ABBANK xử lý, thu hồi gần 4.000 tỷ đồng nợ có vấn đề trong 2024

Thùy Dung 12:15 | 22/04/2025 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2025 của ABBANK, lãnh đạo ABBANK nhìn nhận xử lý nợ xấu là bộ phận điểm sáng của ngân hàng trong năm qua.

 ĐHĐCĐ thường niên ABBANK. Ảnh: ABB

Cổ đông băn khoăn về vấn đề xử lý nợ xấu 

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2025 của ABBANK, một cổ đông cho hay tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng tính tới thời điểm cuối năm 2024 là 2,48%, đảm bảo dưới 3% theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, tuy nhiên vẫn ở mức cao so với các ngân hàng trong hệ thống. Cổ đông đặt vấn đề giải pháp xử lý nợ xấu, thu hồi vốn và trích lập dự phòng của ngân hàng để đảm bảo an toàn tài chính.

Báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán ABBANK 2024 ghi nhận tại thời điểm 31/12/2024, dư nợ xấu (bao gồm nợ nhóm 3,4,5) là 3.691 tỷ đồng, tăng 834 tỷ đồng so với đầu năm. Trong khi nợ nhóm 3 và nợ nhóm 4 giảm, nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) lại tăng 103,6% lên 2.107 tỷ đồng từ 1.035 tỷ đồng vào đầu năm. 

Tỷ lệ nợ nhóm 3,4,5 trên tổng dư nợ theo BCTC đạt 3,74%, tăng từ mức 2,91% của đầu năm. Nếu tính cả các khoản bán nợ VAMC trong năm, tổng tỷ lệ nợ có vấn đề tại ABBANK còn cao hơn.

Trong khi đó, tỷ lệ bao phủ nợ xấu tại thời điểm cuối năm 2024 của ngân hàng ước đạt 50%. Trong các năm 2019-2023, tỷ lệ bao nợ xấu bình quân tại ABBANK chỉ khoảng 49%, thấp hơn trung bình ngành là 112%.

Cũng theo BCTC, số dư trái phiếu VAMC của ABBANK tại thời điểm 31/12/2024 đã tăng lên 4.023 tỷ đồng, tức tăng khoảng 1.300 tỷ đồng so với đầu năm, tương đương mức tăng 38%.

Báo cáo kết quả xếp hạng tín nhiệm ABBANK hồi tháng 10/2024 của VIS Rating đã xếp hạng ngân hàng ở mức A-, trong đó đánh giá rủi ro tài sản của ABBANK ở mức ‘Dưới trung bình’ dựa trên cơ sở lịch sử tỷ lệ nợ xấu cao hơn trung bình ngành và sự gia tăng đáng kể các khoản nợ quá hạn cho vay khách hàng cá nhân và SME trong những năm qua. 

Các chuyên gia VIS Rating khẳng định nỗ lực của ban lãnh đạo ngân hàng trong thực hiện các biện pháp giảm thiểu rủi ro danh mục cho vay và cải thiện thu hồi nợ, tuy nhiên kỳ vọng việc cải thiện hơn nữa chất lượng tài sản sẽ cần thêm thời gian để đạt hiệu quả. 

“Trong 12-18 tháng tới, chúng tôi kỳ vọng việc ngân hàng thắt chặt tiêu chí lựa chọn khách hàng và tăng cường thu hồi nợ sẽ giúp cải thiện chất lượng tài sản của các khoản vay mới nếu ngân hàng có thể giảm rủi ro hiệu quả trong các phân khúc kinh doanh cốt lõi. Tuy nhiên, việc giải quyết các vấn đề chất lượng tài sản hiện tại sẽ gặp nhiều thách thức hơn nếu không tăng xóa nợ đáng kể hoặc bán nợ xấu cho VAMC”, báo cáo của VIS Rating nhận định.

Ngoài ra, các chuyên gia từ VIS Rating đồng thời lưu ý rằng việc ABBANK có mức tập trung tín dụng cao trong danh mục khách hàng doanh nghiệp lớn sẽ làm tăng rủi ro trước các sự kiện tín dụng theo khách hàng. Tại thời điểm cuối tháng 6/2024, tổng mức tín dụng mà ngân hàng cấp cho 20 nhóm khách hàng lớn nhất chiếm 156% vốn chủ sở hữu hữu hình (TCE) của ngân hàng.

Bộ phận xử lý nợ xấu là điểm sáng tại ABBANK

Trả lời câu hỏi trên của cổ đông về quản lý rủi ro và đảm bảo an toàn tài chính, Chủ tịch ABBANK Đào Mạnh Kháng cho biết bộ phận xử lý nợ xấu của ngân hàng đang là điểm sáng trong năm qua với đội ngũ chuyên trách luôn đạt kết quả tốt. Theo lãnh đạo ngân hàng, ABBANK hiện đã xây dựng kế hoạch tổng thể và chi tiết nhằm kiểm soát nợ xấu dưới ngưỡng 3% trong giai đoạn tiếp theo.

Theo đó, ngân hàng đã triển khai phương án thu hồi nợ xấu từ các đơn vị kinh doanh về hội sở để xử lý tập trung hơn, cũng như giúp các đơn vị giảm bớt áp lực và có thể tập trung vào nhiệm vụ phát triển thị trường. Đồng thời, ngân hàng cũng tận dụng đội ngũ chuyên môn cao tại hội sở để đảm bảo quá trình xử lý nợ hiệu quả hơn.

Cùng đó, đối với những khoản nợ đã được trích lập dự phòng đầy đủ, ngân hàng đã thiết lập một lộ trình thu hồi cụ thể, với trách nhiệm rõ ràng cho từng cá nhân phụ trách.

Ngoài ra, ngân hàng đang đầu tư mạnh vào nguồn nhân lực, cải tiến cơ chế vận hành và củng cố các công cụ pháp lý để hỗ trợ tối đa cho quá trình xử lý nợ xấu.

Theo thông tin từ ban lãnh đạo, trong năm 2024, ABBANK đã xử lý, thu hồi 3.994 tỷ đồng nợ xấu và nợ có vấn đề, tăng 34% so với năm 2023, qua đó đóng góp 647 tỷ đồng vào thu nhập ngân hàng cũng như góp phần làm giảm tỷ lệ nợ xấu.

Tại tài liệu ĐHĐCĐ, ban lãnh đạo ngân hàng lý giải thêm rằng diễn biến dư nợ xấu nói chung và nợ nhóm 5 nói riêng tăng lên tại ABBANK một phần phản ánh xu hướng chung của chất lượng tài sản trong hệ thống ngân hàng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều biến động, trong khi trong nước, thị trường bất động sản chưa thực sự phục hồi, số lượng doanh nghiệp rời thị trường tăng cao và ảnh hưởng của bão Yagi…

Cũng theo ban lãnh đạo, ABBANK đã bắt đầu triển khai chiến lược giảm thiểu rủi ro cho giai đoạn 2024 - 2028 nhằm giải quyết các vấn đề về chất lượng tài sản và nâng cao vị thế cạnh tranh. Trong năm 2024, ABBANK đã triển khai và áp dụng mô hình thẻ B trong công tác phê duyệt đối với khách hàng hiện hữu, đồng thời thực hiện dự báo rủi ro tín dụng cho toàn bộ các phân khúc khách hàng SME và khách hàng cá nhân. 

Dự kiến năm 2025, ABBANK tiếp tục áp dụng thẻ A trong phê duyệt đối với khách hàng cấp tín dụng, xây dựng các mô hình theo chuẩn IFRS dự kiến áp dụng trong chuẩn mực BCTC IFRS, ngoài ra tích cực triển khai các cấu phần của Basel III nhằm từng bước tiến tới cấp độ cao hơn trong quản trị rủi ro. 

Chia sẻ thêm về công tác xử lý nợ xấu năm 2025, Chủ tịch ABBANK Đào Mạnh Kháng cho hay, trong bối cảnh hiện tại, một trong những thách thức lớn là khâu tố tụng, việc từ cấp huyện xuống cấp xã gây chậm tiến độ thu hồi. Điều này đòi hỏi sự chủ động, sáng tạo của đội ngũ xử lý nợ, vốn đang là một trong hai điểm sáng tại ABBANK.

“Ngoài ra, chúng tôi cũng đang kiến nghị và đề xuất các cơ chế phối hợp với chính quyền địa phương để tháo gỡ những rào cản này. Mục tiêu của ABBank không chỉ là giảm tỷ lệ nợ xấu xuống dưới 3%, mà còn xây dựng một hệ thống xử lý nợ chuyên nghiệp, bài bản và hiệu quả, đáp ứng yêu cầu dài hạn”, ông Kháng cho hay.