Xuất khẩu hồ tiêu kỳ vọng tìm lại "thời kỳ hoàng kim" nhờ các FTA

16:16 | 15/01/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Sau khi đạt đỉnh vào năm 2014-2017, ngành hồ tiêu đánh mất vị thế cho đến tận bây giờ và liên tục rớt khỏi ngành xuất khẩu tỷ đô.
Mặt hàng hồ tiêu lọt vào nhóm 1 tỷ USD liên tục trong những năm 2014 – 2017, đặc biệt lập kỷ lục 1,42 tỷ USD vào năm 2016.
 
Thế nhưng 3 năm qua, ngành hàng này bị rớt khỏi nhóm tỷ đô. Năm 2020, ngành hồ tiêu còn "cám cảnh" hơn, khi kim ngạch xuất khẩu chỉ còn 666 triệu USD, tức là thấp hơn cả kết quả cách đây 10 năm, trong khi khối lượng xuất khẩu tăng gấp 2,3 lần.
 
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, xuất khẩu mặt hàng hồ tiêu tháng 12/2020 được 23 nghìn tấn với giá trị đạt 62 triệu USD. Xuất khẩu tiêu cả năm 2020 đạt 288 nghìn tấn và 666 triệu USD, tăng 1,2% về khối lượng nhưng lại giảm 6,8% về giá trị so với năm 2019.
 
 

Cao kỷ lục về lượng, nhưng giá trị thì thấp thảm hại

 

Ba thị trường xuất khẩu tiêu lớn nhất của Việt Nam trong năm 2020 là Hoa Kỳ, Đức và Các Tiểu vương quốc Ảrập Thống Nhất chiếm 30,7% thị phần tổng giá trị xuất khẩu tiêu. Năm vừa qua, xuất khẩu tiêu tăng mạnh nhất là vào thị trường Philippines, với mức tăng 18,9%. Ngược lại, giá trị xuất khẩu tiêu giảm mạnh nhất là vào Ấn Độ, giảm 43%. Giá tiêu XK bình quân đạt 2.280,2 USD/tấn, giảm 9,5% so với cùng kỳ 2019.
 
Xuất khẩu hồ tiêu kỳ vọng tìm lại
 
Tại thị trường EU, xuất khẩu tiêu đạt 27,9 nghìn tấn với giá trị 76,7 triệu USD tăng 2% về lượng nhưng giảm 6% về giá trị so với năm trước. Giá xuất khẩu hồ tiêu sang EU trong tháng 12/2020 đã có sự khả quan hơn khi đạt mức 3.135 USD/tấn, tăng 9% so với tháng 11/2020 và tăng 14% so với cùng kỷ 2019. Tuy nhiên, chịu áp lực từ giá thế giới giảm sâu những tháng trước đây do yếu tố dư cung kéo dài nên giá xuất khẩu hồ tiêu bình quân cả năm 2020 vào EU chỉ đạt 2.750 USD/tấn, giảm 8% so với cùng kỳ 2019. Phân khúc nhà hàng, khách sạn ở châu Âu tiêu thụ rất nhiều hồ tiêu của Việt Nam, nhưng châu Âu đang đối mặt với làn sóng Covid thứ 2 và trở thành tâm dịch thế giới nên phân khúc này bị ảnh hưởng mạnh.
 
Hiện dịch Covid-19 đang khiến mọi hoạt động kinh tế, lễ hội của các nước trên thế giới trong cuối năm 2020 bị tê liệt và khả năng vẫn kéo dài sang đầu năm 2021. Dự báo xuất khẩu tiêu của Việt Nam trong ngắn hạn sẽ trầm lắng khi thiếu các yếu tố hỗ trợ. Bên cạnh đó, thời điểm giáp Tết Nguyên đán cũng là lúc Việt Nam bước vào vụ thu hoạch nên giá XK tiêu nhiều khả năng sẽ giảm xuống.
 
Nhìn lại hành trình 10 năm xuất khẩu tiêu cho thấy, khối lượng xuất khẩu tiêu của Việt Nam liên tục tăng lên hàng năm. Nếu năm 2011, lượng xuất chỉ gần 124 nghìn tấn, thì đến năm 2020, lượng tiêu xuất khẩu đã lên tới 288 nghìn tấn, cao nhất từ trước tới nay. Tuy nhiên, diễn biến giá trị lại chỉ song hành tăng trưởng với khối lượng trong thời gian từ 2011 – 2016. Ngành hồ tiêu chính thức lọt vào nhóm ngành hàng tỷ đô vào năm 2014 với kim ngạch xuất khẩu 1,2 tỷ USD, rồi đạt 1,26 tỷ USD vào năm 2015, thiết lập mốc 1,42 tỷ USD vào năm 2016.
 
Tuy nhiên, từ năm 2017 đến nay, kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu liên tục tụt dốc một cách thảm hại: năm 2017 là 1,12 tỷ USD; năm 2018 xuống 758,8 triệu USD; năm 2019 là 722 triệu USD, năm 2020 chỉ còn 666 triệu USD, thấp hơn cả giá trị xuất khẩu năm 2010.
 

Đỉnh thế giới về lượng nhưng giá thì ở đáy

 

Đã 18 năm nay, Việt Nam liên tục đứng vị trí số 1 thế giới về khối lượng hồ tiêu xuất khẩu. Đặc biệt, nhờ diện tích gieo trồng loại cây này tăng mạnh, năm 2011 với 45,1 nghìn ha, Việt Nam đã vượt qua Ấn Độ để trở thành nước có diện tích và sản lượng thu hoạch tiêu lớn nhất thế giới. Đến thời điểm này, diện tích hồ tiêu ở Việt Nam đã đạt 152.000 ha trong khi quy hoạch đến năm 2020 tầm nhìn 2030, diện tích trồng tiêu của cả nước chỉ ở mức 50.000 ha.
 
Xuất khẩu hồ tiêu kỳ vọng tìm lại
 
Điều đáng quan ngại, trong khi Việt Nam đứng đầu thế giới về diện tích, sản lượng và khối lượng hồ tiêu xuất khẩu thì giá xuất khẩu tiêu của nước ta lại đang thấp nhất thế giới. Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, năm 2020, trong khi giá tiêu xuất khẩu của Việt Nam chỉ ở mức trên dưới 2.300 USD/tấn, thì tại cảng Kuching của Malaysia, giá hạt tiêu đen và hạt tiêu trắng xuất khẩu của Malaysia vẫn ổn định ở mức 3.675 USD/tấn và 4.900 USD/tấn. Trong khi đó, giá tiêu đen xuất khẩu của Ấn Độ tại cảng Kochi đạt mức 4.821 USD/tấn.
 
Theo Bộ NN&PTNT, sản lượng tiêu thu hoạch hàng năm của Việt Nam chiếm 50% trong tổng sản lượng tiêu toàn thế giới. Hiện 95% khối lượng hạt tiêu của Việt Nam dùng cho xuất khẩu, còn lại 5% tiêu thụ ở nội địa. Trong sản lượng hạt tiêu xuất khẩu sang các thị trường quốc tế, đã bao gồm sản phẩm tiêu chế biến gồm: tiêu đen, tiêu trắng, tiêu nghiền bột; ngoài ra còn có các sản phẩm có số lượng ít như: tiêu đỏ, tiêu xanh, tiêu đỏ ngâm nước muối. Tuy nhiên, cơ cấu sản phẩm hồ tiêu chế biến chưa hợp lý, tiêu trắng (tiêu sọ) có giá trị gia tăng cao chỉ chiếm 10 – 15% tổng sản lượng, trong khi tiêu đen vẫn chiếm tới 85-89%. Hiện nay, hồ tiêu Việt Nam chủ yếu vẫn xuất thô, luôn cạnh tranh bằng giá ở phân khúc thấp.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, ngành hàng hạt tiêu có 18 nhà máy chế biến quy mô công nghiệp, tổng công suất khoảng 70.000 - 80.000 tấn/năm. Trong đó, có 14 nhà máy có công nghệ khá hiện đại, có sản phẩm chế biến đạt các tiêu chuẩn quốc tế: ESA, ASTA... Tỷ lệ sử dụng công suất thiết kế bình quân là 56,4%. Chế biến công nghiệp chiếm khoảng 65% sản lượng. Do đó, giải pháp dài hơi cho vấn đề này là phải quy hoạch lại vùng sản xuất, sau đó đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuẩn hóa quy trình canh tác, liên kết sản xuất hồ tiêu theo hướng nông nghiệp sạch. Đây là hướng đi tất yếu để tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm tiêu bền vững.

Phải chuẩn hóa quy trình canh tác

 

Rất nhiều FTA được thực thi thời gian gần đây đã mở ra cơ hội tăng tốc xuất khẩu hồ tiêu nói riêng, các loại nông sản nói chung. Đối với EVFTA, các nước EU cam kết xóa bỏ thuế quan đối với sản phẩm hạt tiêu (mã HS 0904) ngay khi hiệp định có hiệu lực. Do vậy, EVFTA có hiệu lực sẽ là đòn bẩy tốt để các DN tiêu Việt Nam tăng cường xuất khẩu vào các nước EU (đặc biệt là đối với các sản phẩm chế biến trước đây có mức thuế từ 5 - 9%). Với CPTPP, có 9 nước cam kết xóa bỏ ngay lập tức thuế quan gồm: Australia, New Zealand, Canada, Malaysia, Singapore, Brunei, Chile, Peru, Nhật Bản. Riêng Mexico cam kết xóa bỏ thuế theo lộ trình 16 năm đối với mặt hàng hồ tiêu xanh. Đáng chú ý, trong các nước CPTPP, chỉ có Malaysia là nước có sản xuất hạt tiêu đáng kể. Tuy nhiên, tỷ lệ XK không nhiều, chỉ khoảng 3% lượng xuất khẩu toàn cầu.
 
Xuất khẩu hồ tiêu kỳ vọng tìm lại
 
Bên cạnh đó, giá bán hồ tiêu sẽ phụ thuộc vào chủng loại hạt cũng như chất lượng của hạt, nên để nâng cao giá bán cho hồ tiêu, biện pháp cốt lõi nằm ở khâu trồng trọt và khâu sau thu hoạch. Ngành hồ tiêu cần đổi mới mô hình tăng trưởng thời gian tới, chú trọng về chất lượng ngay từ khâu nguyên liệu để tạo ra sản phẩm chất lượng cao và tham gia vào các thị trường có giá trị gia tăng cao, nâng cao giá trị và hiệu quả kinh tế.
 
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuẩn hóa quy trình canh tác, liên kết sản xuất hồ tiêu theo hướng nông nghiệp sạch là hướng đi tất yếu để phát triển cây tiêu bền vững ở Việt Nam. Thời gian qua, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cùng với nhiều địa phương đã tổ chức các chương trình tập huấn, hướng dẫn nông dân canh tác hồ tiêu đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu. Trong chương trình hợp tác công – tư, nhiều doanh nghiệp cũng tham gia vào việc huấn luyện nông dân trồng tiêu nâng cao chất lượng sản phẩm thu hoạch.
 
Ông Weraphon Charoenpanit, Giám đốc kinh doanh Nhánh khoa học cây trồng, Bayer Việt Nam chia sẻ: cách duy nhất để giữ vững vị trí xuất khẩu hồ tiêu hàng đầu thế giới là phải đảm bảo chất lượng sản xuất cũng như tuân thủ các tiêu chuẩn mới của EVFTA. Là một phần trong cam kết cung cấp các giải pháp nông nghiệp tiên tiến, Bayer giúp nông dân tiếp cận các phương pháp canh tác nông nghiệp mới, giúp tăng năng suất, chất lượng mùa vụ. Từ đó cải thiện sinh kế và giúp ngành hồ tiêu Việt Nam đạt được lợi thế cạnh tranh trên thị trường châu Âu.
 
Bằng việc tiếp tục cung cấp các giải pháp khoa học và nâng cao chất lượng kỹ thuật, Bayer cam kết tập trung hỗ trợ cho sự phát triển của ngành hồ tiêu, góp phần thúc đẩy nền nông nghiệp phát triển bền vững.
 
Theo ông Nguyễn Ngọc Luân, Chủ tịch Hợp tác xã nông nghiệp Lâm San ở Đồng Nai cho hay, ngành khuyến nông địa phương và một số DN đã hỗ trợ cung cấp nguyên liệu đầu vào và các giải pháp quản lý dịch hại tổng hợp cho người dân, trong khi Hợp tác xã nông nghiệp Lâm San giúp đảm bảo đầu ra. Việc áp dụng bộ giải pháp của Bayer cho cây tiêu cũng giúp vườn của chúng tôi phòng tránh được các bệnh phổ biến. Bên cạnh đó, sự kết hợp Much More Black Pepper, hệ thống tưới nhỏ giọt và thuốc trị tuyến trùng Velum của Bayer tạo nên một gói giải pháp tích hợp, đảm bảo nước và thuốc bảo vệ thực vật được phân phối đều và thấm trực tiếp vào rễ cây trồng. Những giải pháp này giúp việc tưới tiêu được thực hiện đúng cách, đảm bảo tiêu chuẩn về liều lượng thuốc bảo vệ thực vật trên nông sản xuất khẩu.

Xuất khẩu hồ tiêu kỳ vọng tìm lại thời kỳ hoàng kim nhờ các FTA

 

Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) vừa có thông báo về tình hình sản xuất hồ tiêu hiện tại, sau khi tổ chức khảo sát hồ tiêu trên diện rộng diễn ra trong 2 đợt. Đợt 1 từ 1-2/12/2020 trên địa bàn hai tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu. Đợt 2 từ ngày 15-18/12/2020 tại Bình Phước, Đăk Nông, Đăk Lăk, Gia Lai. Đây là hai vùng trọng điểm có diện tích trồng tiêu chiếm hơn 90% diện tích hồ tiêu cả nước.
 
Kết quả khảo sát cho thấy, diện tích hồ tiêu ở các vùng trồng năm nay giảm nhiều do giá hồ tiêu xuống quá thấp, nông dân hạn chế đầu tư chăm sóc các vườn tiêu, diện tích tiêu chết và già cỗi được thay thế bởi các loại cây trồng khác. Cùng với sự sụt giảm diện tích do thiếu chăm sóc, sản lượng hồ tiêu vùng Đồng Nai có thể giảm 25% và Bà Rịa – Vũng Tàu giảm 20% trong niên vụ 20/21. Hàng tồn kho vẫn còn ở một số nông hộ có điều kiện kinh tế tốt, đại lý và giới đầu cơ. Mối quan ngại lớn nhất đối với nông dân trồng tiêu ở Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu hiện nay là chi phí lao động cao.
 
Đây là yếu tố liên quan trực tiếp đến giá thành sản xuất và ảnh hưởng đến quyết định của nông dân trong việc duy trì vườn tiêu hoặc tái đầu tư hay không. Với giá hồ tiêu hiện nay khoảng trên dưới 54.000 đồng/kg trong khi chi phí lao động dao động từ 200.000-230.000 đồng/công/ngày thì người nông dân trồng tiêu vẫn còn rất nhiều khó khăn.
 
Mặc dù diện tích giảm nhưng hầu hết các vườn tiêu trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu canh tác theo hướng sạch, bền vững, sử dụng phân chuồng và phân hữu cơ là chính, hạn chế tối đa sử dụng phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật. Nguyên nhân một phần là do nhận thức của người dân được nâng cao và không đủ điều kiện đầu tư trong bối cảnh giá xuống thấp. Do đó, hồ tiêu được kỳ vọng đạt chất lượng tốt trong mùa vụ tới.
 
Đợt 2 khảo sát tại các huyện Bình Phước, Đăk Nông, Đăk Lăk, Gia Lai cho thấy: sản lượng hồ tiêu tỉnh Bình Phước có thể giảm trên 50%; Đăk Nông giảm 20%; Gia Lai giảm 60% so với thời kỳ đỉnh điểm năm 2017. Riêng tỉnh Đăk Lăk chưa thể đánh giá tương đối vì khảo sát chỉ mang tính đại diện tại hai huyện Cư Kuin và Buôn Hồ và năng suất cho thấy sự khác biệt giữa các vùng. Tuy nhiên, sản lượng hồ tiêu của tỉnh Đăk Lăk giảm 30% là hoàn toàn có khả năng. Tính trên cả nước, sản lượng hồ tiêu Việt Nam 2021 có thể giảm từ 25-30% so với năm 2020.
 
Xuất khẩu hồ tiêu kỳ vọng tìm lại
 
Ngoài đối tượng là nông dân, đoàn khảo sát cũng ghé thăm hai đại lý lớn và một hợp tác xã xuất khẩu hồ tiêu thuộc địa bàn tỉnh Đồng Nai. Kết quả ghi nhận lượng hàng tồn trong kho vẫn còn nhiều, chưa kể lượng đã bán nhưng chưa xuất ra khỏi kho. Tình trạng giá cước cao và không có chỗ trên tàu khiến một lượng hàng tồn không thể giải phóng. VPA đề nghị Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn và các cục, vụ liên quan chỉ đạo sở nông nghiệp các địa phương thống kê đầy đủ thực tế về diện tích hồ tiêu bị chết do sâu bệnh, cằn cỗi năng suất thấp chuyển đổi sang cây trồng khác và thực tế tổng diện tích hồ tiêu hiện nay tại các tỉnh.
 
Hiện đang là đầu vụ thu hoạch tiêu tại Việt Nam, từ tháng 11/2020 đến nay, giá tiêu xuất bán tại vườn của nông dân đã có dấu hiệu tăng nhẹ, do sản lượng thu hoạch giảm mạnh vì dịch bệnh và thiên tai. Ông Đinh Xuân Thu, Ủy viên Ban chấp hành VPA nhận định, trong những tháng tới, giá XK của Việt Nam sẽ tăng. EVFTA cũng mở ra nhiều cơ hội cho ngành hàng hạt tiêu Việt Nam trên thị trường EU. Tuy nhiên, giá xuất khẩu được kỳ vọng tốt hơn khi diện tích và sản lượng tiêu ở nhiều vùng trồng trọng điểm dự kiến giảm mạnh do ảnh hưởng của thiên tai và dịch bệnh.
 
"Nông dân hiện đang có niềm tin rất lớn vào việc giá tiêu tăng trong niên vụ 2021 sắp tới. Tâm lý đầu vụ giá hồ tiêu sẽ giảm khiến cho các công ty xuất nhập khẩu có tiềm lực kinh tế tốt tăng mua dự trữ, điều đó sẽ tạo thêm áp lực cạnh tranh mua bán trên thị trường. Giá hồ tiêu sẽ tăng ngay trong đầu vụ năm 2021 và sẽ dao động tăng từ tháng 4/2021 đến cuối năm 2021, có thể dao động ở mức 60.000-70.000 đồng/kg", ông Thu nói.
 
Tuy vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, với tình dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp như hiện nay, nhu cầu của các thị trường xuất khẩu lớn của hồ tiêu Việt Nam như Ấn Độ, Mỹ, châu Âu được dự báo sẽ cần thời gian dài mới phục hồi. Theo Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, xuất khẩu hồ tiêu đang và sẽ tiếp tục đối mặt với khó khăn do giá ở mức thấp khi cung lớn hơn cầu và sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường thế giới. Nhu cầu thế giới hiện khoảng 510.000 tấn/năm và bình quân mỗi năm chỉ tăng 2-3%, trong khi sản lượng hồ tiêu toàn cầu tăng 8-10%. Sản lượng hồ tiêu toàn cầu năm 2018 đạt 557.000 tấn, đạt 602.000 tấn năm 2019, đạt khoảng 660.000 tấn năm 2020.
 
Dự báo đến năm 2050, sản lượng hạt tiêu thế giới sẽ tăng lên 1 triệu tấn và nhu cầu tiêu dùng hạt tiêu thế giới cũng tăng lên, nhưng chưa cân đối với nguồn cung. Do vậy, giá tiêu có thể vẫn còn bấp bênh trong nhiều năm nữa.
 
Theo vneconomy