Agribank: Bản lĩnh vàng của 1 trong Top 10 ngân hàng lớn nhất Việt Nam
Lịch sử hình thành và phát triển ngân hàng Agribank
Agribank có tên đầy đủ là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (tên giao dịch quốc tế là Vietnam Bank for Agriculture and Rural Development - VBARD).
Sinh ra trong bối cảnh khủng hoảng trầm trọng về kinh tế xã hội những năm 1985, nông nghiệp sa sút, hoạt động kinh doanh trì trệ, lạm phát tăng cao, Ngân hàng Agribank được thành lập ngày 26 tháng 3 năm 1988 với tên “Ngân hàng Phát triển Nông nghiệp Việt Nam”, có trụ sở tại số 2 đường Láng Hạ, phường Thành Công, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội.
Đây là lần đầu tiên một ngân hàng chuyên doanh trong lĩnh vực kinh tế nông nghiệp và nông thôn đã được thành lập, đánh dấu sự thay đổi phân tách chức năng quản lý nhà nước khỏi chức năng kinh doanh tiền tệ và tín dụng. Ngân hàng có trọng trách lớn lao là hỗ trợ và thúc đẩy phát triển của khu vực kinh tế nông nghiệp - nông thôn.
Năm 1990, ngân hàng được đổi tên thành “Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam”. Cuối năm 1996, cái tên “Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam” mới chính thức được sử dụng.
Hình ảnh một chi nhánh Ngân hàng Agribank tại TP. Hồ Chí Minh.
Theo báo cáo của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) năm 2007, Agribank là doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam. Từ đó đến nay, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam cũng luôn giữ vững vị thế phát triển hàng đầu, là ngân hàng thương mại lớn nhất Việt Nam tính theo tổng khối lượng tài sản, thuộc loại doanh nghiệp nhà nước hạng đặc biệt.
Hiện nay, với hơn 60.000 doanh nghiệp, 4 triệu hộ sản xuất và 10 triệu khách hàng cá nhân là đối tác tin cậy, ngân hàng Agribank đã hình thành và phát triển mạng lưới hoạt động rộng khắp.
Là ngân hàng thương mại hàng đầu trong hệ thống ngân hàng Việt Nam, Agribank còn sở hữu các công ty con bao gồm: Công ty TNHH MTV Quản lý nợ & Khai thác tài sản Agribank, Công ty CP Bảo hiểm Agribank, Công ty CP Chứng khoán Agribank, Công ty TNHH MTV DV NHNo Việt Nam và Công ty cho thuê Tài chính I (ALC I).
Về phía quốc tế, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam cũng có liên kết chặt chẽ với 761 ngân hàng tại 86 quốc gia và vùng lãnh thổ để đáp ứng mọi yêu cầu về thanh toán xuất, nhập khẩu của khách hàng trong và ngoài nước. Trong đó bao gồm một số đơn vị như Ngân hàng Trung Quốc (BOC), Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC), Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc (ABC), Ngân hàng ACLEDA (Campuchia), Ngân hàng Phongsavanh (Lào), Ngân hàng Nông nghiệp Lào,...
Sự phát triển của Agribank là đóng góp quan trọng vào quá trình hỗ trợ thực hiện các chính sách theo chương trình mục tiêu quốc gia về "Giảm nghèo bền vững" và "Xây dựng nông thôn mới", cũng như công cuộc phục hồi và phát triển kinh tế đất nước sau đại dịch COVID-19.
Ngân hàng luôn tích cực trong việc thực hiện các chính sách được quốc gia giao phó.
30 năm với nhiều thành tựu nổi trội của Agribank
Trải qua hơn 30 năm phát triển và lớn mạnh, hiện nay, ngân hàng đã có 2300 chi nhánh tại Việt Nam và một số chi nhánh khác tại Campuchia.
Khi mới thành lập, cơ cấu tài sản của Agribank trong giai đoạn 1988-1989 như sau:
Tổng tài sản có: 1.579.850 - 1.968.076;
Tổng dư nợ cho vay: 865.742 - 1.256.258;
Vốn được sử dụng: 25.064 - 45.883;
Vốn dự trữ: 234 - 983;
Vốn để cho vay ngắn hạn: 5 - 36;
Vốn được cấp để cho vay dài hạn: 3.764 - 4.279.
(*Nguồn: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam - 15 năm xây dựng và trưởng thành. Nxb Văn hóa Thông tin, 2003, tr. 338)
Đến tháng 3/2007, vị thế dẫn đầu của Agribank vẫn được khẳng định trên nhiều phương diện:
Tổng dư nợ đạt gần 23.900 tỷ đồng;
Tỷ lệ nợ xấu theo chuẩn mực mới là 1,9%, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế;
Tổng nguồn vốn đạt gần 26.700 tỷ đồng;
Vốn tự có gần 15.000 tỷ đồng.
Tháng 6 năm 2020, ngân hàng tiếp tục được phê duyệt bổ sung thêm vốn điều lệ từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách 2019, tối đa 3.500 tỷ đồng. Khoản tiền này bằng với lãi sau thuế nhà băng này sẽ nộp ngân sách năm 2020. Như vậy, vốn điều lệ của ngân hàng Agribank có thể lên tới gần 35.000 tỷ đồng, nâng tỷ lệ an toàn vốn lên cao hơn so với trước đây chỉ đạt 6,9%, dưới mức tối thiểu 8% theo quy định.
Việc gia tăng vốn điều lệ giúp Agribank được có điều kiện tăng dư nợ cho vay, doanh thu tăng thêm từ 4.500 tỷ đồng đến 5.000 tỷ đồng; tăng quy mô trái phiếu phát hành để tăng vốn cấp 2.
Trong suốt thời gian hoạt động, ngân hàng Agribank cũng liên tục đạt được nhiều thành tựu nổi trội.
Năm 2003, ngân hàng được trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ Đổi mới bởi Chủ tịch nước Việt Nam.
Ngân hàng liên tục đạt nhiều thành tựu và giải thưởng vì hoạt động nổi trội.
Năm 2016, Agribank vinh dự nhận giải thưởng Sao Khuê, cho ứng dụng phần mềm xuất sắc trong lĩnh vực tài chính-ngân hàng là Agribank E-Mobile Banking và Hệ thống phát hành và thanh toán thẻ Chip theo chuẩn EMV. Năm 2017, doanh nghiệp nhận thêm 01 giải thưởng Sao Khuê cho ứng dụng Cổng thanh toán thuế điện tử Agritax, Hệ thống thanh toán biên mậu qua Internet Banking CBPS.
Với 02 giải Sao Khuê danh giá, Agribank luôn khẳng định vị thế là ngân hàng tốt nhất trong đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn Đông Nam Á. Đơn vị có số lượng khách hàng, mạng lưới hoạt động, đội ngũ cán bộ nhân viên, vốn và tài sản vững vàng.
Năm 2018, ngân hàng được Tạp chí The Banker bình chọn đứng thứ 465 trong Top 1.000 ngân hàng lớn nhất thế giới, xếp thứ 2 quốc gia và sở hữu “Dịch vụ tài chính vi mô tốt nhất Việt Nam”. Cùng năm, doanh nghiệp cũng được trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất và lọt Top 50 Doanh nghiệp thành tựu theo bảng xếp hạng VNR500.
Nhờ vậy, Tạp chí Global Banking and Finance Review đã trao tặng "Ngân hàng lớn nhất về hệ thống và dịch vụ ATM" cho Agribank.
Một số bê bối về quản lý của Ngân hàng Agribank
Tháng 1 năm 2013, ông Phạm Thanh Tân, nguyên Tổng giám đốc Agribank đã bị cơ quan điều tra bắt và khởi tố về tội "thiếu trách nhiệm trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng". Ông Tân và một số cá nhân khác có liên quan tới vụ thiệt hại 3.900 tỷ đồng tại Agribank chi nhánh Nam Hà Nội, theo báo Tuổi trẻ đưa tin.
Trong năm 2014, một số lãnh đạo và thành viên HĐTV Agribank như ông Kiều Trọng Tuyến - nguyên Phó Tổng giám đốc, ông Phạm Ngọc Ngoạn - nguyên Ủy viên hội đồng thành viên Agribank, nguyên Giám đốc, Chủ tịch HĐTV Công ty In - Thương mại và Dịch vụ Agribank, ông Đỗ Tất Ngọc, nguyên Chủ tịch HĐTV cũng bị bắt tạm giam để điều tra về một số hành vi sai phạm, gây tổn thất trong quản lý kinh tế.
Năm 2015, ngân hàng Agribank cũng liên quan tới 4 vụ án kinh tế về tội Vi phạm quy định về cho vay, gây thiệt hại tới hàng nghìn tỷ đồng.
Lời kết
Chặng đường 30 năm để chuyển đổi từ một doanh nghiệp phụ thuộc hoàn toàn vào Ngân hàng Nhà nước sau đó “ra ở riêng” với cơ chế hoạt động độc lập, tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong môi trường cạnh tranh khốc liệt, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam Agribank đã trải qua nhiều chông gai và thách thức.
Nhưng biết cách dò đá qua sông, từng bước tháo gỡ khó khăn và vướng mắc, trả giá bằng mồ hôi công sức cho mỗi sai lầm, Agribank đang ngày một khẳng định vị thế hàng đầu của mình, cũng như tôi luyện một bản lĩnh “vàng” để tiếp tục hiên ngang trên con đường phía trước.
Xem thêm: Ngân hàng Agribank làm ăn ra sao trong năm 2020?
Phương Thúy