Sức mua giảm tốc, triển vọng nào cho các doanh nghiệp bán lẻ, tiêu dùng trong nửa cuối 2023?

Thùy Dương 10:47 | 11/07/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Yếu tố nền thấp dần mất đi đã giúp tăng trưởng tổng mức bán lẻ 6 tháng đầu năm về mức bình thường. Các chuyên gia kỳ vọng tăng trưởng biên lợi nhuận cho mảng tiêu dùng thiết yếu từ năm sau, bên cạnh sự phục hồi mảng tiêu dùng không thiết yếu sau khi duy trì KQKD ở mức thấp trong nửa cuối năm nay.

Tổng mức bán lẻ về mức tăng bình thường, yếu tố nền thấp dần mất đi

Báo cáo từ Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 6 ước đạt 505,7 nghìn tỷ đồng, tăng 0,5% so với tháng trước và tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý II/2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 1.520,2 nghìn tỷ đồng, tăng 1,6% so với quý trước và tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 3.016,8 nghìn tỷ đồng, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 12,2%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 8,4%, tương đương cùng kỳ năm 2022.

Theo giá hiện hành, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2023 có quy mô cao hơn nhưng tốc độ tăng thấp hơn cùng kỳ năm trước. 

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm các năm 2019 - 2023.
Nguồn: Tổng cục Thống kê.

Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 2.377,2 nghìn tỷ đồng, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước (loại trừ yếu tố giá tăng 7,7%). Trong đó, nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 13,5%; may mặc tăng 9,5%; vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 9,3%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 4%; phương tiện đi lại (trừ ô tô) tăng 2,5%.

Đánh giá về bức tranh tiêu dùng 6 tháng đầu năm, PGS TS Đinh Trọng Thịnh chia sẻ trên Tạp chí điện tử Doanh nhân Việt Nam, "Rõ ràng 6 tháng đầu năm vừa qua, chúng ta có thể thấy mặc dù khối lượng tương đối lớn nhưng tốc độ tăng trưởng không cao đã thể hiện sự khó khăn trong toàn bộ quá trình cung ứng của thị trường." 

Theo ông Thịnh, tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có cả thu nhập của người dân cũng như mức độ hạ giá bán các sản phẩm hàng hóa, cùng với các yêu cầu từ khâu phân phối. Hiện nay, tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người chưa cao, tiếp đó là giá hàng hóa trong thời gian vừa qua cũng cao hơn mức bình thường dẫn đến mức tăng trưởng chung cho ngành thương mại dịch vụ này chưa rõ rệt. 

Chung nhận định, theo báo cáo Triển vọng nửa cuối năm 2023 từ CTCK Bảo Việt (BVSC) ngày 6/7, nhóm phân tích đánh giá nền kinh tế khó khăn đã ảnh hưởng đến thu nhập người lao động, từ đó hình thành xu hướng tiêu dùng thận trọng hơn. Nếu xét trên khía cạnh vẫn còn hiệu ứng nền thấp từ cả bán lẻ hàng hoá và dịch vụ (mở cửa từ cuối 2021) thì tăng trưởng thực tế thấp hơn đáng kể so với mức bình quân những năm trước dịch.

Đánh giá thêm về tình hình kinh doanh, nhóm phân tích BVSC cho biết các doanh nghiệp F&B (Food and Beverage) là loại hình dịch vụ kinh doanh ẩm thực, nhà hàng, ăn uống thuộc mảng tiêu dùng thiết yếu trong 6 tháng qua vẫn còn khó khăn do giá đầu vào giảm dẫn đến biên lợi nhuận chạm đáy. Bên cạnh việc tiếp tục chuyển dịch sang bán lẻ hiện đại và online, các chuỗi bách hóa hầu như chưa có lợi nhuận vì vẫn đang tìm mô hình phù hợp để phát triển. 

 Nguồn: BVSC

 Nguồn: BVSC

 Nguồn: BVSC (BHX: Bách hóa xanh)

Cùng nhận thấy vấn đề về mạng lưới cung ứng hàng hóa, theo ông Thịnh, gần đây, mạng lưới bán lẻ hàng hóa tiêu dùng của nước ta đã ghi nhận nhiều hoạt động tăng trưởng và phát triển. Tuy nhiên, điều đó chưa đáp ứng rõ nét mong muốn của tầng lớp dân cư. "Có thể thấy, việc quảng bá và hậu mãi sản phẩm,... chưa thực sự phát triển, minh chứng là con số 6,5% (tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng 6). Trước đây, chỉ tiêu này đã từng đạt 15 - 20%. Như vậy, mức tăng trưởng chưa cao phần nào cho thấy những vấn đề tiềm ẩn trong cung ứng." 

Về mảng tiêu dùng không thiết yếu, BVSC cho rằng nhu cầu vẫn trì trệ, doanh nghiệp hàng xa xỉ phẩm với đại diện là CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (HOSE: PNJ) có dấu hiệu bị tác động khi liên tiếp ghi nhận doanh thu âm từ tháng 2 đến tháng 5 vừa qua. Điều này cho thấy nhóm khách hàng trung lưu và giàu có đang trở nên thận trọng hơn trong chi tiêu.

 

Kỳ vọng toàn ngành phục hồi rõ rệt từ 2024

Về triển vọng ngắn hạn, PGS TS Đinh Trọng Thịnh kỳ vọng những giải pháp của Quốc hội Chính phủ như hạ thuế VAT 2% với nhiều mặt hàng, kết hợp sự quay trở lại nắm bắt thị trường trong nước của các doanh nghiệp, ngành nghề sản xuất kinh doanh sẽ góp phần tạo ra tăng trưởng tốt hơn ở lĩnh vực bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng.

Cho mảng tiêu dùng thiết yếu, BVSC cũng kỳ vọng lợi nhuận cải thiện nhờ biên lợi nhuận phục hồi từ năm sau. Theo đó, nhóm phân tích dự báo lãi ròng của 1 số doanh nghiệp lớn trong ngành vẫn sẽ giảm đáng kể trong năm nay nhưng sẽ tăng trưởng dương vào năm 2024.

 Nguồn: BVSC

Bên cạnh đó, mảng tiêu dùng không thiết yếu được BVSC nhận định giai đoạn tồi tệ nhất đã qua nhưng cần nhiều thời gian để phục hồi.  Cụ thể, nhóm phân tích dự phóng tổng lợi nhuận ròng năm 2023 của 5 công ty thuộc ngành hàng tiêu dùng không thiết yếu sẽ giảm mạnh 38,6% so với 2022 do cả doanh thu và biên lãi đều suy yếu trong bối cảnh kinh tế chậm lại.

Theo đó, kết quả kinh doanh được kỳ vọng sẽ duy trì ở mức thấp so với cùng kỳ trong các quý còn lại của năm 2023, nhưng hầu hết các công ty sẽ thấy sự phục hồi qua từng quý trong quý II từ mức đáy của quý I.

Với kỳ vọng cải thiện bối cảnh vĩ mô và tâm lý người tiêu dùng, BVSC đưa ra dự báo tổng lợi nhuận ròng năm 2024 của 5 công ty này sẽ phục hồi 26,8% cùng kỳ, hỗ trợ bởi sự gia tăng về cả nhu cầu (nhóm phân tích dự báo tổng doanh thu tăng 12,7% so với cùng kỳ) và biên lợi nhuận. Đáng chú ý, mặc dù có sự phục hồi, dự báo con số tổng lợi nhuận 2024 của BVSC vẫn thấp hơn mức thực hiện 23,4% so với 2022, cho thấy mảng tiêu dùng không thiết yếu có thể cần nhiều thời gian hơn để phục hồi đầy đủ. 

Nguồn: BVSC