3 phương án cho dự án cao tốc TP. HCM - Bình Dương - Bình Phước
Theo Bộ Giao thông vận tải, tuyến cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một (Bình Dương) - Chơn Thành (Bình Phước) đang được đơn vị tư vấn lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Theo báo đấu thầu Bộ Giao thông Vận tải đã cho biết, quy hoạch hệ thống đường cao tốc Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được phê duyệt tại Quyết định số 326/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 1/3/2016 chỉ rõ: tuyến đường cao tốc TP. HCM - Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) - Chơn Thành (tỉnh Bình Phước) thực hiện trong giai đoạn trước năm 2030 với 69 km tổng chiều dài, với tổng mức đầu tư khoảng 24.151 tỷ đồng.
3 phương án cho dự án cao tốc TP. HCM- Bình Dương- Bình Phước (ảnh minh họa)
Tuyến cao tốc TP. HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành được đề xuất theo hình thức PPP và hợp đồng BOT (có sự hỗ trợ của nhà nước) được xem là phù hợp với chủ trương xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng nhằm giảm áp lực đầu tư từ ngân sách nhà nước, phù hợp với định hướng huy động nguồn lực và phù hợp với hình thức đầu tư quy định tại Nghị định số 63/2018/NĐ-CP ngày 4/5/2018 của Chính phủ.
Dự án cao tốc tốc TP. HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành dự kiến có quy mô 6-8 làn xe. Theo chi tiết quy hoạch đường Hồ Chí Minh, Thủ tướng đã chấp thuận đầu tư tuyến cao tốc này trong giai đoạn 3 của kế hoạch phân kỳ đầu tư sau năm 2020.
Theo VietnamFinance hiện tại tuyến cao tốc TP. HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành đang được Bộ Giao thông Vận tải giao Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đơn vị tư vấn đã đề ra 3 phương án đầu tư:
Phương án 1: tuyến có điểm bắt dầu tại Bình Chuẩn, điểm kết thúc tại Chơn Thành đi theo hướng tuyến của của đường Mỹ Phước – Tân Vạn, với chiều dài 55,6 km, và tổng mức đầu tư 33.000 tỷ đồng.
Phương án 2: tuyến có điểm bắt đầu tại nút giao An Phú, điểm kết thúc tại Chơn Thành, đi theo Tỉnh lộ 745, 743, có tổng mức đầu tư khoảng 27.600 tỷ đồng.
Phương án 3: tuyến có điểm bắt đầu tại Bình Chuẩn, điểm kết thúc tại Chơn Thành, đi theo hành lang đường sắt quy hoạch TP. HCM – Lộc Ninh, có chiều dài 55,8 km, tổng mức đầu tư dự kiến là 21.600 tỷ đồng.
Các địa phương đã đề xuất, đầu tư dự án này theo hình thức đối tác công tư (PPP), Bộ Giao thông Vận tải cho rằng phương án này là phù hợp với chủ trương xã hội hóa và giảm áp lực đầu tư từ ngân sách nhà nước.
Nguyễn Triệu