Xúc tiến đầu tư thương mại Thủ đô: Bài 2 - Mở rộng kinh tế đối ngoại
UBND thành phố Hà Nội đang thực hiện tổng thể nhiều giải pháp, biện pháp nhằm mở rộng quan hệ hợp tác với các đối tác lớn, thu hút nguồn đầu tư và các lĩnh vực công nghiệp sách, công nghệ thông tin, môi trường, giáo dục, đào tạo, thành phố thông minh…
Ngoài tổ chức các cuộc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thành phố tăng cường kỷ cương, kỷ luật, cải cách thủ tục hành chính. Đặc biệt, thành phố phân cấp ủy quyền hàng trăm thủ tục cho các sở, ngành, địa phương. Vì vậy, mặc dù nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, nhưng thu hút đầu tư nước ngoài vào địa bàn có nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, với chủ trương chỉ đạo xuyên suốt của Thành ủy, UBND thành phố đang tạo mọi điều kiện cho các thành phần kinh tế phát triển. Thành phố tăng cường kinh tế đối ngoại, mở rộng hợp tác với rất nhiều đối tác nước ngoài, từ đó chọn lọc những nhà đầu tư chất lượng, hiệu quả và sát thực với nhu cầu đầu tư của Hà Nội, ở những lĩnh vực quan trọng.
Theo UBND thành phố Hà Nội trong năm 2023 ước thu hút vốn đầu tư 2.607 triệu USD (cả nước thu hút 15.910 triệu USD), tăng 2,04 lần so với cùng kỳ, trong đó: 346 dự án mới với 321 triệu USD; 141 lượt tăng vốn với 242 triệu USD; 274 lượt góp vốn, mua cổ phần với giá trị vốn góp đạt 2.044 triệu USD (trong đó 01 lượt giao dịch của Nhà đầu tư Nhật Bản Sumitomo mua cổ phiếu của VP Bank trên sàn giao dịch chứng khoán với giá trị giao dịch đạt 1.500 triệu USD). Ước năm 2023 thu hút 2.874 triệu USD, tăng 62,0% so với năm 2022.
Doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng nhưng doanh nghiệp hoạt động trở lại giảm; trong năm, có 31.432 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký hàng trăm ngàn tỷ đồng và 7.592 doanh nghiệp hoạt động trở lại. Tổng số doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có là 373.995 doanh nghiệp.
Môi trường đầu tư, kinh doanh do cộng đồng doanh nghiệp phản ánh qua chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đang có xu hướng giảm bậc. Trong các năm 2018-2020, PCI giữ vị trí thứ 9 trong 63 tỉnh, thành phố; năm 2021 giảm 1 bậc, năm 2022 tiếp tục giảm sâu 10 bậc, xếp thứ 20/63 tỉnh, thành phố; trong đó: có 02 chỉ số thuộc top 10 cả nước, 07 chỉ số giảm hạng so với năm 2021.
Để nâng cao thứ hạng của các chỉ số PAPI và PCI năm 2023, thành phố đã ban hành và thực hiện các kế hoạch: số 157/KH-UBND ngày 26/5/2023 về cải thiện, nâng cao chỉ số PAPI của thành phố Hà Nội; số 167/KH-UBND ngày 07/6/2023 về nâng cao chỉ số PCI và chỉ số PGI năm 2023 của thành phố Hà Nội, đồng thời giao các sở, ban ngành chủ trì thực hiện các giải pháp tiếp tục duy trì các chỉ số thành phần đạt kết quả cao; tập trung cải thiện, nâng cao các chỉ số thành phần bị trừ điểm hoặc đạt điểm thấp. Bên cạnh đó, thành phố đã thành lập Tổ công tác đặc biệt về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn thành phố.
Ông Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, năm 2023 công tác đối ngoại tiếp tục được tăng cường và mở rộng trên cả ba kênh đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và ngoại giao nhân dân, đạt được những thành tựu ở cả ba phương diện ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế và ngoại giao văn hóa, nâng cao hiệu quả các quan hệ song phương và đa phương trên nhiều lĩnh vực, đóng góp tích cực vào sự phát triển KTXH của Thủ đô.
Thành phố tăng cường quan hệ ngoại giao với Thủ đô, thành phố của các nước láng giềng như: Bắc Kinh, Quảng Đông... (Trung Quốc), Viêng Chăn, Luông-phra-băng (Lào) và Campuchia, Indonesia; tập trung vào các địa bàn trọng điểm như: California, New York, Washington D.C... (Hoa Kỳ), Canada (Vancouver), Mexico (Mexico City), Australia, New Zealand, một số nước châu Âu như: Pháp, Anh, Thụy Sỹ..., các địa bàn mới, giàu tiềm năng như: Iran, Ả-rập Xê-út, Ai Cập... nhằm tăng cường, thúc đẩy quan hệ hữu nghị hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại, văn hóa, giáo dục và đào tạo, du lịch; trao đổi, học tập kinh nghiệm trong công tác hoạch định và giám sát thực thi chính sách, tìm hiểu mô hình quản lý quy hoạch và phát triển đô thị, bảo vệ môi trường, đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội.
Hà Nội cũng tổ chức 18 đoàn công tác nước ngoài của lãnh đạo thành phố (trong đó có các đoàn tháp tùng lãnh đạo Trung ương); tiếp gần 90 đoàn khách quốc tế đến chào xã giao, làm việc, trao đổi về các dự án, hoạt động hợp tác trên nhiều lĩnh vực.
Đã tổ chức đón tiếp 4 đoàn thăm và làm việc chính thức theo lời mời của Lãnh đạo Thành phố, trong đó đoàn các địa phương Pháp và đoàn Vân Nam – Trung Quốc đến Hà Nội, phối hợp tổ chức Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam – Pháp lần thứ 12 với sự tham gia của gần 1.000 đại biểu của 50 địa phương Việt Nam và 12 địa phương Pháp, cùng nhiều tổ chức quốc tế và Hội nghị hợp tác hành lang kinh tế 5 tỉnh, thành phố Lào Cai, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh (Việt Nam) và Vân Nam (Trung Quốc) lần thứ X.
Ngoại giao kinh tế thể hiện rõ vai trò tích cực trong việc hỗ trợ, kết nối nhu cầu hợp tác giữa chính quyền với doanh nghiệp, doanh nghiệp với doanh nghiệp, thu hút đầu tư, thúc đẩy thương mại, góp phần thúc đẩy hội nhập quốc tế, phát triển kinh tế - xã hội, chủ yếu thông qua các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch.
Ngoại giao văn hóa được khôi phục mạnh mẽ; đã phối hợp tổ chức trên 20 hoạt động giao lưu văn hóa, đối ngoại văn hóa, góp phần quảng bá hình ảnh các nước với nhân dân trong nước, du khách quốc tế và thông qua đó quảng bá truyền thống lịch sử, văn hóa Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng.
Thành phố Hà Nội đã ký kết 5 thỏa thuận hợp tác quốc tế mới, mở rộng hợp tác tới địa bàn mới với Cairo, Ai Cập; tiếp tục triển khai công tác đàm phán và các thủ tục liên quan ký kết thỏa thuận với các đối tác: Saint Petersburg (Liên bang Nga), Rome (Italy), Minsk (Belarus), Caracas (Venezuela)…
Hoạt động phối hợp, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ đầu tư và hợp tác phát triển được chú trọng: Thành ủy đã đi thăm và làm việc tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Lâm Đồng…; thực hiện hỗ trợ đầu tư phát triển và an sinh xã hội đối với một số tỉnh trong nước như: Điện Biên, Tuyên Quang, Kon Tum, Quảng Trị,…và hỗ trợ Thành phố Viêng Chăn (Lào) xây dựng trụ sở Sở Tư pháp, trụ sở Viện kiểm sát nhân dân. Phối hợp tốt với các bộ ngành và các địa phương trong vùng Thủ đô trong việc đẩy nhanh tiến độ Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; vai trò, vị thế của Hà Nội trong vùng được nâng cao.
Ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, năm 2024, thành phố Hà Nội tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và tạo điều kiện tối đa để các doanh nghiệp bên ngoài đầu tư vào địa bàn, cũng như các doanh nghiệp trên địa bàn có cơ hội hợp tác với bên ngoài và đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa cho các địa bàn lớn trên thế giới.