ADB áp dụng cách định giá khoản vay mới cho các nước thu nhập cao hơn
Những điều khoản tài trợ áp dụng cho các quốc gia Nhóm A và Nhóm B đã được đa dạng hóa với sự kết hợp giữa viện trợ, vốn vay ưu đãi và vốn vay dựa vào thị trường. Các quốc gia Nhóm C có phạm vi thu nhập bình quân đầu người rộng hơn, nhưng tất cả đều áp dụng các điều khoản tài trợ giống nhau.
Trong khung định giá mới, các quốc gia Nhóm C sẽ được chia thành một số tiểu nhóm tùy thuộc vào tổng thu nhập quốc dân (GNI) của họ - thu nhập trung bình thấp, thu nhập trung bình cao, và thu nhập cao. Các tiểu nhóm với thu nhập trung bình cao hơn sẽ trả phụ phí kỳ hạn cao hơn cho các khoản vay có kỳ hạn dài hơn. Ví dụ, các quốc gia thu nhập trung bình cao với GNI bình quân đầu người từ 6.976 USD tới 12.375 USD (theo giá năm 2018) sẽ trả phụ phí kỳ hạn cao hơn tới 30 điểm cơ sở tùy thuộc vào thời hạn vay.
Khung định giá mới sẽ mang đến những điều khoản ưu đãi hơn cho các quốc gia dễ tổn thương hơn, ví dụ như các quốc đảo nhỏ đang phát triển và các quốc gia đang chuyển đổi từ Nhóm B sang Nhóm C.
Thu nhập gia tăng từ chính sách định giá mới sẽ bổ sung cho các Quỹ đặc biệt Hỗ trợ kỹ thuật hiện thời để hỗ trợ hoạt động tư vấn chính sách, xây dựng thể chế và chia sẻ tri thức trong các quốc gia thành viên đang phát triển của ADB. Khung định giá này cũng sẽ giúp xây dựng nguồn vốn dự trữ để mở rộng năng lực cho vay của ADB trong dài hạn.
Chủ tịch ADB, ông Takehiko Nakao, nhận định: “Cơ cấu định giá cào bằng hiện đang áp dụng cho các quốc gia bên nhận chỉ vay những khoản vay dựa vào thị trường không phản ánh được mức độ đa dạng cao giữa các nước này xét về thu nhập, năng lực huy động nguồn lực trong nước, và khả năng tiếp cận các thị trường vốn. Cơ cấu mới sẽ cho phép chúng tôi tiếp tục thu hút sự tham gia của các quốc gia ở giai đoạn phát triển cao hơn, với những điều khoản công bằng và có tính cạnh tranh so với các ngân hàng phát triển đa phương khác, và góp phần vào sự bền vững trong dài hạn của ADB.”
Sự cải cách này phản ánh một bối cảnh khu vực đã thay đổi trong vòng 50 năm qua. Tình hình của khu vực châu Á-Thái Bình Dương hiện nay đã khác xa so với năm 1966, khi ADB được thành lập. Hầu hết các quốc gia nhận tài trợ của ADB hiện đang là những nước thu nhập trung bình. Mặc dù có thu nhập cao hơn tương đối và năng lực tài chính mạnh mẽ, những quốc gia này vẫn cần hỗ trợ của ADB để giải quyết những vùng trũng nghèo khổ, tăng cường các thể chế, ứng phó với biến đổi khí hậu và các lĩnh vực ảnh hưởng chịu ảnh hưởng từ các yếu tố bên ngoài khác.
Chiến lược 2030 của ADB, được phê duyệt trong tháng 7 năm 2018, đã xác định phương hướng cho ADB về việc áp dụng những cách tiếp cận khác biệt đối với các nhóm quốc gia khác nhau. Việc đa dạng hóa các điều khoản tài trợ là một phần của những cải cách thể chế toàn diện, được bắt đầu bằng việc hợp nhất bảng cân đối nguồn vốn vay ưu đãi từ Quỹ Phát triển châu Á của ADB với nguồn vốn vay thông thường từ đầu năm 2017, giúp gia tăng đáng kể vốn vay cho tất cả các quốc gia nhận tài trợ của ADB. ADB cũng đang triển khai những cải cách trong khung mua sắm đấu thầu, chuyển đổi số hóa và hiện đại hóa quản lý nguồn nhân lực, bên cạnh các nội dung khác.