Xuất khẩu phục hồi, thuỷ sản "sáng cửa" dịp cuối năm

Trang Mai 13:21 | 02/11/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Các chuyên gia cùng nhà quản lý đều chung nhận định về khả năng phục hồi của xuất khẩu thủy sản từ nay đến hết năm.

Triển vọng tích cực khi các thị trường phục hồi nhập khẩu

Theo số liệu từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (Vasep), tính tới hết tháng 10, tôm chiếm 38% kim ngạch xuất khẩu thủy sản với giá trị trên 2,8 tỷ USD, giảm 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng trong tháng 10, kim ngạch tôm đạt khoảng 320 triệu USD, giảm 11% so với tháng 10/2022.

 Kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam qua từng tháng. Ảnh: Vasep

Diễn biến xuất khẩu tôm trong những tháng cuối năm và năm 2024 phụ thuộc phần lớn vào những biến động trên thị trường Mỹ. Khối lượng nhập khẩu tôm bắt đầu hồi phục, tuy nhiên, giá nhập khẩu tôm của Mỹ vẫn thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái. Giá giảm không chỉ ảnh hưởng đến Việt Nam và cả ngành tôm Ấn Độ cũng lao đao.

Ngành thủy sản đã trong tình trạng dư thừa tôm trên toàn thế giới trong hơn một năm. Tại Mỹ, EU và Trung Quốc, giá nhập khẩu trung bình năm 2023 đã giảm lần lượt là 13,4%, 10% và 2,7%. Dự báo tình hình tiêu thụ và nhập khẩu tại Mỹ sẽ khả quan hơn trong tháng 11 và 12 này.

Xuất khẩu  cá tra trong tháng 10 đạt 189 triệu USD, tăng nhẹ 5% so với cùng kỳ năm 2022. Theo đó, tới hết tháng 10, kim ngạch cá tra đạt trên 1,5 tỷ USD, giảm 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Có vẻ xuất khẩu cá tra đang có tín hiệu khả quan hơn, sau những thông tin tích cực về thị trường Mỹ. Sau chương trình thanh tra của FSIS, cá tra Việt Nam được đánh giá tốt về ATTP. Bên cạnh đó, kết quả sơ bộ cho đợt rà soát lần thứ 19 (POR19) đối với mặt hàng cá tra phi lê đông lạnh của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ trong giai đoạn từ 1/8/2021 đến 31/7/2022 có mức thuế thấp hơn nhiều so với giai đoạn trước. Dù chưa phải là kết quả cuối cùng nhưng đây là tin vui cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam sang thị trường Mỹ.

Nhu cầu cá tra của thị trường Mỹ cũng đang hồi phục. Hiện nay Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đang tìm mua 5,96 triệu pound phi lê cá tra, cá da trơn đông lạnh để sử dụng trong các chương trình phân phối thực phẩm trong nước. Đây là thương vụ mua cá da trơn lớn thứ ba của Bộ vào năm 2023, sau thương vụ mua 6,2 triệu pound phi lê cá da trơn chưa tẩm bột với tổng trị giá 41,8 triệu USD (38 triệu EUR) vào tháng 3.

Nhu cầu cá tra ở Trung Quốc đã giảm đáng kể kể từ đầu năm 2023, nhưng doanh số bán phi lê cá tra tẩm bột đang có dấu hiệu tốt hơn ở thị trường này...Trong 8 tháng đầu năm nay, Trung Quốc nhập khẩu 11.900 tấn cá tra từ Việt Nam, giảm 41% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, doanh số bán cá tra phile tẩm bột vẫn tăng, khi mà sản phẩm này xuất hiện ngày càng nhiều trên thực đơn các nhà hàng ở miền Bắc Trung Quốc với giá 5,47 – 6,83 USD/suất. Sản phẩm này cũng nhận được phản hồi tích cực của người tiêu dùng Trung Quốc.

Xuất khẩu cá ngừ cua ghẹ trong tháng 10 có chiều hướng khả quan hơn với mức tăng trưởng 2 con số, tăng lần lượt 13% và 40% so với cùng kỳ, đạt 87 triệu USD và 28 triệu USD. Tới hết tháng 10, cá ngừ đã mang về lượng ngoại tệ 704 triệu USD, giảm 20% và cua ghẹ thu về 164 triệu USD, ít hơn 12% so với cùng kỳ năm ngoái.

Các mặt hàng mực, bạch tuộc nhuyễn thể có vỏ vẫn giữ tăng trưởng âm từ 10-13% trong tháng 10. Lũy kế 10 tháng đầu năm, xuất khẩu mực, bạch tuộc ghi nhận doanh số trên 540 triệu USD, giảm 14%, nhuyễn thể có vỏ đạt trên 109 triệu USD, giảm 10%. Các loại cá biển khác trừ cá ngừ đạt khoảng 1,6 tỷ USD, giảm 8%, riêng trọng tháng 10 đạt 166 triệu USD, giảm 11%.

Tiêu thụ cá ngừ, mực, bạch tuộc và một số hải sản cao cấp tiếp tục bị tác động bởi những bối cảnh kinh tế giảm, lạm phát cao, người tiêu dùng chi tiêu thận trọng. Để hầu hết người tiêu dùng vẫn tiếp cận được các sản phẩm hải sản phổ biến và cao cấp, các nhà chế biến và kinh doanh thủy sản đang có xu hướng đóng gói sản phẩm kích cỡ nhỏ hơn, giá phù hợp với túi tiền của mọi tầng lớp thu nhập. Xu hướng này hy vọng sẽ kích cầu hải sản tốt hơn trong thời gian tới.

Thị trường Mỹ có nhiều lợi thế cho thuỷ sản Việt Nam

Phát biểu tại Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 10/2023, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhận định, đến hiện tại, hàng thủy sản của Việt Nam đã được xuất khẩu tới 170 quốc gia và vùng lãnh thổ, với kim ngạch đạt kỷ lục 11 tỷ USD vào năm 2022.

Mặc dù vậy, trước tình hình thế giới có nhiều diễn biến khó lường về địa chính trị, gây gián đoạn chuỗi cung ứng, nhu cầu tiêu dùng giảm ở nhiều nước, ngành thủy sản của Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Ngành hàng còn gặp thách thức trước các rào cản thương mại, yêu cầu về tính bền vững đối với sản phẩm, bao gồm khía cạnh về xã hội, môi trường, kinh tế trong toàn bộ chuỗi cung ứng.

Mỹ - thị trường chiếm một phần tư nhu cầu thủy sản của thế giới, tỷ lệ tồn kho, đặc biệt vào quý III-IV của các nhà nhập khẩu, phân phối đã giảm đến mức trung bình. Cùng với đó, các chỉ số niềm tin tiêu dùng của người dân Mỹ tiếp tục được cải thiện.

“Các yếu tố trên cùng với các dịp lễ cuối năm như Giáng sinh… dự kiến sẽ kích thích nhu cầu nhập khẩu của thị trường. Các đơn hàng từ Việt Nam cũng như các thị trường khác đã cải thiện trong quý III, đặc biệt tăng trưởng dương so với các tháng trước đó”, ông Đỗ Ngọc Hưng - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Mỹ chia sẻ tại hội nghị.

Mặt khác, nếu như năm 2022, thủy hải sản chỉ chiếm khoảng 6% trong cơ cấu thực phẩm của Mỹ thì xu hướng tiêu dùng mặt hàng này đang có dấu hiệu gia tăng do người Mỹ đang dịch chuyển sang các mặt hàng có lợi cho sức khỏe.

Bên cạnh đó, ngày 31/8 vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ đã ban hành kết luận sơ bộ về đợt rà soát lần thứ 19 đối với mặt hàng cá tra đông lạnh xuất khẩu của Việt Nam vào nước này giai đoạn 2021 – 2022. Kết quả, mức thuế áp với cá tra Việt Nam chỉ ở mức 0 – 0,14 USD/kg, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra đều nhận mức thuế toàn quốc rất thấp.

Việt Nam cũng nhận được kết quả khả quan đối với việc Bộ Nông nghiệp Mỹ tiến hành thanh tra hệ thống kiểm soát an toàn đối với cá tra Việt.

Tuy nhiên, trong bối cảnh sức cầu có xu hướng đi xuống toàn cầu, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ không thể tránh khỏi việc cạnh tranh gay gắt, nhất là khi Mỹ là thị trường hấp dẫn với các quốc gia trên thế giới và với cả doanh nghiệp nội địa. 

Ngày 24/10 mới đây, các nguyên đơn là nhà nhập khẩu chế biến tôm của Mỹ đã gửi đơn điều tra chống bán phá giá, chống trợ đối với 5 nước, bao gồm Việt Nam với mặt hàng tôm nước ấm đông lạnh. Tuy nhiên, việc áp dụng chống bán phá giá đã áp dụng với Việt Nam từ năm 2005. Với việc đề xuất xem xét chống trợ cấp tôm đông lạnh đang cho thấy tín hiệu quan ngại cho mặt hàng tôm của Việt Nam tại Mỹ. 

Bên cạnh đó, việc xây dựng thương hiệu thuỷ sản Việt Nam đang còn nhiều khó khăn, nhất là trước những trở ngại của vị trí địa lý khiến giá thành thuỷ sản nước ta cao hơn đối thủ. Ngoài ra, việc vận động người tiêu dùng Mỹ sử dụng các sản phẩm nội địa cũng là vấn đề đáng lưu tâm với việc xuất khẩu của thuỷ sản Việt Nam.