Xuất khẩu rau quả tăng đột biến nhờ Hiệp định EVFTA

19:45 | 24/09/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đi vào thực thi đang giúp việc xuất khẩu rau quả Việt Nam sang thị trường châu Âu có lợi thế rất lớn.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho hay, trái cây là nông sản chủ lực của Việt Nam, cũng là ngành hàng có tốc độ phát triển nhanh nhất. Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải cho biết, dù mới đi vào thực thi EVFTA chưa đầy 2 tháng, song kim ngạch xuất khẩu nhiều loại nông sản sang EU đã tăng đột biến.

Tuy nhiên, để nâng sức cạnh tranh, thâm nhập sâu vào thị trường tiềm năng này, các DN xuất khẩu rau quả trong nước phải nỗ lực vượt qua nhiều hàng rào khắt khe.

Mới đây, lô hàng trái cây đầu tiên đã được xuất khẩu bằng đường tàu biển và hàng không sang thị trường EU với các sản phẩm dừa tươi, thanh long và bưởi. Tất cả đều được đảm bảo truy xuất nguồn gốc và đạt tiêu chuẩn Global GAP.
 
Xuất khẩu rau quả tăng đột biến nhờ Hiệp định EVFTA - ảnh 1
Sơ chế thanh long xuất khẩu tại tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Kinh tế & Đô thị
 
Cùng với đó, các nhà máy chế biến, đóng gói trái cây áp dụng tiêu chuẩn như ISO, hệ thống quản lý an toàn thực phẩm (HACCP), phát triển các sản phẩm chế biến sâu đáp ứng quy định của thị trường EU. Sau lô hàng này, sắp tới, trung bình mỗi tuần sẽ xuất khoảng 20 tấn trái cây các loại sang thị trường EU.

Trước đó, Việt Nam đã liên tiếp đón nhận tin vui khi lần lượt các sản phẩm gạo, tôm, cà phê, chanh leo, trái cây được xuất sang châu Âu với thuế suất ưu đãi chưa từng có. Hiện, EU là thị trường xuất khẩu thứ 4 của rau, quả Việt Nam.

Với nền tảng sẵn có này, cộng thêm việc miễn giảm thuế nhập khẩu theo cam kết trong EVFTA đang tiếp sức để giúp tăng khả năng cạnh tranh của trái cây Việt Nam so với trái cây các nước khác như Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc, Malaysia… Đáng chú ý, chỉ tính riêng trong tháng 8/2020, giá trị xuất khẩu các sản phẩm rau quả của Việt Nam sang EU đạt 14,7 triệu USD, tăng 25,2% so với tháng trước.

Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên cho rằng, rau, quả nào cũng có thể xuất sang EU nhưng quan trọng phải bảo đảm tiêu chuẩn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật rất thấp, thậm chí gần như không có. Nếu vi phạm, DN sẽ bị trả hàng, ảnh hưởng đến chính DN và cả ngành rau, quả Việt Nam. Đối với các nhà nhập khẩu rau, quả tươi, việc truy xuất nguồn gốc là bắt buộc, do đó DN EU sẽ yêu cầu cung cấp bằng chứng về nguồn gốc cho tất cả các loại trái cây.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh, EU mở cửa về thuế quan nhưng yêu cầu rất chặt chẽ về chất lượng, an toàn thực phẩm nên nông dân, DN cần tìm hiểu cặn kẽ để đáp ứng tốt.
 
Xuất khẩu rau quả tăng đột biến nhờ Hiệp định EVFTA - ảnh 2
Rau, quả nào cũng có thể xuất sang EU nhưng quan trọng phải bảo đảm tiêu chuẩn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. (Ảnh minh họa)

Dư địa xuất khẩu trái cây sang EU của Việt Nam rất lớn do sản phẩm trái cây hai bên có tính bổ trợ nên không phải cạnh tranh trực tiếp. Tuy nhiên, Để làm được điều này, DN cần phối hợp chặt chẽ với người nông dân để xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn, đáp ứng yêu cầu thị trường.

Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên nhận định kim ngạch xuất khẩu rau quả sẽ tăng mạnh, nhất là sau khi dịch bệnh Covid-19 lắng dịu, nhu cầu tiêu dùng tại EU tăng cao trở lại.

Chính phủ, Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan sẽ tiếp tục tổ chức tuyên truyền, phổ biến các cam kết trong lĩnh vực thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư, phương án cam kết cắt giảm/xóa bỏ thuế nhập khẩu hàng hóa và các cam kết về tiếp cận thị trường của EVFTA để nâng cao sự hiểu biết của người dân và doanh nghiệp về các cam kết của Hiệp định.

Theo số liệu của Cục Trồng trọt, riêng các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long hiện có hơn 362.000 ha cây ăn quả, chiếm hơn 34% tổng diện tích cây ăn quả của cả nước. Chủng loại cây ăn quả ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long rất đa dạng. Nhiều loại cây ăn quả có diện tích trồng trên 10.00 ha như cây có múi, xoài, nhãn, sầu riêng, chuối, thanh long, khóm (dứa), mít, chôm chôm,…

Hằng năm, chỉ riêng các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cung cấp cho thị trường trên 4 triệu tấn quả phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng nội địa. Với nguồn nguyên liệu dồi dào, nếu được đầu tư bài bản, ngành hàng trái cây Việt Nam chắc chắn sẽ lớn mạnh, đem nhiều ngoại tệ về cho đất nước hơn.
 
Hải Yến