Xuất siêu cao nhất từ trước đến nay phát đi tín hiệu cảnh báo gì?
Theo Tổng cục Thống kê, diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 ở trong nước và trên thế giới đã tiếp tục gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất, nhập khẩu của Việt Nam.
Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 8 tháng đầu năm 2020 ước đạt 336,3 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu đạt 174,1 tỷ USD, nhập khẩu đạt 162,2 tỷ USD. Tính chung, đến nay Việt Nam đã xuất siêu tổng cộng 11,9 tỷ USD.
Theo báo Tiền Phong, dù xuất siêu tăng nhưng nhìn vào cơ cấu xuất khẩu có thể thấy, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, tính cả dầu thô, vẫn đang là động lực dẫn dắt nền kinh tế khi kim ngạch xuất khẩu hàng hóa chiếm 65,1% tổng kim ngạch xuất khẩu với 113,31 tỷ USD xuất khẩu. Khu vực kinh tế trong nước dù tiếp tục được coi là điểm sáng với mức tăng 15,3% nhưng giá trị chỉ đạt gần 35% với 60,80 tỷ USD xuất khẩu.
Các số liệu cho thấy, đã có 27 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 89,7% tổng kim ngạch xuất khẩu, cụ thể: điện thoại và linh kiện đạt 31,5 tỷ USD; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 27,6 tỷ USD; hàng dệt may đạt 19,2 tỷ USD; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 15,1 tỷ USD; giày dép đạt 10,9 tỷ USD; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 7,3 tỷ USD; thủy sản đạt 5,2 tỷ USD; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 5,2 tỷ USD. Dù đã đưa ra những dự báo rất bi quan từ hồi quý I khi dịch COVID-19 bùng phát mạnh trên toàn cầu, nhưng đến nay xuất khẩu nhiều mặt hàng chủ lực của Việt Nam như dệt may, giày dép, điện tử không bị tụt giảm quá nhiều.
Tuy nhiên, bên cạnh dấu hiệu tích cực của nhiều mặt hàng công nghiệp, nhiều mặt hàng xuất khẩu thuộc lĩnh vực nông nghiệp chịu tác động khá lớn của dịch COVID-19 khi giảm khá mạnh so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, xuất khẩu rau quả đạt 2,3 tỷ USD, giảm 11,3%; hạt điều đạt 2 tỷ USD, giảm 5,4%; cao su đạt 1,2 tỷ USD, giảm 12,7%; hạt tiêu đạt 445 triệu USD, giảm 20%.
Số liệu trên cho thấy xuất siêu 8 tháng năm 2020 đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Điều này nhìn ở khía cạnh nào đó cho thấy xuất khẩu vẫn khả quan. Tuy nhiên, nhìn sâu xa hơn thì con số kỷ lục này lại phát đi nhiều tín hiệu cảnh báo.
Trao đổi với VietNamNet, TS Lê Quốc Phương, nguyên Phó giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng: Nền kinh tế nước ta mấy năm gần đây luôn xuất siêu. Xuất siêu có điều đáng mừng là giúp tăng dự trữ ngoại hối. Tuy nhiên, xuất siêu 8 tháng năm 2020 có điểm đáng phải lo. Đó là xuất siêu không phải do xuất khẩu tăng, mà do nhập khẩu giảm nhiều. Nhập khẩu của Việt Nam tới 90% là từ liệu sản xuất, nhập khẩu hàng tiêu dùng chỉ chiếm 10%. Giảm nhập khẩu tức giảm nhập tư liệu sản xuất - đó là điểm đáng lo.
Ngoài ra, theo TS Lê Quốc Phương, xuất siêu vẫn dựa vào khu vực doanh nghiệp FDI, còn doanh nghiệp trong nước vẫn nhập siêu lớn, tới hơn 10 tỷ USD.
Cũng theo chia sẻ của TS Phương: "Xuất siêu thì mừng nhưng đáng lo nhiều hơn bởi giảm nhập tư liệu sản xuất thì ảnh hưởng đến sản xuất trong tương lai".
Còn chuyên gia kinh tế Trần Toàn Thắng cho rằng, để đánh giá số liệu xuất siêu là tích cực hay không phải nhìn vào 2 con số nữa: Đó là tổng kim ngạch xuất khẩu và tổng kim ngạch nhập khẩu. Hai con số ấy so với cùng kỳ năm trước đều giảm, nhưng mức giảm khác nhau. Có thể nhập siêu 8 tháng năm 2020 là do nhập khẩu giảm quá nhanh, chứ không phải xuất khẩu tăng.
Nếu số liệu nhập khẩu giảm là do lượng máy móc, nguyên vật liệu giảm thì xuất siêu không phải là đáng mừng. Nhập khẩu giảm có thể do doanh nghiệp đang đánh giá thấp khả năng xuất khẩu tiếp. Đó là vấn đề khiến khả năng phục hồi kinh tế càng khó hơn, theo ông Thắng.
"Dù sao, về mặt tài chính, thặng dư thương mại lớn giúp đất nước có thêm ngoại tệ để ổn định tỷ giá", TS. Trần Toàn Thắng chia sẻ.
Trong khi đó, việc các hiệp định như CPTPP, EVFTA lần lượt có hiệu lực đã mở ra cánh cửa cho hàng hóa từ Việt Nam đi các nước. Tuy nhiên, tại Hội nghị trực tuyến về "Triển khai kế hoạch thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA)", Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cũng lưu ý: Những FTA thế hệ mới như CPTPP hay EVFTA luôn có những cam kết cao về phát triển bền vững, cụ thể là gắn việc phát triển sản xuất và thương mại với các yêu cầu về bảo vệ môi trường.
Theo ông Tuấn Anh, các sản phẩm xuất khẩu, đặc biệt là những mặt hàng có nguồn gốc, đầu vào từ tự nhiên như thủy sản hay sản phẩm gỗ phải đáp ứng được các quy định về truy xuất nguồn gốc, cụ thể là các sản phẩm đó có được đánh bắt và khai thác một cách hợp pháp hay không.
"Chính vì vậy, chúng ta, một mặt cần có những biện pháp nâng cao nhận thức của người nông dân và doanh nghiệp sản xuất, nhưng mặt khác cũng cần có những giải pháp, chế tài cụ thể đối với những hành vi vi phạm các quy định về đánh bắt và khai thác nguồn tài nguyên trái phép", ông Trần Tuấn Anh lưu ý.
Về câu hỏi có khả thi không khi các bộ, ngành đặt nhiều kỳ vọng EVFTA có thể giúp bù đắp phần nào thua thiệt trong xuất khẩu hàng hóa từ đầu năm đến nay do ảnh hưởng của dịch COVID-19, chuyên gia thương mại Phạm Tất Thắng đã có những chia sẻ với báo Hải Quan.
Theo ông Thắng, EVFTA sẽ tác động to lớn tới xuất khẩu nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung. Tuy nhiên, đây là sự tác động trong thời gian dài chứ ngay lập tức nửa cuối năm thì chưa nhiều. Bởi vì, Việt Nam chưa nhiều doanh nghiệp bắt nhịp được để đưa hàng hóa vào thị trường EU theo tiêu chuẩn của EU.
Với EVFTA, hy vọng lớn nhất của Việt Nam là nhập được công nghệ hiện đại từ thị trường EU để cải thiện được năng lực xuất khẩu, nhất là khu vực 100% vốn trong nước. Muốn làm được khâu đó phải có độ trễ chứ không thể thể hiện ngay nửa cuối năm nay.
"Tôi cho rằng đừng kỳ vọng quá nhiều vào sự thay đổi thần kỳ của EVFTA cho xuất khẩu hàng hóa nửa cuối năm, không nhanh được như vậy", chuyên gia này nói.
Lệ Vỹ (T/h)