75% doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa tiếp cận được tín dụng chính thống
Đây là nhận định được đưa ra tại hội thảo Thúc đẩy hỗ trợ chuyển đổi số và tiếp cận tài chính cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức vào sáng 26/7.
Bà Bùi Thu Thuỷ, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp cho biết, chỉ khoảng 25% doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận được nguồn tài chính chính thống. 75% còn lại phải tiếp cận từ các nguồn khác như từ bạn bè, gia đình và vay ngoài ngân hàng.
Nguyên nhân khiến doanh nghiệp khó tiếp cận được nguồn vốn chính thống từ các ngân hàng là do, năng lực tài chính của các chủ doanh nghiệp chưa cao do hạn chế về quản lý dòng tiền, về minh bạch chứng từ, báo cáo tài chính. Cùng với đó, doanh nghiệp chưa đáp ứng được điều kiện vay vốn ngân hàng do liên quan đến tài sản đảm bảo, về phương án kinh doanh khả thi, lịch sử trả nợ và các điều kiện, thủ tục vay vốn khác.
Trước nhu cầu và sự cần thiết này, Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp với USAID thông qua Dự án “Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa” (LinkSME), triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 cùng nhiều hoạt động hỗ trợ thiết thực nhằm tăng cường năng lực tiếp cận các nguồn tài chính đa dạng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Theo đó, trong năm 2021 và nửa đầu năm 2022, gần 400.000 doanh nghiệp đã được tiếp cận các tài liệu hướng dẫn chuyển đổi số, hơn 600 doanh nghiệp được đánh giá mức độ sẵn sàng và 100 doanh nghiệp được tư vấn hỗ trợ chuyên sâu.
Với tiếp cận tín dụng, 500 doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó, 14 doanh nghiệp đã được tư vấn chuyên sâu về tái cấu trúc các khoản nợ và tiếp cận tài chính với khoản vay được phê duyệt là 5 triệu USD.
Tại hội thảo, phía Cục Phát triển doanh nghiệp cũng cho biết, chương trình hỗ trợ đã cho ra mắt hai nền tảng thông tin số tích hợp các công cụ, báo cáo, tài liệu liên quan tới chuyển đổi số và tiếp cận tài chính giúp các doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng, nhanh chóng hơn.
Hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số
Chia sẻ tại hội thảo “Thúc đẩy hỗ trợ chuyển đổi số và tiếp cận tài chính cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ”, Ông Nguyễn Việt Long, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam cho biết, trong quá trình triển khai chương trình hỗ trợ chuyển đổi, có rất nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa chia sẻ những khó khăn trong việc thay đổi thói quen, tập quán của người lao động trong doanh nghiệp, đặc biệt có cả những người lãnh đạo ở tầm trung của doanh nghiệp. Họ cho rằng chưa cần thiết phải chuyển đổi số vì với cách làm truyền thống cũng đang rất “ổn”.
Với kinh nghiệm tư vấn cho nhiều doanh nghiệp thực hiện thành công chuyển đổi số trong thời gian vừa qua, ông Long cho rằng, vấn đề là chúng ta phải giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa hiểu được lý do và có thêm động lực để chuyển đổi số.
Thực tế, khi làm việc với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, ông Long nhận thấy có hai trường hợp chuyển đổi số điển hình với doanh nghiệp nông nghiệp.
Thứ nhất, việc thuyết phục doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số không khó. Vấn đề là phải lý giải cho doanh nghiệp hiểu chuyển đổi để làm gì và sẽ được cái gì. Ông Long dẫn chứng một doanh nghiệp trong ngành nông nghiệp khi tham gia chuyển đổi số cùng chương trình. Bản thân doanh nghiệp cũng đã tự đầu tư, cùng sự hỗ trợ của chương trình trong việc truy xuất nguồn gốc.
Doanh nghiệp nhận thấy lợi ích của việc truy xuất nguồn gốc khi có thể xuất khẩu nông sản sang châu Âu hay một số thị trường mới, hay đưa sản phẩm vào kênh thương mại hiện đại, như siêu thị, nhà hàng, khách sạn…
“Khi doanh nghiệp nhận thấy được lợi ích thì họ sẽ làm. Do đó, đóng góp lớn nhất của chương trình là thay đổi nhận thức cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Định nghĩa nhận thức ở đây cũng rất đơn giản, đó là lợi ích kinh tế, doanh thu, hiệu quả và quản lý”, ông Long nhấn mạnh.
Thứ hai, nếu giải thích thấu đáo doanh nghiệp sẽ thực hiện. Thời điểm đầu có sự hỗ trợ của chương trình, nhưng sau này thấy có hiệu quả về quản lý và kinh doanh doanh nghiệp sẽ phát triển.
“Qua việc đồng hành cùng chương trình, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp tôi thấy có một số trường hợp như vậy. Và đây chính là động lực của chương trình, chúng ta chỉ cần tạo động lực đầu tiên, sau đó doanh nghiệp sẽ chủ động thực hiện. Nhưng phải làm sao để doanh nghiệp nhìn thấy lợi ích”, ông Long bày tỏ.
Đồng quan điểm, bà Đặng Thuỳ Linh, Giám đốc số hoá hành chính khách hàng doanh nghiệp khối chuyển đổi số ngân hàng TMCP Hàng Hải (MSB) đã giải đáp những khó khăn của các doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp phải khi tiếp cận các ngân hàng để tìm hiểu về các khoản vay.
Đó là, các doanh nghiệp rất thiếu và gần như không có tài sản thế chấp vào các khoản vay của ngân hàng. Theo bà Đặng Thuỳ Linh, việc đi vay không có tài sản đảm bảo là một đặc trưng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Đối với các ngân hàng nói chung, và Ngân hàng MSB nói riêng cũng thực hiện chuyển đổi số để giúp doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn, với đặc trưng là không có hoặc không đủ tài sản đảm bảo.
Trong giai đoạn vừa qua, MSB đã đưa ra thị trường giải pháp số hoá dành cho khách hàng doanh nghiệp. Đó là, MSB cung cấp hạn mức tín chấp lên đến 15 tỷ đồng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa dựa trên những nghiên cứu đặc trưng của hàng trăm nghìn doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam.