Xuất khẩu gạo dự báo nhiều khó khăn

15:29 | 25/06/2019 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Xuất khẩu gạo của Việt Nam 6 tháng đầu năm 2019 và dự báo cả năm 2019 sẽ gặp khó khăn về thị trường, do đó, cần có giải pháp, hướng đi cho ngành sản xuất, xuất khẩu lúa gạo để đảm bảo lợi ích cho cả doanh nghiệp và người nông dân.

Đây là nhận định của các đại biểu tại Hội nghị sơ kết xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm 2019 do Bộ Công Thương tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh, ngày 24/6.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 5 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu gạo đạt 2,76 triệu tấn, giảm 6,3% so với cùng kỳ năm 2018, trị giá đạt khoảng 1,18 tỷ USD, giảm 20,4%. Philippines trở thành thị trường xuất khẩu chính của gạo Việt Nam, chiếm 38,6% trong tổng xuất khẩu cả nước.

Còn theo Bộ Công Thương, ngoại trừ thị trường Philippines, các thị trường nhập khẩu gạo lớn, truyền thống như Trung Quốc, Indonesia và Bangladesh đều đồng loạt giảm nhập khẩu trong nửa đầu năm. Nguyên nhân có thể do: tồn kho của vụ sản xuất cũ cao ở Trung Quốc, năm bầu cử ở Indonesia, Bangladesh khôi phục sản xuất sau lũ lụt...

Trong dự báo 6 tháng của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), nguồn cung lúa, gạo thế giới được dự báo tăng do sản lượng gạo của các nước sản xuất tăng. Thái Lan tăng 138.000 tấn so với năm trước, Ấn Độ tăng 2,87 triệu tấn, Campuchia tăng 79.000 tấn. Không chỉ Việt Nam, các nước Ấn Độ, Thái Lan đều rơi vào tình trạng xuất khẩu sụt giảm.

Xuất khẩu gạo dự báo nhiều khó khăn - ảnh 1
 Ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương phát biểu khai mạc hội nghị.
Đánh giá về tình hình khó khăn của ngành xuất khẩu gạo trong năm 2019, ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, ngay từ đầu năm, việc điều hành xuất khẩu gạo đã bám sát mục tiêu tiêu thụ lúa gạo vụ Đông Xuân cho người nông dân và đảm bảo lợi ích cho người trồng lúa theo chính sách hiện hành. Giá lúa, gạo nội địa ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã duy trì ở mức đảm bảo có lãi cho người nông dân. Việc điều hành xuất khẩu gạo cũng bảo đảm cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, góp phần bình ổn giá lúa, gạo trong nước trong bối cảnh giá nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu đều tăng.
Tuy nhiên, do nhu cầu từ các thị trường nhập khẩu gạo trên thế giới, đặc biệt là các thị trường lớn như Trung Quốc, Indonesia và Bangladesh đều sụt giảm, trong khi đó, theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), nguồn cung lúa, gạo thế giới sẽ tăng do sản lượng của các nước sản xuất lớn đều tăng nên xuất khẩu gạo của Việt Nam và một số nước khá ảm đạm.
Đồng quan điểm, bà Bùi Thị Thanh Tâm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho rằng, không chỉ năm 2019, mà những năm tiếp theo, xuất khẩu gạo của Việt Nam cũng sẽ đối mặt với nhiều thách thức.
Đầu tiên là sự gia tăng nguồn cung lúa gạo trên thế giới, cụ thể là diện tích và sản lượng lúa gạo ở nhiều quốc gia đang tăng lên do hiệu ứng giá gạo cao của những năm trước. Ước tính tổng sản lượng gạo toàn cầu năm 2019 sẽ đạt hơn 499 triệu tấn, tăng thêm 4,2 triệu tấn so với năm 2018.
Tiếp đến là lượng gạo tồn kho từ các niên vụ trước còn khá lớn, điển hình như Trung Quốc, hiện nay đang tồn kho khoảng 116 triệu tấn gạo; từ một nước nhập khẩu gạo, Trung Quốc hiện nay đã trở thành nước xuất khẩu gạo lớn, có khả năng thay thế vị trí của Mỹ.
Xuất khẩu gạo dự báo nhiều khó khăn - ảnh 2
 Tình hìnhxuất khẩu gạo trong 6 tháng đầu năm 2019 ảm đạm.
Theo bà Bùi Thị Thanh Tâm, xuất khẩu gạo của Việt Nam vào Trung Quốc 6 tháng đầu năm 2019 đã giảm tới 72%, mặc dù xuất khẩu sang Philippines tăng mạnh nhưng cũng mới chỉ bù được một phần giảm sút của thị trường Trung Quốc. Vì vậy, nếu như nửa đầu năm 2019, tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn tạm ổn với mức sụt giảm nhẹ thì dự báo những tháng cuối năm tình hình sẽ còn khó khăn hơn nhiều.
Xác định trong thời gian tới thị trường gạo thế giới vẫn còn diễn biến khó lường, do đó, để đẩy mạnh xuất khẩu gạo trong các tháng cuối năm, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho rằng, các bộ cần làm tốt thông tin về thị trường, có gì mới phải thông báo ngay. Cần hết sức coi trọng thị trường Trung Quốc vì đây vẫn là nhà nhập khẩu lớn. Đặc biệt quan tâm tới việc kết nối với bên ngoài, nếu có thể kết nối với 2-3 nhà phân phối lớn của nước ngoài, họ đặt hàng thì ta sẽ đặt hàng lại cho nông dân, như vậy mới tạo được chuỗi liên kết hoàn chỉnh và hiệu quả.
Đặc biệt, với việc kiểm soát chặt chẽ như hiện nay, các doanh nghiệp phải ý thức được đảm bảo chất lượng hàng xuất khẩu, giữ vững uy tín, thương hiệu bằng sự trung thực về năng lực xuất khẩu, tránh những rủi ro mà một số doanh nghiệp đã vướng phải trong thời gian qua.
Bộ Công Thương sẽ đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giải quyết nhanh bài toán tính lại diện tích, sản lượng lúa gạo cân đối với nhu cầu thị trường; chuyển đổi sang các loại cây trồng có hiệu quả, kinh tế cao hơn, cơ cấu lại mùa vụ để đạt được chất lượng cao, hướng tới mục tiêu xuất khẩu ít hơn nhưng mang lại giá trị kinh tế lớn hơn, tăng lợi nhuận cho người nông dân.
Song song với đó, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ xây dựng chiến lược đầu tư cho chế biến, nâng cao năng lực quản trị chất lượng lúa gạo nói riêng và nông sản nói chung để đảm bảo được đầu ra ổn định cho lương thực, nông sản của Việt Nam.