Alibaba bơm thêm 230 triệu USD cho Lazada

Đức Huy 10:22 | 22/05/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Tổng cộng từ 2016 đến nay Alibaba đã rót 7,7 tỷ USD vào sàn thương mại điện tử Lazada.

 

Tech In Asia dẫn dữ liệu từ Alternatives.pe, một nền tảng theo dõi hồ sơ đăng ký doanh nghiệp tại Singapore, cho biết Alibaba vừa rót thêm 230 triệu USD vào Lazada - sàn thương mại điện tử tập trung vào thị trường Đông Nam Á.

Thương mại điện tử quốc tế được lãnh đạo Alibaba đánh giá cao. Tầm quan trọng của thương mại quốc tế tại Alibaba được thể hiện qua việc xếp nó vào một trong 6 bộ phận kinh doanh lớn sau cuộc tái cấu trúc lớn công bố hồi tháng 3 năm ngoái.

Alibaba đã đầu tư mạnh vào Lazada để thực hiện tham vọng của mình. Tính cả chi phí mua lại năm 2016, tập đoàn công nghệ Trung Quốc đã rót khoảng 7,7 tỷ USD vào Lazada. Trung bình mỗi năm Alibaba rót gần 1 tỷ USD cho Lazada.

Đây cũng là lần đầu tiên Alibaba rót vốn cho Lazada trong năm nay. Trước đó, vào năm 2023, Alibaba đã đầu tư hơn 1,8 tỷ USD vào sàn thương mại này.

 

Nguồn vốn mới được rót vào Lazada diễn ra trong bối cảnh các sàn thương mại điện tử ở Đông Nam Á đang chuyển hướng sang các lựa chọn giá rẻ hơn để vượt qua đối thủ cạnh tranh. Đặc biệt, Lazada đã ra mắt dịch vụ Choice vào năm ngoái, một nền tảng cạnh tranh trực tiếp với Temu và Shein về các sản phẩm giá rẻ.

Alibaba cho biết nền tảng Choice đã giúp AliExpress - sàn thương mại điện tử toàn cầu của họ - ghi nhận mức tăng trưởng đơn hàng trên 60% trong quý IV năm ngoái so với quý liền trước. Xu hướng này tiếp tục duy trì trong quý I năm nay.

Trước đó trong năm, đồng sáng lập Jack Ma đã gửi thư cho nhân viên Alibaba, nói rằng công ty đang thực hiện các phương pháp chữa lành những "bệnh tật" của một tập đoàn lớn.Điều này diễn ra sau khi Alibaba bịi PDD Holdings - công ty mẹ của Pinduoduo, đánh bại trên thị trường chứng khoán.

Kể từ đó, Alibaba đã nỗ lực đơn giản hóa cấu trúc kinh doanh và tăng cường hiệu quả, chẳng hạn như tăng cường sự đồng bộ giữa mảng logistics Cainiao và hoạt động thương mại điện tử.

Về Lazada, trong những năm qua dù nhận được khoản tiền lớn từ Alibaba giúp công ty chịu lỗ trong quá trình tìm kiếm lợi nhuận, nhưng vấn đề cốt lõi nằm ở chỗ nền tảng này vẫn chưa thể tìm ra công thức thành công.

Tới năm 2020, Lazada liên tục bị Shopee vượt mặt dù xuất phát điểm trước. Theo Momentum Works, Lazada có thị phần nhỏ hơn Shopee ở cả 6 nền kinh tế lớn Đông Nam Á (Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Việt Nam và Philippines). 

Tổng giá trị hàng hóa (GMV) của Shopee trên toàn khu vực Đông Nam Á vào năm 2022 là 47,9 tỷ USD, chiếm gần một nửa tổng GMV thương mại điện tử của khu vực (99,5 tỷ USD) và hơn gấp đôi GMV của Lazada (20,1 tỷ USD). 

Thêm vào đó, Lazada còn phải đối mặt với thách thức từ các sàn thương mại điện tử nội địa, chẳng hạn như Bukalapak và Blibli ở Indonesia. Thách thức của Lazada còn đến từ thực tế thị trường Đông Nam Á vẫn còn nhiều dư địa, do đó có thể chứng kiến thêm nhiều người chơi mới gia nhập. Chẳng hạn Temu - nền tảng thương mại điện tử giá rẻ thuộc PDD Holdings, đã tiến vào khu vực từ quý III năm ngoái. Malaysia và Philippines là một trong những thị trường mục tiêu ban đầu mà Temu hướng đến.

Ngoài Lazada, công ty mẹ Alibaba còn sở hữu các nền tảng thương mại điện tử khác vốn có thể hoạt động được ở Đông Nam Á như AliExpress, Taobao và Tmall. Ngoài ra, họ cũng có kế hoạch đưa 1688.com - nền tảng mua sắm trực tiếp từ nhà máy Alibaba, tham gia hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới.

Như vậy có thể thấy, sự hiện diện của Alibaba tại Đông Nam Á không chỉ giới hạn ở Lazada. Và với việc đưa thương mại điện tử xuyên biên giới trở thành một trong 6 trụ cột kinh doanh của tập đoàn, áp lực buộc Lazada phải tạo ra lợi nhuận để đảm bảo vị thế của mình với những đơn vị khác cùng hệ sinh thái. Nhìn từ góc độ này có thể thấy 2024 sẽ là một năm bản kề với Lazada