Dự án BOT cao tốc hơn 11.000 tỷ đồng tại Lạng Sơn tìm được nhà đầu tư

Đông Bắc 15:05 | 12/04/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
UBND tỉnh Lạng Sơn vừa có Quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT).

 

Ngày 11/4, UBND tỉnh Lạng Sơn có quyết định số 688/QĐ –UBND phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án tuyến  Cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng theo hình thức BOT.

Theo đó, Liên danh Công ty cổ phần xây dựng Đèo Cả - Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả - Công ty cổ phần xây dựng công trình 568 - Công ty cổ phần LIZEN được chọn là nhà đầu tư Dự án với tổng mức đầu tư 11.024,723 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước tham gia là 5.495,723 tỷ đồng; vốn nhà đầu tư chịu trách nhiệm thu xếp là 5.529 tỷ đồng.

 

 Phối cảnh cao tốc Chi Lăng - Lạng Sơn. Ảnh CTTĐT Lạng Sơn.

Giá trị phần vốn nhà nước hỗ trợ xây dựng công trình (không bao gồm chi phí của cơ quan có thẩm quyền, cơ quan ký hợp đồng, bên mời thầu, chi phí của hội đồng thẩm định, đơn vị được giao nhiệm vụ thẩm định và chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư) là 3.718,747 tỷ đồng.

Dự án dự kiến hoàn thành trong năm 2026; thời gian thu phí và vận hành khai thác là 25 năm 7 tháng 26 ngày.

Trước đó, cuối quý IV/2023, UBND tỉnh Lạng Sơn đã có quyết định phê duyệt Dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng theo hình thức hợp đồng BOT.

Dự án có tổng chiều dài khoảng 59,87 km, bao gồm tuyến cao tốc Cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng, chiều dài khoảng 43,43km. Điểm đầu dự án tại km 1 + 800, lý trình QL1 kết nối với đường vào Cửa khẩu Hữu Nghị, thuộc địa phận thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc; điểm cuối tại Km44 + 749,67, lý trình tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, thuộc xã Mai Sao, huyện Chi Lăng; tuyến kết nối Cửa khẩu Tân Thanh và Cửa khẩu Cốc Nam chiều dài khoảng 16,44 km.

Giai đoạn hoàn chỉnh, tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng có quy mô 6 làn xe, bề rộng nền đường 32,25 m; giai đoạn phân kỳ, đầu tư với quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17 m. Tuyến kết nối cửa khẩu Tân Thanh và cửa khẩu Cốc Nam có quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 22m; giai đoạn phân kỳ, đầu tư với quy mô 2 làn xe, bề rộng nền đường 14,5m.

Trên toàn tuyến sẽ xây dựng 5 trạm thu phí, gồm 2 trạm đặt trên tuyến chính của cao tốc và 3 trạm đặt trên tuyến nhánh tại các nút giao và điểm ra vào cao tốc, phù hợp với hình thức thu phí tự động không dừng.

Theo UBND tỉnh Lạng Sơn, dự án cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng sẽ là cầu nối quan trọng của tuyến hành lang kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc) - Lạng Sơn - Hải Phòng - Quảng Ninh, nhằm tạo ra hành lang kinh tế xuyên Á, tạo lợi thế để Việt Nam là cửa ngõ giao lưu thương mại với Trung Quốc và khu vực Đông Nam Á.