Yêu cầu TP.HCM tập trung người lang thang vào nơi ổn định tạm thời
Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng đoàn công tác Chính phủ trong buổi làm việc với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 quận 4 (TP.HCM) sáng 23/8.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, trong những đợt giãn cách trước, do các địa phương cho rằng không đủ nhân lực để khống chế dịch, Trung ương đã tăng cường rất nhiều lực lượng cho đợt giãn cách này.
Phó Thủ tướng đề nghị lãnh đạo quận và các phường phải cam kết khống chế bằng được dịch trong đợt giãn cách này. Không để xảy ra tình trạng giãn cách nghiêm trong những ngày đầu, buông lỏng những ngày sau mà phải đảm bảo từ đầu đến cuối nghiêm như nhau.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thăm các chiến sỹ tại chốt kiểm soát ở Phường 4, quận Bình Thạnh (ảnh VOV)
Đặc biệt, đến chiều 23/8, 312 phường, xã tại TP.HCM phải tập trung được hết nhóm người lang thang cơ nhỡ còn trên đường, đây là nhóm đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao.
Zing News dẫn lời Thượng tướng Võ Minh Lương bày tỏ quan ngại tại một số địa bàn, chủ tịch UBND phường còn lúng túng trong quá trình điều hành lực lượng. "Chỉ huy trưởng của trận đánh này là lãnh đạo phường, xã phải chỉ huy chặt chẽ, phát huy được năng lực của tất cả lực lượng được tăng cường", thượng tướng nhấn mạnh. Ông đề nghị chủ tịch quận cần kiểm tra để đảm bảo phát huy tốt nhất lực lượng tăng cường, nếu không sẽ rất lãng phí.
Cùng quan điểm, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an, cũng cho rằng chủ tịch phường phải cam kết với quận, quận cam kết với thành phố thực hiện nghiêm giãn cách xã hội.
"Tôi sẽ không gọi các đồng chí là chủ tịch quận, phường nữa mà gọi các đồng chí là chỉ huy trưởng", ông nói.
Đánh giá ngày đầu triển khai giãn cách, trung tướng Nguyễn Duy Ngọc cho biết quan sát các chốt kiểm soát của thành phố và quận, huyện, phường, xã cho thấy người dân chấp hành tốt. Một số chốt bị dồn lại do lực lượng chức năng kiểm tra giấy đi đường.
Trung tướng Ngọc cũng lưu ý các địa phương phải tính nhân khẩu dựa trên dữ liệu của công an. Ví dụ, quận 4 có 207.703 nhân khẩu (theo dữ liệu công an) chứ không phải hơn 176.000 người như báo cáo của quận. "Chỉ cần thiếu một nhóm người nào mà không may nhóm đó rơi vào người nhiễm bệnh là không kiểm soát được hết", ông chỉ ra vấn đề.
Thứ trưởng Bộ Công an đặc biệt lưu ý đến nhóm yếu thế, cần hỗ trợ tại quận. Theo báo cáo, quận 4 có 17.262 hộ yếu thế, cần quan tâm và khoảng 30 trường hợp lang thang, cơ nhỡ cần thu dung.
Những người lang thang sống tạm trên một cầu vượt đi bộ ở TP Thủ Đức (Ảnh chụp sáng 23/8 VOV)
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Công an chia sẻ trên đường đến quận 4, ông quan sát được ít nhất 6 trường hợp người lang thang, cơ nhỡ ở các chân cầu, bến xe buýt. Trung tướng nhấn mạnh quận cần có giải pháp để kiểm soát nhóm này.
Trao đổi về vấn đề này, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh thời điểm này "không nói suông", ai không làm là xử lý, đầu tiên là công an, sau đó là quân đội. "Tôi đề nghị kiểm tra lại toàn bộ lực lượng lang thang, dứt khoát phải đưa vào nơi ổn định tạm thời trong chiến dịch này. Dứt khoát trong hôm nay, đối tượng lang thang, cơ nhỡ phải được quản lý toàn bộ", Phó thủ tướng nhấn mạnh. Ông giao nhiệm vụ cho công an phát hiện, mời bà con về nơi thu dung do quân đội quản lý. Trong hôm nay, các đơn vị phải hoàn thành.
Thực hiện triệt để giãn cách xã hội
Theo báo PLO cho biết trong hai tuần này, TP.HCM sẽ thực hiện triệt để quy định giãn cách xã hội “ai ở đâu ở yên đó”, nhà cách ly với nhà, tổ dân phố cách ly với tổ dân phố, khu phố/ấp cách ly với khu phố/ấp, phường/xã, thị trấn cách ly với phường/xã, thị trấn.
Để thực hiện việc này, TP.HCM sẽ thành lập tổ công tác đặc biệt tại các phường/ xã, thị trấn, trong đó tập trung vào những vùng có nguy cơ cao và rất cao “vùng cam” và “vùng đỏ”. Tổ này gồm có chủ tịch UBND phường/ xã, thị trấn; công an, quân đội, công chức, viên chức; cán bộ phường/ xã, thị trấn…
Từ ngày 23/8, TP Hồ Chí Minh sẽ kiểm soát việc lưu thông của người dân để đảm bảo công tác chống dịch.
Các lực lượng của tổ công tác đặc biệt này sẽ tham gia công tác kiểm tra, nhắc nhở, tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt giãn cách xã hội.
Cùng với thành lập tổ công tác đặc biệt, TP.HCM sẽ tổ chức rà soát, siết chặt các đối tượng được tham gia lưu thông. Các lực lượng như công an, quân đội sẽ thiết lập các chốt kiểm tra, tuần tra để kiểm tra và xử lý nghiêm những vi phạm.
từ 0 giờ ngày 23-8, ngoài các thành viên Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh các cấp, lực lượng trực tiếp tham gia phòng chống dịch thì các đối tượng khác được ra đường theo quy định của TP bắt buộc phải có giấy đi đường và dấu hiệu nhận diện theo quy định. Riêng lực lượng giao hàng sử dụng công nghệ (shipper) tạm ngưng hoạt động tại TP Thủ Đức và bảy quận, huyện: 8, 12, Gò Vấp, Bình Tân, Bình Thạnh, Bình Chánh, Hóc Môn. Đối với các quận, huyện còn lại thì shipper chỉ hoạt động trong quận, không chạy liên quận và có dấu hiệu nhận diện riêng.
Tất cả cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp của TP, trung ương đóng trên địa bàn triển khai thực hiện phương án “ba tại chỗ” hoặc “một cung đường - hai điểm đến” với tối đa 1/4 tổng số cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của đơn vị. Những người này phải có mặt tại cơ quan, đơn vị trước 0 giờ ngày 23-8.
Tổng lực xét nghiệm toàn dân
Cũng trong hai tuần tới, TP.HCM sẽ tổng lực xét nghiệm, tiêm vaccine; song song đó là tổ chức điều trị F0 hiệu quả.
Về xét nghiệm, TP.HCM sẽ tăng cường xét nghiệm toàn bộ các hộ dân trong vùng cam và vùng đỏ bằng phương thức xét nghiệm kháng nguyên mẩu đơn cho toàn bộ người dân. Bổ sung xét nghiệm các đối tượng là nhân viên siêu thị, tài xế vận chuyển hàng hóa, nhân viên cửa hàng thuốc Tây, nhân viên công ty môi trường đô thị, công ty dịch vụ công ích thu gom rác (tài xế, thu gom rác), lực lượng trực các chốt, lực lượng hỗ trợ phòng chống dịch, nhân viên tại các cửa hàng xăng dầu (bảy ngày/lần).
Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết tại các vùng bình thường mới (xanh và cận xanh) ngành y tế sẽ lấy mẫu xét nghiệm bằng phương pháp rRT-PCR mẫu gộp (10) đại diện hộ gia đình tại các tổ dân phố, tổ nhân dân thuộc vùng xanh và cận xanh, tần suất hai lần, cách nhau bảy ngày.
Tại các vùng nguy cơ - vùng vàng, ông Nam cho biết sẽ xét nghiệm ngẫu nhiên, có trọng điểm bằng phương pháp rRT-PCR mẫu gộp (5) đại diện hộ gia đình, từng bước tiến đến xét nghiệm đại diện toàn bộ các hộ gia đình để chuyển vùng vàng thành vùng xanh.
Riêng các khu phong tỏa, sẽ tổ chức xét nghiệm để thu gọn phạm vi, biến khu phong tỏa thành điểm phong tỏa và xét nghiệm gộp mẫu xét nghiệm nhanh kháng nguyên theo hộ gia đình. Nếu kết quả xét nghiệm dương tính, sẽ giải gộp bằng xét nghiệm nhanh kháng nguyên và hướng dẫn cách ly, chăm sóc, xét nghiệm và điều trị theo quy định. Nếu âm tính có thể gỡ phong tỏa nếu đủ điều kiện và tiếp tục theo dõi thực hiện xét nghiệm lại khi phát hiện ca nghi nhiễm. Đối với các khu vực vẫn tiếp tục phong tỏa, sẽ tổ chức xét nghiệm lại sau 5-7 ngày để tiếp tục thu hẹp thành điểm phong tỏa, tiến tới gỡ phong tỏa khi đủ điều kiện.
Địa điểm tổ chức lấy mẫu xét nghiệm tại cộng đồng, ông Nam cho biết có thể tổ chức tại nhà hoặc địa điểm thuận lợi. “Nếu người dân có thể tự lấy mẫu thì nhân viên y tế cung cấp thiết bị để người dân tự làm, sau đó thu lại mẫu” - ông Nam nói và cho biết sau khi lấy mẫu xét nghiệm, trung tâm y tế nhận và chuyển mẫu vào các thời điểm 11 giờ, 18 giờ và 23 giờ trong ngày, theo sự điều phối của Trung tâm Điều phối xét nghiệm.
Nguyễn Triệu
Xem thêm: TP HCM đẩy nhanh tiến độ xây dựng Trạm y tế lưu động để quản lý và chăm sóc F0