Xuất khẩu sang EU tăng 5% trong gần 4 tháng hiệp định EVFTA có hiệu lực

20:54 | 16/12/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Sau hơn 4 tháng hiệp định EVFTA đi vào thực thi , xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU tăng 5% kim ngạch hai chiều đạt được nhiều thành tựu nổi bật.
Ngày 16/12, tại Hà Nội, Phái đoàn EU tại Việt Nam tổ chức hội nghị bàn tròn “EVFTA: Thành công bước đầu và cơ hội trong tương lai”, nhằm thảo luận về những thành tựu bước đầu đã đạt được cũng như những thách thức đặt ra từ tình hình thực tế hiện nay. Qua đó, chuẩn bị tốt hơn cho việc nắm bắt các cơ hội và lợi ích mà EVFTA mang lại trong lương lai.
 

Xuất khẩu Việt Nam sang EU tăng 5%

 

EVFTA đã có tác động đáng kể đến thương mại song phương Việt Nam- EU kể từ khi có hiệu lực vào ngày 1/8/2020, được thể hiện bởi sự tăng trưởng mạnh mẽ của xuất khẩu của Việt Nam sang EU và từ EU sang Việt Nam trong những tháng gần đây.
 
Phát biểu tại sự kiện, Đại sứ EU tại Việt Nam Giorgio Aliberti cho biết, sau 4 tháng kể từ khi EVFTA đi vào thực hiện, có thể nhìn thấy rõ những phản hồi, những thành công ban đầu rất tốt.
“EVFTA đã giúp chúng ta có 1 số “trái ngọt”, đó là xóa bỏ thuế quan ngay lập tức đối với mặt hàng quan trọng như sản phẩm tôm, nông sản, gạo, ngô ngọt, tỏi, nấm, cá ngừ… các máy móc thiết bị của EU cũng được xuất khẩu sang Việt Nam nhiều hơn”, Đại sứ EU nhấn mạnh .
 
Xuất khẩu sang EU tăng 5% trong gần 4 tháng hiệp định EVFTA có hiệu lực - ảnh 1
 
Việc cải thiện thị trường sang EU, ví dụ rất điển hình là tôm. Chỉ sau 1 tháng sau EVFTA, xuất khẩu tôm sang EU tăng 16%, xuất khẩu thủy sản tính đến tháng 10 tăng 10% bất chấp đại dịch Covid-19.
 
Thêm thông tin về những kết quả tích cực từ EVFTA, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh đánh giá, EVFTA là một điểm sáng trong mối quan hệ giữa Việt Nam và EU. 4 tháng triển khai hiệp định chưa phải là thời gian dài, nhưng đủ dài để nhìn nhận được chúng ta thu hoạch được gì từ hiệp định mang tính toàn diện này.
 
11 tháng của năm 2020, Việt Nam xuất khẩu sang EU đã đạt 22,2 tỷ USD, giảm 2,4% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, nếu nhìn vào 3 tháng thực hiện EVFTA có thể thấy, xuất khẩu Việt Nam sang EU đạt 11 tỷ USD, tăng 5%. Trong đó, riêng tháng thứ 3 sau khi hiệp định có hiệu lực, xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng 15%. Theo chiều ngược lại, nhập khẩu từ EU vào Việt Nam đạt 13,2 tỷ USD, tăng 4,3% trong 11 tháng năm 2020, tính riêng sau 3 tháng EVFTA có hiệu lực thì con số tăng trưởng là 11%.
 
Bên cạnh đó, EVFTA còn tác động tích cực đến việc thu hút vốn FDI đối với nền kinh tế Việt Nam, không chỉ thu hút FDI từ EU mà còn cả các nước ngoài EU. Đây là yếu tố quan trọng mà các đối tác đều thấy được. Dòng vốn FDI tiếp tục đổ vào Việt Nam, Việt Nam đóng vai trò quan trọng, thị trường quan trọng thu hút vốn FDI.
 
Trong 9 tháng năm 2020, tổng đầu tư của EU vào Việt Nam đạt 752 triệu USD, tăng hơn 100 triệu USD và 180 dự án so với trước khi EVFTA có hiệu lực. Tính đến tháng 11, hơn 2.000 dự án vốn FDI được cấp phép, ngay trong bối cảnh đại dịch, đây là con số khả quan so với xu thế thu hẹp vốn FDI toàn cầu.
 

Hướng tới doanh nghiệp tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa

 

Cũng theo Đại sứ EU Giorgio Aliberti, thời gian qua, một số mặt hàng của Việt Nam đã ngay lập tức được hưởng lợi từ EVFTA như: nông sản, thủy sản, da giày. Đây là những dấu hiệu tích cực cho thấy EVFTA đã và đang mở ra những cơ hội quan trọng cho sự phát triển bền vững của quan hệ thương mại song phương.
 
EVFTA là một hiệp định mới, toàn diện, bao gồm nhiều lĩnh vực và ngành nghề. Tuy nhiên, hiệp định này vẫn còn là một thách thức để các doanh nghiệp hiểu đầy đủ về các tiêu chuẩn và yêu cầu đặt ra trong hiệp định.
 
TS. Carsten Schitteck, Tham tán thương mại của Phái đoàn EU tại Việt Nam cho rằng, EVFTA có thể thúc đẩy FDI vào Việt Nam, tuy nhiên, để thu hút được FDI thì Việt Nam cần cải thiện môi trường kinh doanh hơn nữa, cần đảm bảo tính minh bạch, tính tiên liệu trong quy định pháp lý và quản lý.
 
Xuất khẩu sang EU tăng 5% trong gần 4 tháng hiệp định EVFTA có hiệu lực - ảnh 2
 
Theo TS. Carsten Schitteck, Việt Nam có thể cân nhắc áp dụng doanh nghiệp tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa và tự chịu trách nhiệm về vấn đề này, giống như EU đang thực hiện. Điều này đòi hỏi song hành việc kỹ thuật, đảm bảo sức khỏe con người, bảo vệ môi trường. Quy trình này khó khăn, nhưng khi thực hiện được điều đó thì có thể đạt được mục tiêu và chính sách.
 
Về vấn đề này, ông Trần Quốc Khánh cho biết, đối với việc ban hành quy phạm pháp luật từ khi EVFTA có hiệu lực, đã có 2 quyết định của Thủ tướng, 2 thông tư hướng dẫn thực hiện EVFTA. Đây là nỗ lực lớn từ phía Việt Nam, bởi có quy định liên quan đến quy trình ban hành quy phạm pháp luật phải mất 6 tháng. Tuy nhiên, sau 4 tháng EVFTA, đã ban hành 6 văn bản quy phạm pháp luật. Đây là nỗ lực lớn từ Chính phủ Việt Nam nhằm đảm bảo hành lang pháp lý hiệu quả cho EVFTA có thể đem lại kết quả tốt nhất.
 
EVFTA đòi hỏi tăng cường sự minh bạch, đảm bảo pháp lý ổn định, dễ tiên liệu. Từ ngày đầu tiên từ khi hội nhập kinh tế quốc tế, Chính phủ Việt Nam luôn đảm bảo, hỗ trợ cho doanh nghiệp có thể thụ hưởng lợi ích từ các FTA đã ký kết. Đối với EVFTA, Chính phủ cũng tiếp tục nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng được lợi ích này. Điều này sẽ là cơ hội tìm kiếm ý tưởng, sáng kiến mới, tối ưu hóa những cơ hội và lợi ích từ việc tăng cường mối quan hệ thương mại, đầu tư giữa EU và Việt Nam trong những năm tới.

Theo Tạp chí công Thương