3 dự án cao tốc Bắc-Nam và băn khoăn chuyện `phí chồng phí`
Bộ GTVT sẽ đồng loạt khởi công 3 dự án cao tốc Bắc-Nam bằng vốn đầu tư công. Tuy nhiên, hiều ý kiến lo ngại sẽ nảy sinh “phí chồng phí” khi đưa vào hoạt động.
Bộ GTVT đang nghiên cứu đề án để có thể thực hiện thu phí phương tiện với các tuyến đường cao tốc đầu tư bằng ngân sách nhà nước, vừa đảm bảo thu hồi vốn tái đầu tư vừa đảm bảo để phí không chồng phí. Do theo Luật Giao thông đường bộ 2008, các tuyến đường đầu tư bằng ngân sách sẽ không thu phí theo từng dự án, mà thu qua đầu phương tiện ô tô khi đăng kiểm.
Đại diện Bộ Giao thông nói gì?
Theo đúng dự kiến, ngày mai (30/9), 3 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - QL45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây đã được Quốc hội chuyển từ hình thức đối tác công tư (PPP) sang đầu tư công sẽ đồng loạt khởi công.
Tại buổi họp báo về tình hình triển khai các dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông của Bộ GTVT sáng 26/9, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, việc thu phí cao tốc hiện còn nhiều quan điểm, mô hình các nước cũng khác nhau. Chẳng hạn tại Anh không thu phí, song Nhật vẫn thu phí cao tốc.
Ở nước ta thì chưa quy định đồng bộ, hiện vẫn hiểu là đã đầu tư bằng ngân sách sẽ không thu phí, nhưng thực tế, nguồn lực đầu tư nhà nước có hạn, thu thuế cũng có hạn, chỉ đầu tư được quốc lộ cơ bản.
Giống như bệnh viện, Nhà nước đầu tư cơ bản, còn muốn cao hơn thì tư nhân đầu tư và phải bỏ phí nhiều hơn. Cao tốc là đường có tính thương mại cao, an toàn, cạnh tranh hơn, nên người sử dụng phải trả tiền cho việc đó, còn không bỏ tiền thì đi đường khác, như QL1.
Các dự án đối tác công tư (PPP) thì Nhà nước vẫn đóng góp, vẫn là thuế của dân, phần nhà đầu tư đưa vào thì thu hồi, còn đường của Nhà nước mãi mãi. Hiện, dự thảo luật Giao thông đường bộ sửa đổi đã bổ sung đường cao tốc sẽ thu phí.

Các giai đoạn xây dựng cao tốc Bắc Nam
Trên thực tế, khi hình thành Quỹ bảo trì đường bộ, các trạm thu phí bằng ngân sách đã được xoá bỏ, vì thế, việc thu phí trên các tuyến cao tốc do ngân sách đầu tư sẽ sinh ra phí chồng phí. Trước vấn đề này, lãnh đạo Bộ GTVT cho rằng, hiện phí bảo trì đường bộ các xe đang đóng hàng năm là thu để bảo trì cho toàn bộ các đường khác nhau, gồm đường xã, thôn, tỉnh, huyện; có nước thu qua xăng dầu, có nước thu theo tải trọng xe. Còn với cao tốc, nếu sử dụng thì phải trả phí riêng cho đoạn đường đó, để bảo trì và thu hồi vốn đầu tư để nhà nước đầu tư cho các tuyến đường mới. Còn nếu người dân không trả phí thì đi các tuyến quốc lộ khác, nên không phải phí chồng phí.
Từ ngày 2-5/10 tới sẽ chấm thầu lựa chọn nhà đầu tư, quá trình đấu giá thầu sẽ mất 2-3 tháng sẽ công bố, sau đó ký hợp đồng. Các nhà đầu tư, phải hiện thực hoá các cam kết tổng hồ sơ thầu thành hợp đồng. Nếu trong vòng sáu tháng ký hợp đồng mà nhà đầu tư không có hợp đồng tín dụng sẽ huỷ kết quả nhà thầu.
Song, lãnh đạo Bộ GTVT thừa nhận, hiện nay tín dụng cho năm đoạn cao tốc này rất khó khăn, trong bối cảnh Luật PPP đang xây dựng và các ngân hàng thương mại thắt chặt tín dụng cho hạ tầng giao thông
Còn theo ông Lê Kim Thành -Vụ trưởng Vụ Đối tác Công tư PPP, Bộ Giao thông vận tải thì: Tại Nghị quyết 52/2017, Quốc hội đã nêu rõ, đối với giá dịch vụ sử dụng đường bộ của các dự án cao tốc Bắc - Nam đầu tư theo hình thức PPP được xác định theo nguyên tắc mức giá khởi điểm và mức giá cho từng thời kỳ. Ba dự án cao tốc bằng vốn đầu tư công sau khi hoàn thành sẽ tiến hành thu phí với mức dự kiến từ 1.500-2.000 đồng/km.
Còn đối với các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam sử dụng 100% vốn đầu tư công thì nghiên cứu các phương án thu phí hợp lý để thu hồi vốn cho Nhà nước bên cạnh việc chuẩn bị đầu tư và khởi công xây dựng 6 đoạn đầu tư công trên tuyến cao tốc Bắc – Nam. Đề án sẽ được Bộ GTVT báo cáo Chính phủ để trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội bổ sung vào danh mục phí và lệ phí.
Hiện cả nước có 2 tuyến cao tốc đầu tư bằng ngân sách nhưng không thu phí, là tuyến Nhật Tân - Nội Bài (Hà Nội), và tuyến TPHCM - Trung Lương. Trong đó, tuyến TPHCM - Trung Lương trước đó được nhượng quyền thu phí cho Cty Yên Khánh, khi hết hợp đồng thu phí nhượng quyền, công ty này trả lại và dừng thu phí từ đầu năm 2019 tới nay, hiện tuyến đường đã bắt đầu xuống cấp, thường xuyên tắc nghẽn, nhưng thiếu vốn bảo trì. Bộ GTVT đã kiến nghị Thủ tướng cho phép thu phí trở lại tuyến cao tốc này, để tạo nguồn vốn cho công tác duy tu, bảo dưỡng.
Nhà thầu chậm tiến độ sẽ bị xử phạt thế nào?
Giải thích thêm về vấn đề thu phí cao tốc, ông Lê Kim Thành, Vụ trưởng Vụ đối tác công tư PPP, Bộ GTVT, cho rằng sẽ xác định giá khởi điểm và giá từng thời kỳ. Bộ GTVT đang phối hợp Bộ Tài chính để tính toán phương án thu phí các dự án sử dụng vốn ngân sách, sớm trình Chính phủ và báo cáo Thường vụ Quốc hội để bổ sung và danh mục phí và lệ phí, tập trung trước tiên vào các dự án cao tốc, do có lựa chọn cho người dân.

Về hình thức xử phạt với các nhà thầu chậm tiến độ, ông Nguyễn Duy Lâm, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông, cho biết: Đối với 3 dự án trên, điều kiện về mặt bằng đến nay đã được trên 90%, đến khi bàn giao cho nhà thầu thi công cơ bản đạt 100% nên việc ảnh hưởng về mặt bằng đến tiến độ thi công của nhà thầu tham gia dự án này gần như đã được hạn chế tối đa.
Theo hồ sơ mời thầu, mỗi ngày chậm tiến độ nhà thầu sẽ bị phạt 0,05% giá trị hợp đồng, tổng giá trị phạt tối đa 12% giá trị hợp đồng. Ngoài ra, quy định lần 1 là nhắc nhở, lần 2 là khiển trách và xem xét điều chuyển khối lượng trong liên danh, lần 3 có thể chấm dứt hợp đồng và phạt.
Theo ông Dương Viết Roãn, Giám đốc Ban quản lý dự án Thăng Long, trong quá trình chấm thầu, Ban đều điện hỏi Bộ Công an để lấy thông tin các nhà thầu, đảm bảo các nhà thầu không có vi phạm bị khởi tố.
Tháng 6-2020, Quốc hội có nghị quyết về việc chuyển đổi từ phương thức đầu tư hợp tác công - tư (PPP) sang đầu tư công của ba dự án thành phần trên của tuyến cao tốc bắc - nam. Bộ GTVT thực hiện thẩm quyền trách nhiệm của người quyết định đầu tư, bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch, giám sát, quản lý và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư. Ngay sau khi Quốc hội, Chính phủ có nghị quyết chuyển đổi hình thức đầu tư, Bộ GTVT đã kịp thời thẩm định, phê duyệt điều chỉnh dự án, kế hoạch lựa chọn nhà thầu, thiết kế kỹ thuật, dự toán, hồ sơ mời thầu các gói thầu thuộc dự án, bảo đảm tuân thủ trình tự và quy định pháp luật về quản lý dự án đầu tư xây dựng, quy định về đấu thầu. Bộ GTVT đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án (QLDA) Thăng Long và Ban QLDA 7, cơ quan đại diện chủ đầu tư tại các dự án, tập trung đánh giá hồ sơ dự thầu để lựa chọn được nhà thầu đáp ứng yêu cầu. Đến thời điểm này, cả ba dự án đã đủ điều kiện để khởi công xây dựng. |
Nguyễn Dung