Youtube xóa 5 kênh truyền hình Myanmar khỏi nền tảng
Youtube đã xóa 5 kênh truyền hình của Myanmar đang bị quân đội nắm giữ khỏi nền tảng của mình sau cuộc đảo chính xảy ra ở quốc gia Đông Nam Á này.
Youtube cho biết các kênh truyền hình bị xóa bỏ khỏi nền tảng này gồm có kênh truyền hình nhà nước Myanmar (MRTV), Myanma Radio and Television, Myawaddy Media (kênh truyền hình thuộc sở hữu của quân đội Myanmar), MWD Variety và MWD Myanmar.
“Chúng tôi đã gỡ bỏ một số kênh và xóa một số video khỏi YouTube theo nguyên tắc cộng đồng của chúng tôi và luật hiện hành”, một phát ngôn viên của YouTube cho biết.
Một người lính ngồi trên xe quân sự ở trung tâm thành phố Yangon, Myanmar
Youtube xóa bỏ 5 kênh truyền hình trên diễn ra trong bối cảnh, quân đội Myanmar đang đàn áp các cuộc biểu tình chống đáo chính bằng vũ lực, theo LHQ đã có 38 người biểu tình ở Myanmar thiệt mạng vào hôm 3/3.
Myanmar đã rơi vào tình trạng hỗn loạn kể từ khi quân đội nước này giành chính quyền và bắt giữ các lãnh đạo chính phủ vào ngày 1/2, với cáo buộc đảng Liên minh quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi giành thắng lợi áp đảo trong cuộc bầu cử tháng 11/2020 là do gian lận.
Ủy ban bầu cử của Myanmar cho biết cuộc bỏ phiếu diễn ra công bằng, nhưng quân đội Myanmar đã sử dụng phương tiện truyền thông để đưa ra lập trường của mình và biện minh cho hành động đảo chính.
Fanpage của Kênh truyền hình MRTV đã bị Facebook xóa vào tháng trước, trong khi đó tư lệnh tối cao của quân đội Myanmar Min Aung Hlaing và hơn chục sĩ quan và tổ chức cấp cao khác cũng đã bị Facebook cấm hoạt động trên nền tảng này từ năm 2018.
Facebook hiện đã cấm tất cả các trang liên quan đến quân đội Myanmar và bản thân mạng xã hội này cũng đã bị cấm hoạt động ở đây.
Các nền tảng mạng xã hội khác cũng đang vật lộn để hạn chế các nội dung liên quan đến quân sự, ngôn ngữ kích động bạo lực và thông tin sai lệch ở Myanmar.
Reuters đưa tin hôm 4/3 rằng binh lính và cảnh sát Myanmar đang sử dụng TikTok để đưa ra những lời đe dọa giết người biểu tình.
Các nhà quan sát nói rằng, sau lệnh cấm của Facebook, quân đội Myanmar đang cố gắng tăng cường sự hiện diện của mình trên các nền tảng mạng xã hội khác.
YouTube đã vấp phải sự chỉ trích vì để các video có thông tin sai lệch về cuộc bầu cử ngày 8 tháng 11 ở Myanmar lan truyền.
Reuters cho biết ít nhất có hàng chục kênh Youtube giả mạo các hãng tin tức và các chương trình chính trị để quảng bá thông tin sai lệnh về cuộc bầu cử ở Myanmar.
H.A (Theo Reuters)