Xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2023 đạt kỷ lục về cả lượng và kim ngạch

Hoàng Anh 10:05 | 13/01/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Năm 2023, ngành gạo về đích xuất khẩu với 8,1 triệu tấn và 4,7 tỷ USD, mức kỷ lục cả về lượng và kim ngạch sau 34 năm tham gia vào thị trường toàn cầu.

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho biết trong tháng 12/2023, xuất khẩu của Việt Nam đạt 492.387 tấn, tương ứng 339 triệu USD, giảm 18% về lượng và giảm 15% về giá trị so với tháng 11.

 

Nguồn cung giảm dần, vụ thu hoạch Đông Xuân chưa đến, đặc biệt trong bối cảnh các thị trường vẫn tăng mua gạo Việt giúp giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đạt mức cao nhất kể từ năm 2008, khoảng 688 USD/tấn vào tháng 12/2023.

Tính chung cả năm 2023, xuất khẩu gạo cán đích 8,1 triệu tấn, tương ứng 4,7 tỷ USD, tăng 14% về lượng và tăng 35% về giá trị so với năm 2022.

Ngành gạo đã lập kỷ lục xuất khẩu cả về lượng và kim ngạch sau 34 năm tham gia vào thị trường toàn cầu. Bình quân giá gạo xuất khẩu trong năm 2023 đạt 580 USD/tấn, tăng 19% so với năm 2022.

 

Tại toạ đàm "Giải pháp đường dài cho xuất khẩu gạo", ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An cho rằng kết quả xuất khẩu gạo năm 2023 đã tốt, 2024 có thể tốt hơn khi các doanh nghiệp tận dụng được cơ hội thị trường, nhu cầu tiêu thụ vẫn lớn.

“Trong bối cảnh thế giới đang thiếu gạo, Việt Nam cũng bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu nhưng ít hơn. Chúng ta vẫn có thể tăng sản xuất. Đây không chỉ là cơ hội trời cho, mà cả sức mạnh nội tại.

Giá gạo Việt Nam giá cao hơn Thái Lan không phải ăn may mà có sự đầu tư thật sự. Việt Nam hơn hẳn Thái Lan về bộ giống lúa ngắn ngày, chất lượng cao”, ông Phạm Thái Bình nói.

Ông Nguyễn Vĩnh Trọng, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng, dự báo giá lúa gạo trong năm 2024 và trong tương lai vẫn giữ ở mức cao, Việt Nam nên tận dụng cơ hội sản xuất, xuất khẩu để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của nông dân.

"Những năm trước, giá gạo xuất khẩu ở mức thấp, còn giá gạo hiện tại mới phù hợp với công sức của bà con", ông Trọng nói.

 

Số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2023, thị trường Philippines vẫn đứng đầu về tiêu thụ gạo của Việt Nam, chiếm 38,5% trong tổng lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam.

Cụ thể, xuất khẩu gạo sang Philippines trong năm 2023 đạt 3,1 triệu tấn, tương đương 1,75 tỷ USD, giảm 2% về lượng nhưng tăng 18% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.

Ông Phùng Văn Thành, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Philippines dự báo năm 2024, nước này sẽ nhập khẩu từ 3,5 - 4 triệu tấn gạo, tương đương những năm trước.

Tại Philippines, gạo Việt Nam có nhiều lợi thế như phẩm chất phù hợp cho người tiêu dùng từ bình dân đến cao cấp, giá cả cạnh tranh. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng có mối quan hệ lâu năm với đối tác nhập khẩu tại đây, hai nước lại gần nhau về địa lý nên vận chuyển khá thuận lợi.

"Gần đây, Philippines nhận thấy sự phụ thuộc lớn về gạo Việt Nam nên đang tìm cách đa dạng hóa nguồn cung nhưng tôi tin rằng chúng ta vẫn giữ được vị trí số 1.

Dư địa thị trường Philippines còn lớn để Việt Nam có thể khai thác tiếp. Các nhà xuất khẩu Việt Nam cần giữ thị trường Philippines bên cạnh mở rộng thị trường mới", ông Thành khuyến cáo.

Ngoài ra, ông Thành cũng đặt vấn đề người Philippines ăn gạo Việt Nam rất nhiều nhưng không hề biết đó là hàng Việt. Do đó, ông cho rằng việc xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam tại Philippines cũng là nhiệm vụ lớn, bên cạnh gia tăng xuất khẩu về lượng.

Ngoài ra, thị trường Indonesia đứng thứ hai về tiêu thụ gạo Việt Nam, chiếm hơn 14%.  Xuất khẩu gạo sang Indonesia đạt 1,1 triệu tấn, tương ứng 640 triệu USD, tăng 878% về lượng và tăng 992% về giá trị so với năm 2022. Đây là thị trường có mức độ tăng trưởng mạnh nhất.

Đứng thứ ba là thị trường Trung Quốc, chiếm hơn 11% tổng lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam. Xuất khẩu gạo sang Trung Quốc năm 2023 đạt 917 nghìn tấn, tương ứng 530 triệu USD, tăng 8% về lượng và tăng 23% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.

Ngoài ra, Việt Nam cũng xuất khẩu khá nhiều gạo cho các quốc gia châu Phi như Bờ Biển Ngà, Ghana…