Xuất khẩu gạo trong tháng 2 tiếp tục sụt giảm mạnh

17:00 | 24/02/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Mặc dù giá gạo xuất khẩu đầu năm 2021 tăng 3,4% so với tháng 12 năm 2020, tuy nhiên khối lượng xuất đi 2 tháng đầu năm đã giảm đến 34%.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, lượng gạo xuất khẩu trong tháng 2/2021 ước đạt hơn 262 ngàn tấn, tương đương khoảng 142,42 triệu USD, giảm 50,98% về khối lượng và giảm 40,18% về kim ngạch so với tháng 2/2020.

Cộng dồn 2 tháng đầu năm 2021 ước đạt 608.768 tấn, tương đương 336,18 triệu USD. So với tháng 2/2020 giảm 34,45% về khối lượng và giảm 21,9% về kim ngạch.
 
Xuất khẩu gạo trong tháng 2 tiếp tục sụt giảm mạnhNông dân ở xã Phú Long, huyện Phú Tân (An Giang) bán lúa đông xuân - Ảnh Nguyễn Huyền

Thị trường Số 1 Philippines giảm mạnh


Giá xuất khẩu gạo tháng 1/2021 đạt trung bình 551,7 USD/tấn, tăng 3,4% so với tháng 12/2020 và tăng 15,4% so với tháng 1/2020.

Philippines – thị trường đứng đầu về tiêu thụ gạo của Việt Nam trong tháng đầu năm 2021 sụt giảm mạnh 38% cả về khối lượng và kim ngạch so với tháng 12/2020 đạt 169.871 tấn, tương đương 91,38 triệu USD, chiếm 48% trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước. Tuy nhiên, giá xuất khẩu gạo sang Philippines tăng nhẹ 2%, đạt trung bình 537,9 USD/tấn.

Xếp sau thị trường Philippines là Trung Quốc đạt 57.849 tấn, trị giá 30,13 triệu USD, giảm 1,2% về lượng và giảm 3,9% về kim ngạch, chiếm 16% trong tổng lượng và tổng kim ngạch gạo xuất khẩu của cả nước. Giá xuất khẩu đạt 520,9 USD/tấn, giảm 2,8%.

Tiếp sau đó là thị trường Gana tăng rất mạnh 144,8% về lượng và tăng 150% về kim ngạch so với tháng liền kề trước đó, đạt 39.341 tấn, tương đương 23,2 triệu USD, chiếm trên 12% trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước, tuy nhiên giá xuất khẩu chỉ tăng nhẹ 2,1%, đạt 589,6 USD/tấn.

Đáng chú ý, trong tháng 1/2021 xuất khẩu gạo sang thị trường Bờ Biển Ngà tăng mạnh nhất 274% về lượng và tăng 252,7% về kim ngạch so với tháng 12/2020, đạt 11.387 tấn, tương đương 6,63 triệu USD, chiếm trên trên 3% trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước, tuy nhiên giá xuất khẩu giảm 5,7%, đạt 582,6 USD/tấn.

Giá gạo 5% của Ấn Độ có xu hướng tăng nhẹ dần đều trong tháng từ mức 384 USD/tấn lên 388 USD/tấn vào cuối tháng. Giá gạo Thái Lan cũng tăng lên nhưng với biên dao động cao hơn từ mức 513 USD/tấn vào đầu tháng lên 523 USD/tấn vào cuối tháng.
 

Giá lúa gạo trong nước giảm nhẹ


Tại thị trường trong nước, giá lúa, gạo tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã giảm từ 100 - 200 đồng/kg.

Một doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở tỉnh Đồng Tháp cho biết, hiện lúa ĐT8 có từ giá 6.800 - 7.000 đồng/kg, lúa Jasmine dao động từ 6.500 - 6.700 đồng/kg, OM 5451 giá 6.300 - 6.500 đồng/kg và lúa IR 50404 giá 6.200 - 6.400 đồng/kg.

Gạo IR 50404 đang giao dịch mức 11.500, OM 5454 giá 11.900 đồng/kg, gạo Jasmine giá 12.200 đồng/kg và ĐT 8 giá 12.500 đồng/kg.

Tại An Giang giá lúa giảm nhẹ, giá gạo ổn định. Cụ thể: giá lúa OM 9577, OM 9582 ở mức trên dưới 6.500 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg; IR 50404 ở mức 6.400 đồng/kg. Lúa OM 6976 giảm 100 đồng/kg 6.500 đồng/kg.

Giá gạo ổn định: gạo nàng Nhen ổn định 16.000 đồng/kg; gạo Hương lài 19.500 đồng/kg; gạo nàng hoa 16.200 đồng/kg.

Nông dân Bạc Liêu bắt đầu thu hoạch lúa Đông Xuân, với lúa OM 5451 có giá 6.500 - 6.700 đồng/kg, Đài Thơm 8 ở mức 6.700 - 6.900 đồng/kg, lúa ST24 có giá 7.000 - 7.500 đồng/kg.

Vẫn theo doanh nghiệp này, so với thời điểm trước Tết giá lúa ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long hiện nay thay đổi không nhiều, vì còn khoảng 3 tuần nữa các tỉnh miền Tây mới thu hoạch rộ. Tuy nhiên, có nhiều dấu hiệu cho thấy giá vụ Đông Xuân sẽ vẫn duy trì ở mức cao, vì năm nay lúa Đông Xuân không thu hoạch đồng loạt nên khi vào chính vụ nguồn cung lúa sẽ không dồi dào như các như các năm trước.

Hiện nay có nhiều thương lái Trung Quốc tìm đến các doanh nghiệp gạo ở miền Tây để mua gạo xuất khẩu về nước họ cũng như xuất khẩu đi các nước khác. Tuy nhiên, do diện tích lúa đến kỳ thu hoạch chưa nhiều, giá lúa gạo còn tương đối cao nên chưa chốt được hợp đồng với doanh nghiệp Việt Nam.

“Thương nhân Trung Quốc này có công ty ở Trung Quốc nhưng họ chưa mở công ty ở Việt Nam nên chưa có đủ tư cách pháp nhân để xuất khẩu, vì vậy, khi mua xong gạo họ sẽ nhờ doanh nghiệp trong nước xuất ủy thác về Trung Quốc hoặc xuất đi các nước mà công ty bên Trung Quốc có hợp đồng. Mỗi năm thương nhân Trung Quốc này mua khoảng 2 triệu tấn gạo của Việt Nam”, doanh nghiệp này chia sẻ.

Các thương lái ở đồng bằng sông Cửu Long cho biết, hôm nay gạo nguyên liệu về nhiều hơn. Khách Trung Quốc tiếp tục hỏi mua lúa nếp, giá lúa nếp tươi vững ở mức cao. Cụ thể giá nếp khô ở tỉnh An Giang dao động từ 7.600 - 7.900 đồng/kg.

Trong nửa cuối tháng 2/2021 nhiều kho đặt mua tấm thơm vụ Đông Xuân 2021 để giao cho các thương nhân xuất đi châu Phi. Nguồn cung tấm thơm ít, hàng chưa có nhiều, nhà máy chào giá bán cao.

Trên thị trường thế giới, giá chào bán gạo 5% tấm của Việt Nam đứng ở mức 505 - 510 USD/tấn.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) dự báo, xuất khẩu gạo năm 2021 vẫn duy trì tín hiệu lạc quan cả về sản lượng và giá bán. Hiện nay, các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Philippines, châu Phi... tiếp tục ký hợp đồng mua gạo của Việt Nam và giá gạo đang ở mức rất khả quan.
 
Theo BizLIVE