205 thương nhân đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo: Nghiêng về sản phẩm chất lượng cao

14:49 | 22/01/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Cả nước có 205 thương nhân đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, cơ cấu gạo xuất khẩu của Việt Nam đang tiếp tục chuyển dịch sang các loại gạo thơm, gạo chất lượng cao.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) vừa công bố danh sách thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo đến tính đến ngày 18/1/2021. Dựa trên danh sách này, cả nước có 205 thương nhân đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo.
 
Trong danh sách, Cần Thơ có số lượng thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo lớn nhất cả nước với 43 doanh nghiệp, tiếp đến là TP.Hồ Chí Minh có 38 doanh nghiệp; Long An 25 doanh nghiệp; An Giang 20 doanh nghiệp; Đồng Tháp 18 doanh nghiệp; Hà Nội và Tiền Giang 8 doanh nghiệp; Nghệ An 7 doanh nghiệp; Kiên Giang, Vĩnh Long 6 doanh nghiệp…
 
Một số địa phương chỉ có 1 thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo, như: Đắk Nông, Trà Vinh, Tây Ninh, Bình Định, Bình Dương, Hà Tĩnh, Nam Định, Ninh Bình…
 
Theo Bộ Công Thương, năm 2020, hoạt động xuất khẩu nói chung và xuất khẩu gạo nói riêng gặp không ít khó khăn, thách thức, chủ yếu do tác động hết sức phức tạp của dịch Covid-19.
 
Trước tình hình đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp để vừa bảo đảm công tác phòng chống dịch và bảo đảm an ninh lương thực, vừa tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất khẩu nói chung và xuất khẩu gạo nói riêng, giúp người dân tiêu thụ thóc, gạo với số lượng và giá cả tốt nhất.
 
Cho tới nay, có thể thấy cả 2 mục tiêu lớn do Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đặt ra đối với sản xuất - xuất khẩu gạo đều đã đạt được. An ninh lương thực được bảo đảm tuyệt đối trong năm 2020, kể cả trong những thời điểm khó khăn nhất, khi dịch bệnh bùng phát và nước ngoài tăng mạnh mua gạo từ Việt Nam.
 
Theo ước tính của liên Bộ, xuất khẩu gạo năm 2020 đạt 6,15 triệu tấn, trị giá đạt khoảng 3,07 tỷ USD.
 
Mặc dù lượng gạo xuất khẩu giảm khoảng 3,5% so với năm 2019, chủ yếu vì mục tiêu bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, nhưng trị giá xuất khẩu lại tăng tới 9,3%. Giá xuất khẩu bình quân cả năm ước đạt 499 USD/tấn, tăng 13,3% so với năm 2019. Đây là mức giá bình quân năm cao nhất trong những năm gần đây, mang lại lợi ích to lớn cho người dân trồng lúa.
 
Cơ cấu gạo xuất khẩu của Việt Nam đang tiếp tục chuyển dịch sang các loại gạo thơm, gạo chất lượng cao với giá bán và giá trị gia tăng cao hơn.
 
Cùng với đó, người nông dân và các thương nhân xuất khẩu gạo cũng ngày càng quan tâm hơn tới việc nâng cao chất lượng, truy xuất nguồn gốc và hướng tới đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường khó tính như EU, Hàn Quốc, Hoa Kỳ…
 
Với kết quả này, Bộ Công Thương nhận định, xuất khẩu gạo năm 2020 thể hiện những nỗ lực to lớn của người dân và doanh nghiệp trong việc vượt qua khó khăn, thách thức của thiên tai, dịch bệnh để giữ vững kim ngạch xuất khẩu gạo.
 
Bên cạnh đó là sự điều hành sát sao, thực tế và kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành. Bộ Công Thương hy vọng với nỗ lực của tất cả các bên, xuất khẩu gạo năm 2021 sẽ tiếp tục đạt được những thành tích mới, với mục tiêu tối cao là vừa bảo đảm an ninh lương thực, vừa tiêu thụ hết thóc, gạo hàng hóa cho người nông dân với giá có lợi nhất.
 

Tiếp tục triển khai Đề án Thương hiệu gạo Việt Nam

 
Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Kết luận số 81-KL/TW ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị về “Bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030”, qua đó, kế hoạch nêu 8 nhiệm vụ chủ yếu, xác định bảo đảm an ninh lương thực quốc gia là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đảm bảo sự ổn định, phát triển bền vững của đất nước.
Đặc biệt Kế hoạch khẳng định: Tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án Thương hiệu gạo Việt Nam và Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo; tổ chức sản xuất lúa gạo theo vùng chuyên canh, phát triển các vùng trọng điểm lúa gạo ổn định ở các địa bàn có lợi thế sản xuất tập trung để đầu tư hạ tầng hoàn chỉnh, đồng bộ; tháo gỡ rào cản kỹ thuật, phát triển thị trường xuất khẩu lương thực, thực phẩm. Hài hòa hóa tiêu chuẩn, quy chuẩn với khu vực và quốc tế trong lĩnh vực an ninh lương thực.
Đặc biệt, nhằm tận dụng lợi thế, ưu đãi từ Hiệp định EVFTA theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành hữu quan, Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các thương nhân xuất khẩu gạo phát triển thị phần, quảng bá gạo Việt Nam tại thị trường EU cũng như tìm kiếm, mở rộng kênh tiêu thụ.
Cục Xuất Nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, hiện tại xuất khẩu sang khu vực thị trường châu Âu còn rất khiêm tốn, chỉ đạt 0,07 triệu tấn và chiếm tỷ trọng 1,39%.
 
Tuy nhiên, một số thị trường có lượng xuất khẩu tăng mạnh như Tây Ban Nha tăng 107,1%, Pháp tăng 112,99%, Hà Lan tăng 36,58%, Ba Lan tăng 9,86%.
 
Do vậy, đây sẽ là tiền đề tốt để Việt Nam tiếp tục khai thác hiệu quả cơ hội thị trường EU khi Hiệp định EVFTA đã bắt đầu có hiệu lực và triển khai thực thi.
 
Các chuyên gia thương mại cũng cho rằng: EU là thị trường còn nhiều dư địa để tăng trưởng xuất khẩu gạo của Việt Nam bởi hàng năm tổng nhu cầu nhập khẩu gạo của EU đạt trên 2 triệu tấn, trong khi lượng xuất khẩu của Việt Nam sang EU mới chỉ chiếm một tỷ trọng rất nhỏ.
 
 
Theo Hiệp định EVFTA, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo gồm 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm. Đặc biệt, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm.
 
Vì thế, Hiệp định EVFTA là cơ hội tốt để các doanh nghiệp Việt Nam đa dạng hóa thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu các loại gạo chất lượng cao và đặc sản.
 
Dù vậy, để xuất khẩu có hiệu quả, tận dụng tốt lợi thế từ 80.000 tấn gạo này thì không phải dễ dàng, đặc biệt là khi EU là thị trường có yêu cầu cao và khác so với các thị trường truyền thống mà gạo Việt Nam đang xuất khẩu.
 
Để triển khai thực hiện quy định tại Hiệp định EVFTA, trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn- cơ quan được Chính phủ giao chủ trì trong xây dựng Nghị định hướng dẫn quy trình đăng ký chứng nhận chủng loại gạo xuất khẩu vào EU.
 
Đến ngày 4 tháng 9 năm 2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 103/2020/NĐ-CP quy định về chứng nhận chủng loại gạo thơm thuộc Danh mục quy định tại điểm 8 tiểu mục 1 mục B Phụ lục 2-A của Hiệp định EVFTA được hưởng miễn thuế nhập khẩu trong hạn ngạch khi xuất khẩu sang EU.
 
Đặc biệt, 9 chủng loại gạo thơm xuất khẩu sang Liên minh châu Âu được hưởng miễn thuế nhập khẩu theo hạn ngạch bao gồm Jasmine 85; ST 5; ST 20; Nàng Hoa 9; VĐ 20; RVT; OM 4900; OM 5451; Tài nguyên Chợ Đào.
 
Minh Hoa