trị so với tháng trước.

Tổng 5 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu gạo Việt Nam đạt gần 2,6 triệu tấn, giá trị đạt hơn 1,4 tỷ USD, giảm 15,4% về lượng và giảm 5,3% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Philippines vẫn là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm nay với 35,6% thị phần khi đạt hơn 715 ngàn tấn, kim ngạch hơn 381 triệu USD, giảm 20,7% về khối lượng và giảm 4,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020… Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho biết.

Xuất khẩu gạo của Việt Nam dự đoán có sự cạnh tranh lớn từ các nhà cung cấp khác - ảnh 1

Xuất khẩu gạo của nước ta dự đoán có sự cạnh tranh lớn từ các nhà cung cấp khác 

Trong thời gian tới, triển vọng nhu cầu thị trường vẫn tương đối tốt. Tuy nhiên, xuất khẩu gạo của nước ta dự đoán có sự cạnh tranh lớn từ các nhà cung cấp khác như Thái Lan, Ấn Độ bởi giá gạo Việt Nam đang cao hơn so với gạo hai đối thủ lớn này.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo của Việt Nam những ngày đầu tháng 6 đã giảm so với tháng trước song vẫn đứng nhất bảng. Cụ thể, gạo 5% tấm của Việt Nam ngày 10/6 có giá 483 USD/tấn; trong khi gạo 5% tấm của Thái Lan có giá 450 USD/tấn; của Pakistan 443 USD/tấn và gạo Ấn Độ 388 USD/tấn.

Gạo 25% tấm của Việt Nam ngày 10/6 cũng có giá cao nhất khi ở mức 463 USD/tấn; kế đến là gạo Thái Lan với 430 USD/tấn; gạo Pakistan có giá 383 USD/tấn, trong khi gạo 25% tấm của Ấn Độ vẫn đứng ở mức 358 USD/tấn.

Theo hãng tin Reuters, Philippines (một trong những nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới) có thể sẽ tìm kiếm nguồn cung gạo từ các nguồn ngoài Đông Nam Á. Bộ trưởng Tài chính Philippines Carlos Dominguez cho hay nước này tìm cách đa dạng hóa nguồn cung, giữ giá gạo ở mức hợp túi tiền người dân và đề cập tới Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới và gạo đang có giá rẻ.

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, Philippines được dự báo là nước nhập khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới trong năm 2021 (sau Trung Quốc). Nhà cung cấp gạo truyền thống của Philippines là Việt Nam. Philippines cũng thường mua gạo từ Thái Lan, thi thoảng mua gạo với lượng nhỏ từ Ấn Độ và các nhà cung cấp khác ngoài Đông Nam Á.

Tìm cách đa dạng hóa nguồn cung và kìm chế lạm phát thực phẩm, Philippines đã hạ thuế nhập khẩu gạo. Giá nhập khẩu gạo trung bình (phần lớn từ Việt Nam) giảm 12,7%, xuống còn 19.312 peso/tấn (tương đương 404,82 USD/tấn) trong tháng 5, so với mức 22.110 peso/tấn ở cùng kỳ năm 2020 và 22.119 peso/tấn trong tháng 3.

Theo Reuters, giá xuất khẩu gạo của Việt Nam giảm do khách hàng chuyển sang các nguồn cung gạo giá rẻ hơn từ các nước xuất khẩu lớn khác…

Tại thị trường trong nước, theo VFA, giá lúa thường tại ruộng đầu tháng 6 có giá bình quân hơn 5.800 đồng/kg (giảm hơn 300 đồng so với thời điểm cuối tháng 5), lúa thường tại kho có giá bình quân hơn 6.800 đồng/kg (giảm 300 đồng).

Còn gạo 5% tấm có giá bình quân hơn 10.600 đồng/kg (giảm hơn 300 đồng); gạo lứt loại 1 có giá bình quân gần 9.400 đồng/kg (giảm 275 đồng/kg so với hồi cuối tháng 5)…

Thành Văn

Xem thêm: Nguồn cung hàng hóa thiết yếu đáp ứng đủ nhu cầu toàn dân