ADB triển khai sáng kiến 9 tỷ USD giúp các nước đang phát triển tiếp cận vaccine phòng COVID-19

20:53 | 11/12/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Quỹ tiếp cận vắcxin châu Á và Thái Bình Dương của ADB nhằm cung cấp hỗ trợ nhanh chóng và công bằng cho các quốc gia thành viên đang phát triển khi họ mua và phân phối vắcxin ngừa bệnh COVID-19.
Ngày 11/12, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) thông báo triển khai sáng kiến trị giá 9 tỉ USD mang tên "Quỹ Tiếp cận vaccine châu Á và Thái Bình Dương" (APVAX), nhằm cung cấp hỗ trợ nhanh chóng và công bằng cho các quốc gia thành viên đang phát triển khi họ mua và phân phối vaccine ngừa bệnh COVID-19.
 
Chủ tịch ADB Masatsugu Asakawa cho rằng các quốc gia đang phát triển là thành viên của ADB đang chuẩn bị tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân và cần tài chính để đặt mua vaccine cũng như lên những kế hoạch phù hợp để quản lý quá trình tiêm chủng.
 
Theo đó, ADB triển khai sáng kiến APVAX nhằm hỗ trợ quá trình mua và vận chuyển vaccine từ nhà sản xuất tới các quốc gia thành viên cũng như đầu tư cho hệ thống phân phối, các cơ sở trữ đông và các thiết bị cần thiết. ADB sẽ phối hợp chặt chẽ với các đối tác khác như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để triển khai chương trình này.
 
Thông qua chương trình này, ADB cũng có thể sẽ cung cấp tài chính cho việc phát triển hoặc mở rộng năng lực sản xuất vaccine ở các quốc gia thành viên đang phát triển. ADB còn dành khoản 500 triệu USD cho Qũy nhập khẩu vaccine để hỗ trợ giảm thiểu các nguy cơ thanh toán và tạo điều kiện cho các hoạt động nhập khẩu vaccine.
 
ADB triển khai sáng kiến 9 tỷ USD giúp các nước đang phát triển tiếp cận vaccine phòng COVID-19 - ảnh 1
 
Hiện các quốc gia châu Á đang nỗ lực để đảm bảo hành triệu liều vaccine cho người dân trong khu vực, với mục tiêu triển khai tiêm chủng và bắt đầu chặng đường dài khôi phục trạng thái bình thường, giúp các nền kinh tế hồi phục sau tác động của đại dịch COVID-19.
 
ADB dự báo kinh tế khu vực châu Á đang phát triển sẽ suy giảm trong năm 2020 nhưng có thể sẽ ít nghiêm trọng hơn khi Trung Quốc hồi phục nhanh hơn dự kiến bất chấp diễn biến dịch bệnh vẫn khó lường. Năm 2021, kinh tế khu vực được dự báo sẽ phục hồi và tăng trưởng 6,8%.
 
Trong tháng 11 vừa qua, ADB cũng đã công bố hỗ trợ kỹ thuật bổ sung trị giá 20,3 triệu USD để thiết lập các hệ thống nhằm cho phép phân phối vaccine công bằng và hiệu quả trên khắp châu Á và Thái Bình Dương.
 
Ngày 11/12, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) thông báo đã hỗ trợ 600.000 USD bằng hiện vật để hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19
 
ADB triển khai sáng kiến 9 tỷ USD giúp các nước đang phát triển tiếp cận vaccine phòng COVID-19 - ảnh 2
 
Khoản viện trợ không hoàn lại này đến từ hai khoản hỗ trợ kỹ thuật từ Quỹ hỗ trợ kỹ thuật  đặc biệt của ADB. Khoản thứ nhất cung cấp đồ bảo hộ cá nhân trị giá 500.000 USD cho Bệnh viện Phổi Quốc gia thuộc Bộ Y tế. Khoản thứ hai giúp nâng cấp trang thiết bị trị giá 100.000 USD cho Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (PHEOC) thuộc Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế. Các thiết bị được nâng cấp cho PHEOC sẽ giúp cải thiện đáng kể hiệu quả các hoạt động phối hợp của Bộ Y tế trong các đợt bùng phát dịch bệnh tại cộng đồng.
 
Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam, ông Andrew Jeffries nhấn mạnh: “Chúng tôi đánh giá cao các hoạt động ứng phó nhanh chóng và hiệu quả của Chính phủ Việt Nam đối với đại dịch COVID-19. Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và ý thức tự giác của người dân, Việt Nam nằm trong số ít các quốc gia đã thành công trong việc kiểm soát đại dịch COVID-19.”
 
Vào tháng 4/2020, ADB đã phê duyệt gói hỗ trợ mở rộng trị giá 20 tỷ USD để hỗ trợ các quốc gia thành viên đang phát triển ứng phó với COVID-19. Ở Việt Nam, ADB đã và đang phối hợp với các đối tác phát triển khác tìm kiếm thêm các nguồn hỗ trợ các nỗ lực không ngừng của Chính phủ trong việc chống lại đại dịch COVID-19. Hỗ trợ của ADB nhằm cung cấp thêm các nguồn lực giúp Việt Nam nâng cao khả năng ứng phó với các ổ dịch.
 
Nguyễn Dung