Ngày càng đối diện với nhiều vụ điều tra phòng vệ thương mại, doanh nghiệp xuất khẩu cần chuẩn bị gì?
Cách đây không lâu, tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam có các bộ phận sản xuất tại Trung Quốc bị xác định thuộc phạm vi của lệnh áp thuế hiện hành với Trung Quốc. Hiện nay, mức thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp mà Mỹ đang áp dụng với tủ gỗ có xuất xứ từ Trung Quốc lần lượt là từ 4,37% - 262,18% và từ 13,33% - 293,45%.
Mới đây nhất, ngày 29/7, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đăng thông báo khởi xướng rà soát hành chính lệnh áp thuế chống bán phá giá lần thứ hai đối với mật ong Việt Nam. Thời kỳ rà soát từ ngày 1/6/2023 đến ngày 31/5/2024. Danh sách rà soát dự kiến gồm các doanh nghiệp xuất khẩu mật ong sang quốc gia này. DOC dự kiến ban hành kết luận rà soát muộn nhất vào ngày 30/6/2025.
Báo cáo thường niên Phòng vệ thương mại năm 2023 của Cục Phòng vệ Thương mại nêu, riêng năm 2023 đã phát sinh 15 vụ việc mới do nước ngoài khởi xướng với hàng hóa xuất khẩu nước ta, bên cạnh nhiều vụ việc đang trong quá trình điều tra, hoặc thuộc diện rà soát hàng năm, rà soát cuối kỳ.
Trong số các quốc gia khởi xướng điều tra với hàng hóa Việt Nam năm qua, Mỹ là quốc gia tiến hành khởi xướng điều tra nhiều nhất với 7 vụ việc, trong đó có 4 vụ điều tra chống bán phá giá, 1 vụ việc điều tra chống trợ cấp và 2 vụ việc điều tra phạm vi sản phẩm/chống lẩn tránh thuế.
Việc Việt Nam đã tham gia chuỗi cung ứng khu vực nên thường xuyên bị điều tra phòng vệ thương mại là không thể tránh khỏi.
Phóng viên Doanh nhân Việt Nam đã có cuộc trao đổi với PGS TS Nguyễn Thường Lạng, giảng viên cao cấp Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, Trường Đại học Kinh tế quốc dân xoay quanh vấn đề này.
Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về việc các quốc gia tăng cường các biện pháp phòng vệ thương mại trong thời gian gần đây và tác động của chúng với người tiêu dùng, doanh nghiệp?
PGS TS Nguyễn Thường Lạng: Theo cách nhìn nhận của tôi, chống lẩn tránh biện pháp tự vệ thương mại được thể hiện ở rất nhiều công cụ, chính sách thương mại. Ví dụ như thông qua cơ chế thuế có thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, các biện pháp về hành chính và các thuế chống lẩn tránh biện pháp bảo vệ thương mại, chống trốn thuế. Rồi các hành vi, biện pháp liên quan đến hành chính, mục tiêu nhằm bảo hộ sản xuất trong nước và bảo đảm nền thương mại công bằng.
Khi các doanh nghiệp trong nước bị tác động do hàng nhập khẩu tăng lên một cách ồ ạt, bị mất thị trường, đóng cửa, bị suy giảm lợi nhuận xuống dưới bình thường, đến một ngưỡng nhất định sẽ kêu gọi sự ủng hộ của Chính phủ và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. Đây là việc làm được phép theo nguyên tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Chẳng hạn, năm 2001, khi cá tra Việt Nam xuất khẩu nhiều sang Mỹ, làm doanh thu xuất khẩu mặt hàng này tặng mạnh, thậm chí tăng 20% trong vòng một năm đã khiến cho hàng loạt doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh mặt hàng cá tra của Mỹ buộc phải thu hẹp sản xuất, thậm chí đóng cửa. Cho rằng chúng ta bán phá giá, Mỹ đã áp dụng thuế chống bán phá giá đối với hàng cá tra Việt Nam.
Hay mới đây, Chính phủ Indonesia cũng đã ra quyết định áp dụng thuế tự vệ và thuế chống bán phá giá đối với các mặt hàng dệt may. Đây cũng là biện pháp nhằm bảo vệ ngành dệt may trong nước của quốc gia này.
Áp dụng phòng vệ thương mại là một trong những công cụ để bảo vệ nền thương mại tự do, minh bạch và công bằng. Đặc biệt là gây thiệt hại vật chất hoặc đe dọa gây thiệt hại vật chất cho doanh nghiệp trong nước khi doanh nghiệp nước ngoài có lợi thế nổi trội hơn rất nhiều, bán hàng ồ ạt và điều đó cũng phù hợp với nguyên tắc không để cho hàng nước ngoài lấn át quá nhiều, dẫn đến các doanh nghiệp trong nước bị mất thị trường, ảnh hưởng việc làm, cơ cấu xuất nhập khẩu, gây bất lợi trong nước nhập khẩu. Vậy nên tôi cho rằng biện pháp của Indonesia phù hợp với thông lệ quốc tế.
Nếu xem xét ở góc độ của nước nhập khẩu, chẳng hạn như việc Chính phủ Indonesia áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ doanh nghiệp trong nước thì điều đó có nghĩa rằng người ta ngăn cản dòng hàng nhập khẩu giá rẻ từ bên ngoài vào. Khi không có giá rẻ nữa, tức người tiêu dùng của Indonesia phải mua hàng với giá cao. Điều đó sẽ làm cho người tiêu dùng Indonesia phần nào bị thiệt hại.
Ngược lại, doanh nghiệp có thể được lợi, bởi vì họ được bảo hộ và có thể được tăng giá, còn người tiêu dùng buộc phải trả giá cao. Bởi vì mức giá cao đó ít nhất bằng mức thuế nhập khẩu tăng thêm. Do đó nếu áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại thì người tiêu dùng trong nước có thể bị thiệt.
Dù vậy, về lâu dài, biện pháp phòng vệ thương mại cần phải có những bằng chứng thuyết phục. Ví dụ như phải đáp ứng được yêu cầu của hiệp định chống bán phá giá, chống trợ cấp hay các quy định về phòng vệ thương mại thì mới được chấp nhận hợp pháp theo thông lệ quốc tế. Ngược lại, các nước trong WTO có quyền áp dụng các biện pháp trả đũa, các chế tài để lấy lại sự công bằng.
Phóng viên: Một số doanh nghiệp Việt Nam đã có động thái đệ trình hồ sơ, đề nghị điều tra chống bán phá giá một số sản phẩm nhập khẩu. Ông đánh giá điều này như thế nào?
PGS TS Nguyễn Thường Lạng: Luật quản lý ngoại thương Việt Nam quy định rất chi tiết, trong trường hợp một mặt hàng nhập khẩu, ví dụ như thép giá rẻ từ nước ngoài vào Việt Nam mà bán với giá có thể phá giá, tức là thấp hơn giá chuẩn ở trên thị trường, hoặc có thể bán hàng do nhận trợ cấp của Chính phủ, hoặc bán giá rẻ ồ ạt dẫn đến thiệt hại vật chất hoặc đe dọa gây thiệt hại vật chất. Ví dụ như khiến doanh nghiệp Việt Nam tồn hàng ứ đọng, vốn không quay vòng được… dẫn đến lỗ, có khả năng đóng cửa, thu hẹp sản xuất, thất nghiệp… Tất cả những điều này là quan hệ nhân quả, là kết quả của hành vi bán phá giá và các doanh nghiệp có quyền làm đơn.
Nhưng ở đây tôi cho rằng phải thông qua hiệp hội để đủ số lượng nhất định theo quy định của luật. Hiệp hội đó có quyền đệ đơn lên các cơ quan có thẩm quyền, ở đây là Cục phòng vệ thương mại Việt Nam để đòi lại sự công bằng. Chính phủ có thể áp dụng các biện pháp để làm sao cản bớt lượng thép nhập khẩu với giá rẻ và đang gây thiệt hại hoặc đe dọa thiệt hại cho doanh nghiệp trong nước.
Nhưng cần lưu ý một số điểm. Thứ nhất, phải tính được biên độ của thép bán phá giá nhập khẩu tại Việt Nam. Thứ hai, tính được thiệt hại vật chất do chính hành vi bán phá giá này gây ra và thứ ba là quan hệ nhân quả giữa thiệt hại vật chất với hành vi bán phá giá đó. Chứ không phải anh làm ăn kém hiệu quả, kinh doanh không bảo đảm chất lượng, hàng hoá kém rồi lại đổ lỗi cho việc này. Cho nên cần phải có những số liệu minh chứng, có độ tin cậy rất cao, phù hợp với thông lệ quốc tế, phù hợp với quy định luật pháp và đồng thời cần phải có nhóm các doanh nghiệp bị tác động, đủ theo quy định nhất định của luật. Đáp ứng đầy đủ các yêu cầu trên thì việc nộp đơn đề nghị điều tra chống bán phá giá mới hợp pháp. Sau đó phải có một quá trình điều tra, công bố số liệu thì chúng ta mới có quyền áp dụng các biện pháp chế tài theo đúng quy định của Việt Nam và tập quán thương mại quốc tế.
Tuy nhiên, cần đặc biệt cẩn trọng trong vấn đề đánh thuế này, bởi không chỉ có doanh nghiệp nước ngoài chịu, mà kể cả doanh nghiệp Việt Nam cũng chịu, chưa nói là người mua của Việt Nam cũng phải chịu. Cho nên cần phải cân nhắc kỹ lưỡng giữa lợi ích mình thu được với thiệt hại của người tiêu dùng, của doanh nghiệp Việt Nam.
Tôi cho rằng việc làm này cần phải điều tra cụ thể, có sự tham vấn giữa các bên liên quan để đưa ra số liệu có tính thuyết phục cao nhất, có thể biện minh được về mặt pháp lý, phải công khai hóa và được các bên chấp thuận, đúng pháp luật thì mới được áp dụng. Chứ không phải chúng ta phân biệt đối xử, với doanh nghiệp nước ngoài thì đánh thuế, còn doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu từ nước ngoài cũng với mặt hàng đó mà bán phá giá thì không công bằng và có thể bị trả đũa.
Phóng viên: Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp xuất khẩu phải đối mặt với hàng rào phòng vệ thương mại của các quốc gia khác cần lưu ý điều gì thưa ông?
PGS TS Nguyễn Thường Lạng: Kinh nghiệm của Việt Nam khi bán hàng sang Mỹ và trải qua vụ kiện chống bán phá giá cá tra Việt Nam trong 23- 24 năm trước cho thấy, đầu tiên chúng ta phải tìm hiểu kỹ về thị trường định xuất khẩu. Tôi cho rằng điều này rất quan trọng để xem mức giá trung bình, mức giá chuẩn là bao nhiêu. Thứ hai, chúng ta phải làm tốt công tác sổ sách, kế toán để xác định được chi phí thực tế. Thứ ba, chúng ta bán với mức giá cạnh tranh nhưng không nên tạo ra biên độ lớn, quá chênh lệch, dẫn đến việc có thể bị quy về bán phá giá, gây thiệt hại cho đối thủ và rủi ro bị điều tra cho chính mình.
Ngoài ra, chúng ta nên có phương pháp tìm kiếm đối tác trong nước của nước xuất khẩu để họ hợp tác với mình. Đối tác này sẽ bố trí kênh phân phối, hỗ trợ bán hàng, thị trường. Tất nhiên là mình phải mất chi phí. Nếu như nước nhập khẩu hàng Việt Nam có kiện đi chăng nữa thì họ chưa chắc làm ngay, do có người của họ trong đó.
Tiếp đó, chúng ta cũng phải xem các đối tác khác cũng đang xuất khẩu sang thị trường đó. Người ta áp dụng chiến lược giá thế nào để có khung tham chiếu về giá. Từ đó đạt mức giá phù hợp để tránh tình trạng bị coi là bán phá giá, vì Việt Nam mình chưa được Mỹ công nhận là nền kinh tế thị trường, cho nên dễ bị coi bán phá giá hàng ra nước ngoài. Nguyên nhân bởi chi phí Việt Nam được hạch toán là không phù hợp với thị trường, mang tính chất phi kinh tế, do đó giá thường bán thấp hơn.
Một giải pháp lâu dài là chúng ta nên “đấu tranh” để Mỹ và các nước khác công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Lúc đó chúng ta sẽ không bị coi là bán phá giá trên thị trường nước ngoài. Bởi tất cả các yếu tố đều theo thị trường, không có yếu tố trợ cấp của nhà nước, chẳng hạn như lãi suất, trợ cấp về thuế, miễn giảm thuế hay về giá tiền thuê đất… Tất cả những điều này người ta quy về sự hỗ trợ của Chính phủ, gây ra tình trạng mua bán không công bằng.
Nếu như họ có đầy đủ dữ liệu khởi kiện thì chúng ta phải hợp tác để cung cấp số liệu. Bởi nếu không cung cấp thì người ta sẽ chọn số liệu từ một nước khác bất lợi cho Việt Nam rất nhiều. Nếu mình bị đánh thuế chống bán phá giá, đối thủ cạnh tranh sẽ nhân cơ hội mở rộng thị trường, và mình lấy lại rất khó. Đặc biệt, ta nên sử dụng tư vấn pháp lý về Luật quản lý ngoại thương, liên quan đến bán phá giá, biện pháp phòng vệ thương mại, cần phải khai thác các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, các mảng thông tin các tổ chức có uy tín, cũng như các hiệp hội ngành nghề… Nghiên cứu các tình huống bán phá giá đã có trong lịch sử.
Tổng hợp tất cả những thông tin, tôi cho rằng doanh nghiệp sẽ có cơ sở dữ liệu để đưa ra mức giá không bị đối tác coi là bán phá giá, mà chúng ta sẵn sàng mở rộng thị trường trên cơ sở nền tảng thương mại rất công bằng, cùng có lợi và bền vững.
Về vai trò nhà nước, đặc biệt là cơ quan liên quan đến thương mại, tôi cho rằng cần phải có các khóa đào tạo, cung cấp mạng lưới thông tin và đặc biệt là Cục phòng vệ thương mại phát đi các cảnh báo sớm liên quan đến những mặt hàng có nguy cơ cao, nguy cơ trung bình và nguy cơ thấp trong bán phá giá để báo cho doanh nghiệp. Ví dụ như thép, nhôm, đồ gỗ… Đồng thời cần có dữ liệu để Cục phòng vệ thương mại tập hợp, cảnh báo trước cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Điều này chúng ta cũng đã và đang làm rồi nhưng tôi nghĩ cần phải kích hoạt để vận động thường xuyên hơn.
Ngoài ra, tôi cho rằng Nhà nước cũng cần có thêm những tư vấn về luật sư khi có vụ kiện xảy ra; hỗ trợ xúc tiến để tìm kiếm thị trường, những đối tác có độ tin cậy cao cho doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp có kết nối với đối tác nhập khẩu phù hợp sẽ không nằm trong trường hợp thiếu thông tin, các đối tác không phù hợp và bị coi là bán phá giá.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi./.