5 giải pháp để doanh nghiệp có thể “sống chung với COVID-19”

09:50 | 09/08/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Bộ trưởng Công Thương khẳng định, dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp và chưa có cơ sở nào đảm bảo khi nào kết thúc, do vậy, cần phải tính đến kịch bản xấu nhất là “phải sống chung với COVID-19.

Chúng ta không sản xuất bằng mọi giá mà phải bằng mọi cách để làm sao vừa phòng chống dịch nhưng vừa thực hiện mục tiêu sản xuất kinh doanh đồng thời lưu thông hàng hóa, vì mục tiêu kép này là điều kiện thúc đẩy lẫn nhau và không thể tách rời. Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã đề xuất tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các doanh nhân, đại diện doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp và bộ, ngành, địa phương ngày 8/8 vừa qua do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì.

5 giải pháp để doanh nghiệp có thể “sống chung COVID-19”

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã chia sẻ, giải đáp những câu hỏi mà các hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp đưa ra liên quan đến tình hình cung ứng hàng hóa, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản, an toàn trong sản xuất và vấn đề ưu tiên tiêm vaccine…

Bộ trưởng đề nghị các địa phương phải thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ về vấn đề lưu thông hàng hóa trên tinh thần hàng hóa nào cũng là thiết yếu, chỉ trừ hàng cấm; không đặt ra các điều kiện, yêu cầu khác biệt, gây ách tắc lưu thông.

Đối với kiến nghị của doanh nghiệp về giảm giá điện, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định sẽ làm việc với EVN để xem xét, giải quyết, nhất là giảm giá điện cho nhóm ngành chế biến nông, thủy sản theo ý kiến đề xuất của nhiều doanh nghiệp tại Hội nghị.

Chia sẻ với những khó khăn mà doanh nghiệp đang đối mặt, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, việc thực hiện mục tiêu kép là chủ trương đúng bởi nếu không phòng chống dịch bệnh thì chúng ta không đủ điều kiện về sức khoẻ an toàn để sản xuất. Tương tự, nếu dừng sản xuất, dừng giao thương thì không đảm bảo được mục tiêu duy trì nền kinh tế, duy trì thị trường, không những chúng ta không có nguồn lực để chống dịch mà nguy cơ lớn hơn là mất thị trường, sẽ bị bỏ lại phía sau, trong khi nhiều nước trên thế giới đang tăng tốc.

“Tổng cầu đang lên, thế giới đang trên đà hồi phục, chúng ta không giữ vững thị trường lúc này thì sẽ mất rất nhiều cơ hội khác và sẽ bị tụt lại phía sau”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu thực tế và mong muốn: Cộng đồng doanh nghiệp hãy đồng hành cùng nhà nước, các cơ quan chức năng trong việc thực hiện “mục tiêu kép”. Doanh nghiệp cần chủ động hơn nữa trong việc đề xuất giải pháp, nêu những vướng mắc phát sinh từ thực tiễn để các cơ quan có thẩm quyền kịp thời tháo gỡ.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp và chưa có cơ sở nào đảm bảo khi nào kết thúc, do vậy, cần phải tính đến kịch bản xấu nhất là “phải sống chung với COVID-19 ”. Từ đó, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã đưa ra 5 đề xuất:

Một là các địa phương tiếp tục thực hiện thật nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về vấn đề lưu thông hàng hóa, nhất là hàng hoá thiết yếu. Các quy định cần được thực hiện nhất quán tại các địa phương chứ không nên để tình trạng mỗi nơi một quy định, gây cản trở người dân, doanh nghiệp trong việc tiếp cận hàng hoá.

Hai là, doanh nghiệp cần tuân thủ đầy đủ các quy định về an toàn phòng chống dịch bệnh, an toàn sản xuất. “Chúng ta không sản xuất bằng mọi giá mà phải làm bằng mọi cách để làm sao vừa phòng chống dịch nhưng vừa thực hiện mục tiêu sản xuất kinh doanh, vì hai mục tiêu này là điều kiện thúc đẩy lẫn nhau và không thể tách rời”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Ba là, cần phải đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine cũng như tạo điều kiện xét nghiệm thường xuyên định kỳ cho người lao động, để doanh nghiệp sớm quay lại sản xuất. Khi vaccine được phủ sóng rộng khắp, người lao động được an toàn, khi đó, hoạt động của doanh nghiệp mới được đảm bảo, ổn định và liên tục. “Tiến độ tiêm vaccine cần phải được đẩy nhanh, bởi chúng ta chỉ an toàn khi tất cả được an toàn. Khi tất cả người lao động được tiếp cận vaccine, được an toàn thì doanh nghiệp ở trong vùng dịch hay ngoài vùng dịch đều có thể yên tâm sản xuất”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói.

Bốn là, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị Chính phủ chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp trên cơ sở thỏa thuận với người lao động để có thể tăng giờ làm một cách hợp lý, tận dụng cơ hội khi tổng cầu thế giới đang lên cũng như bù lại khoảng thời gian mà vì dịch bệnh, doanh nghiệp phải ngừng sản xuất.

Cuối cùng, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị Chính phủ cần khẩn trương có chính sách hỗ trợ để các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp tư nhân thu mua nông sản và tạm trữ lương thực cho người dân. Hiện nay, lúa gạo ở các tỉnh phía Nam, nhất là Đồng Bằng sông Cửu Long đang vào vụ. Việc thu mua nông sản không chỉ nhằm tháo gỡ khó khăn cho người dân mà doanh nghiệp còn có thể coi đây là nguồn nguyên liệu đầu vào dự trữ khi các nhà máy chế biến nông sản, thuỷ sản khôi phục lại sản xuất. Nếu như doanh nghiệp tư nhân thu mua sẽ thuận lợi hơn bởi sẽ bớt được các thủ tục cũng như những ràng buộc khác.

5 giải pháp để doanh nghiệp có thể “sống chung với COVID-19” - ảnh 1

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao đổi với các doanh nghiệp, hiệp hội tại cuộc họp, Thủ tướng mong muốn cần nâng cao chất lượng quản trị, chất lượng hoạt động và khả năng chống chọi với những cú sốc bên trong và bên ngoài để phát triển bền vững và bài bản.

 Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ Hội nghị đã thống nhất nhận thức, quan điểm, một số nhiệm vụ, giải pháp và cách tổ chức thực hiện để vừa chống dịch thành công, vừa có thể phát triển kinh tế xã hội.

Thủ tướng nêu rõ, công tác chống dịch hiện nay chưa có tiền lệ, ban đầu có những lúng túng, bị động nhất định, nhưng nếu chúng ta bình tĩnh, kiên định, sáng suốt thì sẽ tìm được giải pháp, hướng đi, như “ba tại chỗ”, “một cung đường, hai điểm đến”..., vừa tham khảo kinh nghiệm các nước, vừa tổng kết từ các mô hình hay tại các địa phương, điều chỉnh, hoàn thiện dần. Thực tế, nhiều địa phương đã có giải pháp linh hoạt, sáng tạo, đạt tăng trưởng khá trong nửa đầu năm như Vĩnh Phúc tăng 14,2%; Hải Phòng tăng 13,52%; Hà Nam tăng 10,41%; Bắc Giang tăng 10,2%...

Thủ tướng Chính phủ sẽ thành lập Tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Vừa qua, Chính phủ đã phân công nhiệm vụ rất cụ thể cho Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng và sẽ tiếp tục điều chỉnh, bổ sung phù hợp thực tiễn, trên tinh thần phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân, tăng cường giám sát, kiểm tra.

Cụ thể, Bộ Công Thương nhanh chóng triển khai các giải pháp kết nối tiêu thụ hàng hóa. Bộ NN&PTNT triển khai các giải pháp bảo đảm sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, nhất là bảo đảm nguyên liệu, sản xuất liên tục cho các sản phẩm tiêu dùng ở những nơi thực hiện giãn cách xã hội; Bộ KH&ĐT với vai trò là cơ quan thường trực của Tổ công tác đặc biệt, tiếp tục nắm bắt tình hình khó khăn của doanh nghiệp, tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ những giải pháp kịp thời, cấp bách…

 5 giải pháp để doanh nghiệp có thể “sống chung với COVID-19” - ảnh 2

mỗi người dân khỏe mạnh, mỗi doanh nghiệp khỏe mạnh thì đất nước khỏe mạnh. Chúng ta phải tiếp tục, kiên trì giải pháp đã đề ra. Trong lúc này, ưu tiên số 1 trên cả nước là khống chế, ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh, những nơi nào an toàn thì tiếp tục duy trì và đẩy mạnh sản xuất.

5 giải pháp để doanh nghiệp có thể “sống chung với COVID-19” - ảnh 3 Đẩy mạnh thực hiện chiến lược vaccine. Cùng với đó, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, nghiên cứu và sản xuất vaccine trong nước. Đồng thời, tổ chức thực hiện chiến dịch tiêm chủng vaccine miễn phí cho người dân, điều chỉnh các đối tượng, địa bàn ưu tiên cho phù hợp với thực tế, mục tiêu cuối cùng là hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu của cuộc sống.


Cấp bách trong kết nối tiêu thụ, xuất khẩu hàng hóa

Khẩn trương tháo gỡ khó khăn về tiêu thụ nông sản, thủy sản của các tỉnh khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp bằng những giải pháp hiệu quả, đồng bộ và mang tính kết nối cao từ các cơ quan quản lý đến các địa phương.

Thông tin về lượng hàng hóa nông sản, thủy sản cần được hỗ trợ tiêu thụ tại 26 tỉnh, thành phố phía Nam, miền Trung, Tây Nguyên và một số tỉnh phía Bắc có gần 5 triệu tấn lúa; 3,7 triệu tấn rau, củ quả; hơn 4 triệu tấn các loại trái cây như: thanh long, sầu riêng, bơ, nhãn, xoài, bưởi, cà phê, dứa, ca cao… khoảng 120.000 tấn hải sản, 80.000 tấn lợn hơi, 600.000 tấn thịt gà và khoảng 400 triệu quả trứng…

Số lượng nông sản trên là rất lớn, do vậy, câu hỏi đặt ra là cách nào giải quyết khâu đầu ra cho nông sản ở các tỉnh thành hiện nay. Vẫn trên quan điểm nhất quán, thị trường nội địa rất quan trọng, với tỷ lệ dân số vàng hơn 100 triệu dân, nên cần được ưu tiên, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19  đang diễn biến phức tạp. Khi xác định thị trường nội địa là trọng tâm sẽ từng bước tạo được thói quen tiêu dùng hàng Việt của người Việt, qua đó, nâng cao uy tín hàng hóa trong nước, tiến tới giảm nhập khẩu các mặt hàng trong nước đang có lợi thế.

5 giải pháp để doanh nghiệp có thể “sống chung với COVID-19” - ảnh 4

Do vậy, để tháo gỡ khó khăn trong khâu kết nối tiêu thụ, xúc tiến xuất khẩu, lãnh đạo các tỉnh Long An, Cà Mau, Đắk Lắk đề xuất: các tỉnh, thành phố cần có sự phối hợp, thống nhất các giải pháp hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm của nhau. Trước mắt, tỉnh Cà Mau đề nghị mỗi tỉnh cử ra một đầu mối để liên hệ, kết nối vấn đề tiêu thụ sản phẩm, như: rà soát, xác định danh mục, sản lượng dự kiến các loại sản phẩm hàng hóa nông, lâm thủy sản cần bán, cần mua. Đồng thời tăng cường các hoạt động xúc tiến, kết nối giữa nhà sản xuất, cung ứng với các nhà phân phối, các tổ chức xúc tiến thương mại trong nước ở các địa phương.

Đặc biệt, hai bên đang phối hợp xây dựng sàn giao dịch nông sản, hỗ trợ liên kết trao đổi thông tin, tăng tiêu thụ nông sản, thủy sản của các địa phương trên nền tảng Thương mại điện tử. Cùng với đó, đơn vị liên tục điều chỉnh chính sách thu mua, phù hợp với từng thời điểm, chia sẻ khó khăn với người nuôi trồng.

Lưu ý các doanh nghiệp, nhà sản xuất khi xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Nhật Bản, Đại diện Công ty KOME (Nhật Bản) khuyến cáo, các nhà sản xuất, chế biến nông thủy sản Việt Nam cần có công bố sản phẩm ghi chi tiết về thành phần sản phẩm gồm các nguyên liệu, chất phụ gia sử dụng. Đặc biệt, các doanh nghiệp Việt Nam phải duy trì được chất lượng sản phẩm, giá bán và nâng cấp quy trình xuất khẩu hàng hóa theo cách chuyên nghiệp…

Đưa ra giải pháp hỗ trợ các địa phương xuất khẩu hàng hóa, từ góc độ thương vụ, Tham tán Thương mại Bùi Vương Anh - Thương vụ Việt Nam tại CHLB Đức cho rằng, tiềm năng của thị trường Đức còn rất lớn. Với việc tận dụng tốt các cơ hội từ các hiệp định, các cam kết đã ký kết, các sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu của Việt Nam nói chung, của khu vực Nam bộ và Tây Nguyên nói riêng sẽ có cơ hội thâm nhập được sâu, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường tương đối khó tính này.

Trong thời gian tới, Thương vụ sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Cục Xúc tiến thương mại để đưa các sản phẩm xuất khẩu tiêu biểu của Việt Nam lên các kênh thương mại uy tín; tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp sử dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc đã được đưa vào thí điểm từ tháng 5 và nhận được nhiều đánh giá tích cực. Bên cạnh đó, Thương vụ sẽ xây dựng cũng như áp dụng hiệu quả mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn, kết hợp văn hóa lịch sử, dấu ấn văn hóa trên nền tảng số (bên cạnh mô hình truyền thống) để quảng bá, góp phần tích hợp đa giá trị vào sản phẩm xuất khẩu.

Làm sao để tiêu thụ nông sản?

Theo ông Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, để cắt đứt đà giảm của giá lúa gạo vụ hè thu 2021, cần tăng cường trách nhiệm của địa phương về khâu liên kết, lưu thông giữa các doanh nghiệp.

Ông Trần Anh Thư- Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang- cho rằng, theo thông lệ hàng năm, cứ thời điểm chính vụ giá lúa Hè Thu sẽ giảm hơn so với mặt bằng. Nguyên nhân do lúa Hè Thu chất lượng giảm, chi phí logistics, sấy tăng nên các doanh nghiệp có xu hướng giảm giá thu mua 1 chút. Đối với vụ mùa năm nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội, doanh nghiệp phải thực hiện "3 tại chỗ", năng lực sản xuất giảm khiến giá lúa giảm trong 2 tuần gần đây. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp đăng ký mua lúa cho nông dân song họ vẫn còn tâm lý chờ đợi, chờ cho giá xuống thấp để bắt đáy, có hiệu quả lợi nhuận cao hơn.

Liên quan đến vấn đề vận chuyển, ông Trần Anh Thư cho rằng, giữa các địa phương cần thống nhất việc kiểm soát phương tiện đi mua lúa, tạo điều kiện cho thương lái đi thu mua. Tình hình ùn tắc hàng hóa tại cảng Cát Lái, khi dung lượng dành cho hàng nhập chạm ngưỡng 100% công suất, lượng container tồn bãi gần hết công suất. Khiến nhiều tàu phải nằm chờ ở bên ngoài đợi vào lấy gạo, phải có phương án cho tàu vào lấy gạo thì doanh nghiệp mới tháo gỡ được gạo trong kho, sau đó mới đi mua tiếp cho nông dân. “Logistics tháo gỡ thì mới có thể tháo gỡ ách tắc gạo ở trong kho và dòng vốn của doanh nghiệp. Doanh nghiệp mới có thể thu mua lúa mới”, ông Trần Anh Thư nói.

5 giải pháp để doanh nghiệp có thể “sống chung với COVID-19” - ảnh 5

Còn theo ông Phạm Thái Bình- Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, trừ những diện tích lúa có ký hợp đồng với doanh nghiệp thì sẽ được bao tiêu, còn lại đa phần nông dân phụ thuộc vào thương lái. Do đó, nông dân - thương lái - doanh nghiệp là chuỗi mắt xích không thể tách rời trong chuỗi cung ứng lúa gạo. Do vậy, cần đẩy mạnh thu mua tạm trữ lúa của vụ hè thu, bởi nếu không khắc phục kịp sẽ ảnh hưởng đến sản lượng lúa vụ Thu Đông.

Phát biểu về vấn đề này, ông Đỗ Thắng Hải- Thứ trưởng Bộ Công Thương nhận định, đối với vụ lúa Hè Thu, thông thường việc giá cả sẽ do yếu tố cung và cầu. Tuy nhiên, năm nay có đặc biệt đó là trong bối cảnh dịch COVID-19. Do đó, cần đánh giá tổng thể hơn và gắn với dịch COVID-19.

Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẳng định, chính sách ưu tiên vốn tín dụng cho ngành hàng lúa gạo đã có. Thời gian qua, hạn mức tín dụng chung của cả vùng đồng bằng sông Cửu Long tăng 17% chủ yếu để thu mua lúa gạo, các ngân hàng thương mại cũng khẳng định nguồn vốn không thiếu. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại cơ cấu lại nợ, lãi đến hạn của các doanh nghiệp lúa gạo do tác động của dịch chưa trả được.

Theo ông Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, để cắt đứt đà giảm của giá lúa gạo vụ hè thu 2021, cần tăng cường trách nhiệm của địa phương về khâu liên kết, lưu thông giữa các doanh nghiệp. Các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp, thương lái đi thu mua, vận chuyển lúa; tích cực hỗ trợ cho các doanh nghiệp.

Ông Lê Minh Hoan đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long chỉ đạo Sở NN&PTNT, chính quyền địa phương thành lập các Tổ công tác hỗ trợ thúc đẩy sản xuất, kết nối tiêu thụ nông sản; thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận thông tin, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc phát sinh cho tổ chức, cá nhân trong sản xuất, thu hoạch, vận chuyển nông sản, vật tư nông nghiệp. Các doanh nghiệp cần chủ động hơn 1 bước nữa để tự gỡ cho mình và gỡ cho địa phương. Ngân hàng hỗ trợ lãi suất để doanh nghiệp tăng cường mua lúa cho dân.

Ly Na