146 hạ nghị sĩ của Đảng Dân chủ ủng hộ ông Biden tái gia nhập thỏa thuận hạt nhân Iran

22:20 | 25/12/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Gần 150 hạ nghị sĩ Đảng Dân chủ Mỹ ký vào một lá thư chung bày tỏ ủng hộ Tổng thống đắc cử Joe Biden tham gia lại thỏa thuận hạt nhân Iran.
146 hạ nghị sĩ của Đảng Dân chủ ủng hộ Tổng thống đắc cử Biden tái gia nhập thỏa thuận hạt nhân năm 2015, nếu Iran tuân thủ và quay trở lại thực hiện cam kết. Họ coi việc Mỹ trở lại là điểm khởi đầu cho các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Iran trong tương lai, nhằm thu hẹp các khác biệt và cải thiện mối quan hệ cũng như hạn chế được “những động thái mà họ cho là “gây hấn” của Iran trong khu vực”.

Trong bức thư, các Hạ nghị sĩ Đảng Dân chủ khẳng định sự ủng hộ đối với việc nhanh chóng thực hiện các bước ngoại giao cần thiết để khôi phục các ràng buộc đối với chương trình hạt nhân của Iran.
 
Ông Biden được ủng hộ tái gia nhập thỏa thuận hạt nhân Iran
Gần 150 hạ nghị sĩ Đảng Dân chủ Mỹ ký vào một lá thư chung bày tỏ ủng hộ Tổng thống đắc cử Joe Biden tham gia lại thỏa thuận hạt nhân Iran. Ảnh: Getty
 
Theo một số chuyên gia, mục đích của bức thư là để “trấn an” ông Joe Biden thúc đẩy Mỹ tham gia trở lại thỏa thuận mà không lo ngại bị phản đối.
 
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, Tổng thống đắc cử Mỹ cũng đang phải chịu sức ép từ một bộ phận không nhỏ, cả trong và ngoài nước yêu cầu đàm phán lại thỏa thuận hạt nhân Iran. Các nước Arab đồng minh của Mỹ trong khu vực hiện cũng muốn có vai trò trong đàm phán, muốn kiềm chế chương trình tên lửa của Iran cũng như sức ảnh hưởng của nước này trong khu vực.
 
Tuy nhiên, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã bác bỏ điều này: “Mỹ từng muốn đưa chương trình tên lửa vào đàm phán. Chúng tôi đã bác bỏ khi đàm phán thỏa thuận hạt nhân trước đây. Ông Joe Biden biết rõ điều này. Iran cũng sẽ không đàm phán lại thỏa thuận hạt nhân đã đạt được. Đó là một thỏa thuận lịch sử rất quan trọng, chưa từng có với Iran và trong khu vực. Tôi không biết liệu có quốc gia nào như Iran có thể đàm phán với 6 cường quốc trong điều kiện bị trừng phạt hay không”.
 
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cũng cho rằng, Mỹ phải quay trở lại tham gia thỏa thuận hạt nhân Iran mà không được đưa ra bất cứ điều kiện tiên quyết hoặc yêu cầu bổ sung nào. Theo bà, những nỗ lực sửa đổi thỏa thuận hạt nhân đều kết thúc bằng thất bại.
 
Trước đó, vài ngày, các nước còn lại của thỏa thuận hạt nhân cũng kêu gọi việc các bên cần tuân thủ các cam kết đã ký. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cũng có chung quan điểm với Nga, cho rằng Mỹ nên quay trở lại thỏa thuận một cách vô điều kiện và sớm nhất có thể.
 
Hiện quan hệ Mỹ và Iran đang trong giai đoạn hết sức căng thẳng ở thời điểm cuối nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ. Mới đây, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã gia tăng trừng phạt Iran, cáo buộc Iran đứng sau vụ tấn công Đại sứ quán Mỹ.
 
Ngoại trưởng Iran Javad Zarif cảnh báo chính quyền Mỹ đang cố gắng tìm cách tấn công Iran, cảnh báo Mỹ tránh các bước đi “phiêu lưu mạo hiểm” trước khi rời Nhà Trắng. Một số nguồn tin cho biết, Iran đang triển khai các hệ thống phòng không tại các cơ sở hạt nhân nhằm đề phòng khả năng Mỹ tấn công./.

Theo VOV