Xung đột Israel - Palestine: Tổng thư ký LHQ cảnh báo nguy cơ gia tăng chủ nghĩa cực đoan
Lời kêu gọi và cảnh báo này của Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres được đưa ra sau một ngày leo thang căng thẳng và đẫm máu với 42 người Palestine thiệt mạng và 50 người Palestine bị thương do các cuộc không kích ở Gaza. Đây là vụ tấn công đơn lẻ gây thương vong cao nhất kể từ khi giao tranh nổ ra giữa Israel và Hamas một tuần trước. Bên cạnh đó, hôm qua cũng là ngày thứ bảy liên tiếp Hamas và các nhóm chiến binh khác tiếp tục nã rocket và đạn cối vào miền nam Israel, đều tấn công sâu hơn vào lãnh thổ của Israel so với cuộc chiến năm 2014.
Một người Palestine ôm con gái bị thương ra khỏi đống đổ nát sau vụ không kích của Israel
Theo ông Tor Wennesland, đặc phái viên LHQ về tình hình Trung Đông, trong tuần qua Israel đã tiến hành 950 cuộc không kích vào Gaza khiến 181 người Palestine, trong đó có 52 trẻ em thiệt mạng. 40 trường học và 4 bệnh viện đã bị phá hủy hoàn toàn hoặc một phần ở dải Gaza; 18 tòa nhà, trong đó có 4 tòa tháp cao tầng, bao gồm 1 nhà ở của một số cơ quan thông tấn báo chí, đã bị san phẳng.
Tổ chức Hồi giáo cực đoan Hamas và các tổ chức Thánh chiến Hồi giáo Palestine khác đã phóng hơn 2.900 quả rocket về phía Israel khiến 10 người trong đó có 2 trẻ em thiệt mạng.
Ông cũng cảnh báo do mất nguồn cung cấp điện trong khu vực của người Palestine kéo theo tình trạng thiếu nước sạch và không xử lý được nước thải, ảnh hưởng đến hàng trăm nghìn người. Ông cảnh báo rằng hệ thống y tế Gaza có thể sẽ không thể đáp ứng nhu cầu của những người bị thương trong cuộc bạo động, đặc biệt là các bệnh viện phải đối mặt với nguy cơ mất điện.
Phát biểu trên truyền hình Mỹ CBS ngày 16/5, Thủ tướng Israel, Benjamin Netanyahu, khẳng định các lực lượng của ông đang làm tất cả những gì có thể để giảm thiểu thương vong cho dân thường.
Tại cuộc họp đặc biệt của Hội đồng Bảo an, các Bộ trưởng Ngoại giao và Đại sứ đã kêu gọi ngừng bắn và cả hai bên tôn trọng luật nhân đạo quốc tế, nhưng vẫn chưa có dấu hiệu nào về một thỏa thuận ngừng bắn tạm thời để các nhân viên y tế ở dải Gaza đưa những người bị thương và cả những người đã thiệt mạng ra khỏi các tòa nhà đổ nát.
Tổng thư ký Antonio Guterres nhấn mạnh; “Các cuộc giao tranh có nguy cơ kéo người Israel và người Palestine vào vòng xoáy bạo lực với hậu quả tàn khốc cho cả cộng đồng và toàn bộ khu vực. Nó có khả năng gây ra một cuộc khủng hoảng an ninh và nhân đạo không thể giải quyết được và tiếp tục thúc đẩy chủ nghĩa cực đoan, không chỉ ở lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng và Israel, mà lan ra toàn bộ khu vực”.
Ông cũng kêu gọi: “Phải ngừng giao tranh. Phải ngừng ngay lập tức. Rocket và đạn cối của một bên, bom pháo của bên kia, đều phải ngừng ngay. Liên hợp quốc đang tích cực đưa tất cả các bên hướng tới một thỏa thuận ngừng bắn tạm thời”.
Phát biểu tại cuộc họp trực tuyến này, Ngoại trưởng Palestine Riyad al-Maliki cáo buộc Israel đã phạm "tội ác chiến tranh và chống lại loài người".
Đại sứ Israel tại LHQ, Gilad Erdan tuyên bố xung đột là sự "lên kế hoạch từ trước" của Hamas nhằm tăng quyền lực chính trị.
Đại sứ Mỹ tại LHQ, Linda Thomas-Greenfield kêu gọi chấm dứt các vụ tấn công bằng tên lửa của người Palestine và cả hai bên tuân thủ luật pháp quốc tế. “Chúng tôi cũng kêu gọi tất cả các bên bảo vệ các cơ sở y tế và nhân đạo khác, cũng như các nhà báo và các tổ chức truyền thông. Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến việc bảo vệ các cơ sở của Liên hợp quốc khi thường dân tìm kiếm nơi trú ẩn trong khoảng hai chục cơ sở trong số đó”, bà nói.
Đại sứ Thomas-Greenfield kêu gọi chấm dứt việc trục xuất, phá dỡ và xây dựng khu định cư ở Đông Jerusalem và phần còn lại của Bờ Tây.
Bà cũng khẳng định Mỹ đã làm việc không mệt mỏi qua các kênh ngoại giao để chấm dứt xung đột.
Các Bộ trưởng Ngoại giao và Đại sứ đã kêu gọi ngừng bắn và cả hai bên tôn trọng luật nhân đạo quốc tế
Đại sứ Mỹ tại LHQ gọi các cuộc tấn công bằng rocket về phía Israel “hoàn toàn được tính toán trước” và là một phần của kế hoạch nhằm giành quyền lực chính trị và thay thế chính quyền Palestine tại khu Bờ Tây.
Xung đột giữa Israel và Palestine gia tăng nhanh chóng từ đầu tuần trước, đẩy hai bên vào vòng xoáy bạo lực tồi tệ nhất trong vài năm trở lại đây. Tình hình vốn đã căng thẳng do các động thái của Israel tìm cách trục xuất các gia đình Palestine khỏi khu định cư gần Thành cổ ở Jerusalem đã bùng phát tại Núi Đền.
Trong hai cuộc họp trước đó của Hội đồng Bảo an, 14 trong số 15 quốc gia thành viên đã tìm cách thông qua một nghị quyết chung nhưng Mỹ cho rằng thời điểm không phù hợp cho việc ra nghị quyết, có khả năng sẽ làm trầm trọng thêm tình hình và muốn có thêm thời gian để các nỗ lực ngoại giao của mình phát huy tác dụng.
Vào cuối phiên họp ngày hôm qua, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nói rằng Trung Quốc, Na Uy và Tunisia sẽ soạn thảo một tuyên bố khác để lưu hành càng sớm càng tốt với hy vọng tất cả các thành viên Hội đồng có thể tham gia một cách xây dựng và đảm bảo rằng Hội đồng Bảo an phản ứng kịp thời và hoàn thành trách nhiệm của mình.
Khi được hỏi liệu Mỹ có ủng hộ một tuyên bố chung của Hội đồng Bảo an hay không, một quan chức Mỹ phát biểu với tờ Times of Israel: “Hiện tại chúng tôi đang tập trung vào những nỗ lực ngoại giao chuyên sâu, trong đó có những vấn đề Đại sứ tại LHQ, Thomas-Greenfield đã thảo luận ngày hôm nay tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an”.
Thu Thắm
Xem thêm: