Amazon 'đổ bộ': Cơ hội nào cho doanh nghiệp Việt?
Trước chia sẻ của đại diện Amazon, ông Gijae Seong, Head of Amazon Global Selling Singapore tại Diễn đàn Thương mại điện tử Việt Nam 2018: "Chúng tôi đang xây dựng đội ngũ nhân viên để giúp đỡ người bán, chủ thương hiệu, nhà sản xuất để giúp họ tận dụng kênh phân phối trực tuyến bán hàng toàn cầu, phát triển kinh doanh, tiếp cận khách hàng qua các trang bán hàng của Amazon", cộng đồng doanh nghiệp Việt đang đón đợi những cơ hội dành cho mình.
Bán hàng toàn cầu
Theo ông Gijae Seong, Amazon tự tin sẽ cung cấp một thị trường mở, giúp các doanh nghiệp Việt có thể tiếp cận, xuất khẩu hàng hoá ra thế giới. Doanh nghiệp Việt có thể ngồi tại Việt Nam nhưng vẫn có thể bán hàng qua thị trường Mỹ, châu Âu mà không cần có văn phòng, nhà kho tại những địa điểm đó. Nền tảng của Amazon có thể hỗ trợ những công việc này.
Đó là bán hàng toàn cầu, trên 13 thị trường (3 tại Bắc Mỹ, 5 ở châu Âu, 3 ở châu Á, 2 thị trường mới nhất là Brazil và Úc) với khoảng 300 triệu khách hàng đến từ 180 quốc gia và người bán đến từ 172 nước bao gồm cả Việt Nam.
Một thuận lợi cho doanh nghiệp Việt là: Amazon sẽ cung cấp dịch vụ Fulfillment by Amazon (FBA) cho doanh nghiệp. Tức là khi có đơn hàng, Amazon sẽ tự động đóng gói và vận chuyển cho khách. Việc của người bán chỉ là gửi hàng sang kho cho Amazon.
Có nghĩa là, trong thời gian tới, để doanh nghiệp Việt sẽ được Amazon cung cấp những khoá học chính thức để xây dựng kênh bán hàng ra thế giới thông qua cổng Amazon.
Amazon sẽ hỗ trợ doanh nghiệp Việt xuất khẩu trực tuyến qua nền tảng của họ. "Thế giới đang thay đổi, chúng tôi hy vọng Amazon không còn xa lạ với người bán ở Việt Nam", theo ông Gijae Seong.
Cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam đang đứng trước cơ hội giới thiệu và bán sản phẩm ra nước ngoài trong một sân chơi mang tính tương tác mạnh mẽ - thương mại điện tử.
Không chỉ những lĩnh vực mới như chăm sóc sức khỏe, bán lẻ thực phẩm mà Amazon đang tập trung đầu tư, các doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực thời trang, trang trí nội thất, thủ công mỹ nghệ cũng sẽ có nhiều cơ hội cung cấp sản phẩm vì mới chỉ có một tỷ lệ nhỏ sản phẩm này đang được khai thác trực tuyến. Hãng dịch vụ tài chính toàn cầu Credit Suisse từng nhấn mạnh đây mới là những danh mục mang về doanh thu lớn hơn nhiều so với điện tử tiêu dùng và truyền thông.
Đầu tư cho website bán hàng, giới thiệu sản phẩm của riêng công ty và tham gia vào các hoạt động thương mại trên các sàn giao dịch thương mại điện tử quốc tế, trong đó có Amazon.com chính là những cách đầu tư khôn ngoan cho doanh nghiệp trong thời điểm hiện tại.
Giới phân tích nhận định: Sự thâm nhập của Amazon vào Việt Nam và các công ty bán hàng trực tuyến khác từ nước ngoài, thị trường thương mại điện tử của Việt Nam sẽ có những bước phát triển mới.
Thói quen mua sắm và chuỗi cung ứng hàng hóa ở Việt Nam có thể thay đổi đáng kể, bởi người tiêu dùng sẽ tiến tới mua sắm trực tuyến nhiều hơn thay vì trực tiếp lựa chọn hàng hóa tại cửa hàng.
Đặc biệt, Amazon sẽ khiến các doanh nghiệp thương mại điện tử trong nước tự tạo chuyển biến tốt hơn cho mình.
Đánh giá việc gia nhập thị trường Việt Nam của Amazon, ông Trần Trọng Tuyến, Tổng thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho rằng: "Sự tham gia của Amazon sẽ thúc đẩy thị trường phát triển. Các nhà cung cấp dịch vụ sẽ cạnh tranh để phát triển hệ sinh thái, giải pháp bán hàng, logistics… Trong khi đó, người dân sẽ mua được hàng với giá cạnh tranh hơn, thuận tiện hơn”.
Ông Trần Ngọc Thái Sơn, CEO của Tiki.vn cũng tự tin khẳng định: "Sự xuất hiện của những đối thủ khổng lồ thế giới trên thị trường thương mại điện tử Việt Nam đã khiến các quỹ đầu tư lớn vào Việt Nam đầu tư và rót vốn cho doanh nghiệp thương mại điện tử trong nước. Tiki cũng phát triển rất tốt trong thời điểm Alibaba mua lại Lazada".
Thêm nữa, tham gia Amazon.com, các doanh nghiệp Việt, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ tạo cho mình một diễn đàn chung. Amazon.com chính là một "trạm thông tin" để các doanh nghiệp kết nối, hợp tác và chia sẻ lợi ích.
Vượt qua "sàng lọc"
Thị trường thương mại điện tử Việt Nam, với hơn 93 triệu dân, được đánh giá sẽ đạt doanh thu 7,5 tỷ USD vào năm 2025, đã và đang chứng kiến cuộc đua không kém phần khốc liệt về phần công nghệ và tài chính của các "đại gia" Amazon, Alibaba và JD.com.
Các cuộc đua khuyến mãi sẽ gia tăng sau khi Amazon "đổ bộ" vào Việt Nam.
"Nước cờ" xuất sắc mà Amazon tạo nên thành công vượt bậc là: Thay vì đổ tiền vào chiến dịch tiếp thị sản phẩm, Amazon tìm cách duy trì được quan hệ với khách hàng (giảm chi phí quảng cáo; áp dụng dịch vụ chuyển hàng với mức phí "0 đồng"; cung cấp hàng hóa với giá thấp nhất so với các đối thủ khác), đầu tư vào các nhãn hàng riêng.
Điều này tác động không nhỏ tới việc tạo dựng thương hiệu của doanh nghiệp Việt. Khi chú trọng vào nhãn hàng riêng, Amazon sẽ sàng lọc kỹ để tìm ra doanh nghiệp phù hợp với thị trường của mình và đưa ra những quy định tối thiểu mà doanh nghiệp phải đáp ứng.
Đồng thời, đòi hỏi doanh nghiệp Việt phải có lộ trình xây dựng năng lực cho mình để tạo dựng thương hiệu, uy tín nhà cung cấp và chất lượng sản phẩm.
Phải hiểu rõ tiêu chuẩn của sản phẩm, sở thích của từng thị trường cho từng sản phẩm. Ứng dụng được các công nghệ chuyên sâu vào thương mại điện tử.
Thậm chí, đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, phải hiểu được phải làm gì nếu có một đơn hàng lớn.
Có như vậy, doanh nghiệp Việt mới tận dụng được cơ hội mà Amazon tạo ra.