Tín hiệu nợ xấu 'phình to' từ bức tranh tín dụng 5 ngân hàng đầu tiên công bố BCTC quý II

Diên Vỹ 07:00 | 22/07/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Cả 5/5 ngân hàng đầu tiên công bố BCTC quý II/2023 tính đến hết ngày 21/7/2023 đều ghi nhận dư nợ xấu tăng đáng kể so với đầu năm trong khi tỷ lệ bao nợ xấu giảm.

 

 

Là nhà băng đầu tiên công bố BCTC quý II/2023, tính đến thời điểm 30/6/2023, ngân hàng TMCP Bắc Á (Bac A Bank - mã: BAB) ghi nhận dư nợ cho vay khách hàng tăng lên 96.595 tỷ đồng, tức tăng 2,6% so với đầu năm. Đáng chú ý, dư nợ xấu  (bao gồm nợ nhóm 3,4,5) tăng lên 679 tỷ đồng so với mức 514 tỷ đồng vào đầu năm, tức tăng 32% so với đầu năm.

Trong đó, nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) đạt 175,5 tỷ đồng, tăng 4,2 lần so với đầu năm (dư nợ dưới tiêu chuẩn tại thời điểm đầu năm chỉ hơn 42 tỷ đồng). Nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) đạt 75,5 tỷ đồng, tăng 52%. Nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng nhẹ hơn 1%, tuy nhiên nợ nhóm này lên tới 428 tỷ đồng, tương đương 63% tổng dư nợ xấu.

Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng tính đến cuối quý II/2023 tại Bac A Bank là 0,7%, vẫn ở mức thấp, nhưng đã tăng đáng kể so với mức 0,55% vào đầu năm.

Trong bối cảnh dư nợ xấu tăng, Bac A Bank cũng tăng dự phòng rủi ro cho vay khách hàng lên 1.071 tỷ đồng từ mức 1.047 tỷ đồng vào đầu năm. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu do đó ở mức khá cao, gần 158% nhưng vẫn giảm so với mức 204% vào đầu năm do mức tăng mạnh của dư nợ xấu.

Tại ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), báo cáo tài chính quý II/2023 thể hiện dư nợ cho vay khách hàng tính đến 30/6/2023 đạt 177.113 tỷ đồng, tăng 10% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ xấu đạt 3.913 tỷ đồng, tăng vọt gần 2,9 lần từ mức 1.357 tỷ đồng hồi đầu năm.

Trong đó, nợ nhóm 3 bật tăng 458% lên 2.147 tỷ đồng. Nợ nhóm 4 tăng 142% lên 1.130 tỷ đồng. Nợ nhóm 5 cũng tăng 26% lên 636 tỷ đồng.

Theo mức tăng vọt của dư nợ xấu, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng tại TPBank tính đến hết quý II đạt 2,21% từ mức chỉ 0,84% vào đầu năm.

Nếu so với thời điểm kết thúc quý I/2023, dư nợ xấu tại TPBank đã ghi nhận tăng gần 57% (dư nợ xấu tại ngày 31/3/2023 là 2.497 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ nợ xấu 1,45%). 

Theo báo cáo tài chính, TPBank cũng tăng dự phòng rủi ro cho vay khách hàng tăng lên 2.383 tỷ đồng từ mức 1.833 tỷ đồng vào đầu năm, tức tăng 30%. Dù vậy, tỷ lệ bao nợ xấu tính đến 30/6/2023 đạt 61%, vẫn giảm so với mức 135% vào đầu năm và giảm so với mức 84% vào thời điểm hết quý I.

Tại ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank - mã LPB), tính đến 30/6/2023, dư nợ cho vay khách hàng đạt 253.392 tỷ đồng, tăng khoảng 7,5% so với đầu năm. Tương tự các ngân hàng nói trên, chất lượng tín dụng tại LPBank cũng đang cho thấy sự suy giảm khi dư nợ xấu tăng lên 5.656 tỷ đồng từ mức 3.427 tỷ đồng hồi đầu năm, tức tăng tới 65%. Trong đó, nợ nhóm 3 tăng 49% lên 1.598 tỷ đồng. Nợ nhóm 4 tăng 61% lên 1.620 tỷ đồng. Nợ nhóm 5 thậm chí còn tăng mạnh hơn, tăng 80% lên 2.438 tỷ đồng.

Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng của LPBank tính đến 30/6/2023 theo đó đã tăng lên 2,23% so với mức chỉ khoảng 1,46% vào đầu năm. Tỷ lệ bao nợ xấu cũng giảm xuống 78,5% so với mức cao khoảng 142% vào đầu năm và 111% vào thời điểm cuối quý I/2023 do trong kỳ, LPBank giảm dự phòng rủi ro cho vay khách hàng xuống 4.438 tỷ đồng từ mức 4.870 tỷ đồng vào đầu năm.

Còn tại ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank), theo báo cáo tài chính quý II, dư nợ cho vay khách hàng tính đến 30/6/2023 đạt 30.250 tỷ đồng, tăng 4% so với thời điểm đầu năm. Trong đó dư nợ xấu đạt 839 tỷ đồng, tăng gần 13% từ mức 743,5 tỷ đồng hồi đầu năm; bao gồm: nợ nhóm 3 tăng 2,35 lần lên hơn 146 tỷ đồng, nợ nhóm 4 tăng 19% lên 142 tỷ đồng, riêng nợ nhóm 5 giảm nhẹ 2% về 551 tỷ đồng.

Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng tính đến 30/6/2023 đạt  2,77%. tăng so với mức 2,56% hồi đầu năm. Tại thời điểm 30/6/2023, báo cáo tài chính cho thấy PG Bank đã tăng dự phòng rủi ro cho vay khách hàng lên hơn 302 tỷ đồng, tương ứng tăng gần 7% so với mức 283 tỷ đồng vào đầu năm. Dù vậy, tỷ lệ bao nợ xấu chỉ đạt 36%, giảm nhẹ so với mức 38% hồi đầu năm.

Tương tự, tại ngân hàng TMCP An Bình (ABBank - mã ABB), tính đến 30/6/2023, dư nợ cho vay khách hàng đạt 84.020 tỷ đồng, tăng 2,45% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ xấu đạt 3.820 tỷ đồng, tăng 61% từ mức 2.368,5 tỷ đồng vào đầu năm. Mức tăng đến từ nợ nhóm 3 và nhóm 4, lần lượt tăng 156% và 212% lên 1.385 tỷ đồng và 1.311 tỷ đồng. Riêng nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) giảm 20% xuống gần 1.124 tỷ đồng.

Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng tính đến 30/6/2023 tại ABBank là 4,55%, tăng mạnh từ mức 2,89% vào đầu năm. Nếu so với thời điểm cuối quý I/2023, dư nợ xấu tính đến 30/6/2023 đã tăng 19% (dư nợ xấu đến hết quý I là 3.198 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng là 4,03%).

ABBank cũng tăng dự phòng rủi ro cho vay khách hàng 25% lên 1.282 tỷ đồng trong bối cảnh dư nợ xấu tăng đáng kể. Tuy vậy, do mức tăng mạnh hơn của dư nợ xấu, tỷ lệ bao phủ nợ xấu tại ngân hàng này vẫn ở mức thấp, chỉ đạt 33,6% và giảm so với mức 43,3% vào đầu năm.

 

Trong báo cáo triển vọng ngân hàng cập nhật mới nhất, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định nợ xấu và nợ tiềm ẩn rủi ro trong hệ thống dự báo sẽ tăng nhưng vẫn trong tầm kiểm soát. Theo nhóm nghiên cứu, sự ‘đóng băng’ của thị trường TPDN và thị trường BĐS đang làm tăng rủi ro nợ xấu với hệ thống ngân hàng do 2 nguyên nhân chính: một là việc các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc huy động dòng vốn mới để đảo nợ; hai là hoạt động xử lý nợ xấu khó khăn do BĐS là tài sản bảo đảm chính cho phần lớn các khoản vay.

Trước đó, báo cáo tài chính quý I/2023 của 28 ngân hàng TMCP đã cho thấy dư nợ xấu tăng đáng kể. Theo thống kê của VietstockFinance, tại ngày 31/3/2023, dư nợ cho vay tại 28 ngân hàng TMCP đạt hơn 8,9 triệu tỷ đồng trong hệ thống, tăng 4% so với đầu năm. Đáng chú ý, dư nợ xấu của 28 ngân hàng này chiếm 172.080 tỷ đồng trong tổng dư nợ, tức tăng hơn 23% so với đầu năm. Chỉ có 3/28 ngân hàng nợ xấu cải thiện là MSB, PG Bank và VietABank. Còn theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 2/2023, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các TCTD là 2,91% (tăng mạnh so với mức 2% vào cuối năm 2022).