5 trường hợp được hoãn thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc
Thông tư liên tịch số 02/2020 có hiệu lực thi hành từ 1/12, có 5 trường hợp được hoãn thi hành án bằng hình thức tiêm thuốc độc.
Từ ngày 1/12, Thông tư liên tịch số 02/2020 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng - Bộ Y tế - Bộ Ngoại giao - TANDTC - VKSNDTC quy định về việc phối hợp tổ chức thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc sẽ có hiệu lực thi hành.
Cũng từ đây, Thông tư liên tịch số 05/2020 hướng dẫn tổ chức thi hành án bằng hình thức tiêm thuốc độc sẽ hết hiệu lực.
Theo Thông tư liên tịch số 02/2020, việc triển khai thi hành án tử hình được bổ sung thêm trường hợp: Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu phân công cán bộ thi hành xác định tĩnh mạch; bác sĩ pháp y của Công an cấp tỉnh, đơn vị Quân đội cấp khu vực bộc lộ tĩnh mạch của người bị thi hành án tử hình trong trường hợp không xác định được tĩnh mạch.
Về hồ sơ thi hành án tử hình, Thông tư liên tịch số 02/2020 bổ sung điểm đ Điều 10 gồm những tài liệu đối với trường hợp có yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, kiến nghị của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội và Viện trưởng VKSNDTC, đề nghị của Chánh án TANDTC xem xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán TANDTC.
Về trường hợp người bị thi hành án tử hình chết trước khi đưa ra thi hành án tử hình, Thông tư liên tịch bổ sung thêm thẩm quyền của Chánh án Tòa án đã ra quyết định thi hành án tử hình ngoài thẩm quyền của Chủ tịch Hội đồng thi hành án tử hình.
Đáng chú ý, trong Thông tư liên tịch số 02/2020 có một số điểm mới về việc hoãn thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc với các phạm nhân bị tuyên án tử hình.
5 trường hợp được hoãn thi hành án gồm: Thiên tai, hỏa hoạn hoặc có trở ngại khách quan; người bị thi hành án bị tai nạn trên đường áp giải; trang thiết bị, dụng cụ thi hành án tử hình bị hư hỏng; không xác định được tĩnh mạch; thuốc thi hành án tử hình không đúng chủng loại, chất lượng, số lượng.
Ngoài ra về việc nhận tử thi, tro cốt và hài cốt trong Thông tư liên tịch 02/2020 cũng bổ sung điểm mới ở khoản 3 Điều 13 về trường hợp người bị thi hành án tử hình là người nước ngoài.
Theo đó, Chánh án Tòa án ra quyết định thi hành án bằng văn bản cho Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao hoặc cơ quan khác được Bộ Ngoại giao ủy quyền để đề nghị cơ quan đại diện của nước mà người bị thi hành án tử hình mang quốc tịch liên hệ với thân nhân hoặc người đại diện hợp pháp của người nước ngoài bị thi hành án tử hình biết để làm đơn xin nhận tử thi, tro cốt.
Thông báo phải nêu rõ nhân thân, nơi giam giữ người bị thi hành án tử hình, địa chỉ liên lạc, các tài liệu liên quan và ấn định thời gian trả lời. Sau khi Chánh án Tòa án đã ra thông báo mà không nhận được đơn xin nhận tử thi, tro cốt của nhân thân, người đại diện pháp luật hoặc văn bản trả lời của cơ quan đại diện của nước mà người bị thi hành án tử hình mang quốc tịch thì coi như thân nhân, người đại diện hợp pháp của người bị thi hành án tử hình từ chối nhận tử thi, tro cốt.
Khoản 4 Điều 14 cũng quy định về việc thông báo địa điểm mai táng cho thân nhân hoặc người đại diện pháp luật của người đã bị thi hành án biết; thông báo cho Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao hoặc cơ quan khác được Bộ Ngoại giao ủy quyền biết đối với trường hợp người bị thi hành án tử hình là người nước ngoài. Thông tư liên tịch còn bổ sung Điều 20 nêu rõ trách nhiệm của cơ quan ngoại giao trong việc thi hành án tử hình…
Hương Quỳnh