Xuất khẩu Việt trước làn sóng phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ: Chuyên gia hiến kế vượt khó

Trang Mai 14:37 | 24/12/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Thay vì bị động chống đỡ, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đang chủ động "đón sóng" phòng vệ thương mại ngày càng gia tăng từ thị trường Hoa Kỳ.

Số vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ với Việt Nam ngày càng gia tăng

Theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Hải quan, đến cuối tháng 11 năm 2024, tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ tiếp tục tăng, đạt gần 123 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 109 tỷ USD, tăng 24%, còn nhập khẩu từ Hoa Kỳ đạt 14 tỷ USD, tăng 7,9%.

 

Đồng thời, đây cũng là thị trường xuất khẩu đầu tiên nước ta đạt được mốc kim ngạch trăm tỷ USD.

Thị trường Hoa Kỳ ưa chuộng hầu hết các sản phẩm nhập khẩu từ thị trường Việt Nam. Nhưng đây cũng là quốc gia áp dụng nhiều nhất các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam. 

Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, tính riêng năm 2024, Việt Nam đối phó với tổng số 26 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại nước ngoài, trong đó, Hoa Kỳ chiếm gần 50% tổng số vụ việc đã khởi xướng điều tra đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Sản phẩm bị điều tra bởi Hoa Kỳ cũng ngày càng đa dạng. Từ những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu rất lớn như pin năng lượng mặt trời (trị giá xuất khẩu 4,2 tỷ USD), tủ gỗ (2,7 tỷ USD) đến những mặt hàng giá trị rất thấp như khay đúc màng sợi (50 triệu USD) hay đĩa giấy (9 triệu USD) cũng trở thành đối tượng bị điều tra phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ.

Đặc biệt, Hoa Kỳ điều tra rất nhiều vụ việc chống trợ cấp trong năm nay. Đây là tiền lệ mới vì trước đây họ rất ít điều tra vấn đề này với Việt Nam. Thời điểm từ năm 2023 trở về trước chỉ điều tra có 9 vụ, nhưng riêng năm 2024 đã có 5 vụ.

Về mức độ phức tạp, các cuộc điều tra phòng vệ thương mại không chỉ gia tăng về số lượng mà còn trở nên phức tạp hơn khi nhiều quốc gia điều tra các nội dung mới chưa từng có tiền lệ.

Năm 2024, lần đầu tiên Hoa Kỳ điều tra trợ cấp xuyên quốc gia trong vụ việc chống trợ cấp đối với pin mặt trời và tiếp đó là vỏ viên nhộng từ Việt Nam. Các nước cũng có xu hướng đồng thời điều tra/áp dụng các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ và chống lẩn tránh phòng vệ thương mại với cùng một sản phẩm.

Cùng với đó, do Hoa Kỳ chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường nên mức thuế phòng vệ thương mại có thể bị đẩy lên do sử dụng chi phí của một nước thứ ba để tính giá trị thông thường trong các vụ việc chống bán phá giá.

Tại tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Vấn đề phòng vệ thương mại với thị trường Hoa Kỳ" do Vụ Thị trường châu Âu, châu Mỹ - Bộ Công Thương tổ chức mới đây, ông Lê Thanh Hòa, Phó cục trưởng Cục Chất lượng chế biến và Phát triển thị trường, Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng, việc tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của Hoa Kỳ là điều kiện tiên quyết, đặc biệt là minh bạch hóa quy trình sản xuất và xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc rõ ràng.

Ông Hoà nhấn mạnh nâng cao chất lượng sản phẩm là yếu tố then chốt, nhất là đối với các mặt hàng nông sản và thực phẩm. Việc ứng dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất không chỉ giúp nâng cao hiệu quả kinh doanh mà còn tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm, cải thiện khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Về phía Cục Phòng vệ Thương mại, bà Nguyễn Yến Ngọc, Trưởng phòng Xử lý Phòng vệ thương mại nước ngoài, nhấn mạnh, khi có một vụ việc xảy ra, doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức như tốn chi phí, nguồn lực để xử lý vụ việc; khó duy trì xuất khẩu; nguy cơ mất thị trường… Tuy nhiên không phải trong bất cứ vụ việc nào xảy ra cũng là tiêu cực.

“Chúng ta đã có rất nhiều kinh nghiệm xử lý và cũng đạt được nhiều kết quả tích cực. Đơn cử, chỉ riêng năm 2024, chúng ta đã chứng minh được một số doanh nghiệp không bán phá giá đĩa giấy, nhờ vậy thuế chống trợ cấp áp dụng sơ bộ rất thấp chỉ hơn 5%. Chúng ta cũng đã đề nghị rà soát đối với cá tra, cá basa trong đợt điều tra gần nhất và tất cả doanh nghiệp tham gia rà soát đều được hưởng thuế 0%. Chúng ta cũng đã lập luận, phản biện cơ quan điều tra của Hoa Kỳ dẫn đến chấm dứt điều tra chống lẩn tránh đối với tủ gỗ, chấm dứt điều tra chống bán phá giá đối với nhôm, cũng như chấm dứt điều tra phạm vi sản phẩm với bánh xe kéo…. Những kết quả trên giúp rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam có thể giữ vững thị trường xuất khẩu sang Hoa Kỳ, cũng như có thể cạnh tranh với các đối tác cùng bị điều tra", bà Ngọc nói.

"Doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ các cơ chế phòng vệ của Hoa Kỳ để có biện pháp ứng phó"

Trao đổi với phóng viên, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng, giảng viên cao cấp tại Viện Thương mại và Kinh tế Quốc tế, trường Đại học Kinh tế Quốc dân, chuyên gia kinh tế phân tích: “Theo tôi, phòng vệ thương mại là một trong những biện pháp chính đáng, bởi nó gắn với những nguyên tắc của cạnh tranh công bằng, thương mại tự do và thương mại minh bạch. Đây cũng là nguyên tắc của thương mại trong tổ chức thương mại thế giới. 

PGS.TS Nguyễn Thường Lạng, giảng viên cao cấp tại Viện Thương mại và Kinh tế Quốc tế, trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Ảnh: Mai Trang.

Hoa Kỳ là một đất nước tuân thủ khá nghiêm túc các nguyên tắc về phòng vệ thương mại. Theo khảo sát và báo cáo của tổ chức thương mại thế giới, các biện pháp về chống bán phá giá, chống trợ cấp, biện pháp tự vệ, biện pháp chống lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại, nguyên tắc quy tắc xuất xứ,... đều được Hoa Kỳ chấp hành chuẩn chỉ. Chính vì thế, quốc gia này cũng muốn các nước khác phải tuân theo. 

Trên thực tế, có nhiều nước đã tìm cách lẩn tránh các cam kết trong thỏa thuận liên quan đến thương mại tự do, minh bạch và công bằng. Chẳng hạn như bán phá giá để chiếm lĩnh thị trường, bán có trợ cấp, liên quan đến việc bán ồ ạt gây thiệt hại và đe dọa gây thiệt hại vật chất các ngành sản xuất của Hoa Kỳ, chưa nói là còn lẩn tránh thuế, lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại, lẩn tránh xuất xứ… Những điều này đã bị Hoa Kỳ phát giác và đưa ra tổ chức thương mại thế giới. Nhiều vụ kiện Hoa Kỳ đã thành công, chẳng hạn vụ kiện Việt Nam bán cá tra, cá basa trên thị trường Hoa Kỳ xảy ra vào cuối năm 2000, kết thúc năm 2003. Hoa Kỳ kiện và Việt Nam buộc phải chịu thuế chống bán phá giá. Không chỉ Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ,... hay nhiều quốc gia khác cũng bị áp các mức thuế tương tự. 

Với những nước chưa phải là nền kinh tế thị trường thì Hoa Kỳ cho rằng các nước này thường bán giá thấp hơn giá chuẩn, dẫn đến việc thiệt hại cho các doanh nghiệp trong nước. Vì vậy, Hoa Kỳ sẽ áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. Đây là việc làm chính đáng. Do đó, theo tôi, việc Hoa Kỳ áp dụng dày đặc các biện pháp là vì các nước khác muốn đẩy mạnh xuất khẩu vào Hoa Kỳ, thậm chí cạnh tranh nhau để bán hàng.

Điều này làm cho nền sản xuất Hoa Kỳ chịu áp lực hàng ngoại rất lớn, thậm chí điêu đứng. Một số doanh nghiệp đã phá sản, đóng cửa. Tất nhiên, chúng ta không muốn áp dụng với hàng Việt Nam. Do đó, chúng ta phải nghiên cứu kỹ hệ thống pháp luật về phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ để làm ăn bài bản. Thậm chí là thuê luật sư của Hoa Kỳ để tư vấn cho các hoạt động của chúng ta. Trên thực tế, tôi cho rằng trong khoảng 20-30 năm bình thường hóa quan hệ hai nước, doanh nghiệp Việt Nam cũng tích lũy được nhiều kinh nghiệm, đặc biệt là các vụ kiện của Hoa Kỳ đối với Việt Nam, doanh nghiệp của chúng ta bây giờ cũng rút kinh nghiệm nhiều trước các cơ chế “đèn xanh, đèn đỏ, đèn vàng” do cục phòng vệ thương mại Hoa Kỳ đưa ra. 

Cụ thể, “đèn xanh” an toàn nhất, “đèn vàng” là có khả năng bị kiện, còn “đèn đỏ” là đã vi phạm. Nếu họ áp dụng điều tra thì rất nguy hiểm, trong trường hợp đó doanh nghiệp phải có phản ứng ngay, điều chỉnh mức giá bán hoặc có các giải pháp linh hoạt”.

 Các doanh nghiệp Việt đã có nhiều kinh nghiệm đối diện với các vụ kiện phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ. Ảnh: Báo Chính phủ

Từ thực tế nghiên cứu và hướng dẫn cho các doanh nghiệp đã và chuẩn bị xuất khẩu sang Hoa Kỳ, chuyên gia Lạng đã đề xuất các giải pháp thực tiễn để doanh nghiệp có thể thuận lợi xuất khẩu hàng hoá. 

“Đầu tiên, cần phải nghiên cứu kỹ thị trường hướng tới, bởi mỗi nơi sẽ có các quy chuẩn về hàng hoá nhập khẩu khác nhau. Đồng thời, phải có chiến lược đa dạng hóa thị trường để tránh những biện pháp phòng vệ. Nếu Hoa Kỳ quá chặt chẽ với sản phẩm đó, chúng ta có thể bán sang thị trường châu Âu, Trung Đông, châu Phi hay các nước ở thị trường châu Á Thái Bình Dương, nghĩa là phân tán thị trường. 

Ngoài ra, có thể liên doanh với đối tác Hoa Kỳ, thậm chí là đầu tư như thuê đất đai, liên quan đến phát triển sản phẩm nông nghiệp, nuôi trồng,...làm đúng theo luật khuyến khích đầu tư của Hoa Kỳ; mua bán theo chuỗi với các chuỗi nhập khẩu; phát triển các sàn giao dịch thương mại điện tử như Amazon... 

Một cách nữa là có thể thực hiện là hợp tác với các nước có mặt hàng tương tự như Việt Nam. Trong trường hợp Hoa Kỳ kiện bán phá giá thì các nước cũng có thể tìm những điểm yếu của Hoa Kỳ để kiện. Trên thực tế đã có nhiều vụ kiện ngược thắng. 

Ngoài ra, tôi nghĩ một điểm rất quan trọng đó là chúng ta cần phải tuân thủ các nguyên tắc của thương mại công bằng. Cần đề xuất với Hoa Kỳ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Lúc đó chúng ta sẽ ít khả năng xảy ra các vụ kiện bán phá giá, bị cáo buộc bán phá giá, bán có trợ cấp, phòng vệ thương mại quá mức, chịu các biện pháp tự vệ hoặc chống lẩn tránh biện pháp thương mại.

Đặc biệt, chúng ta cũng cần cẩn trọng trước các đối tác muốn “mượn” thương hiệu Việt Nam để xuất khẩu”. 

Đây là cuộc chiến dài và doanh nghiệp phải là người tiên phong, đi đầu. Tổng thống Donald Trump cũng rất quan tâm đến vấn đề áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ các ngành công nghiệp của Hoa Kỳ, cho nên chúng ta cần phải thận trọng hơn, thậm chí có những cơ chế dự báo sớm để làm cho doanh nghiệp chủ động và tích cực”, chuyên gia nhấn mạnh.