CEO Tencent, Alibaba và loạt Big Tech Trung Quốc 'đại chiến' về cách tiếp cận AI

Doanh Chính 07:45 | 22/05/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trong khi các doanh nghiệp như Tencent, Sohu,... cho rằng nhiều công ty đang tiếp cận với AI một cách vội vàng để cố gắng đẩy giá cổ phiếu lên, những Alibaba, Baidu,... lại tin rằng nếu không tiếp cận AI sớm, cơ hội trong tương lai sẽ nhỏ đi.

Các ông chủ của những công ty công nghệ lớn tại Trung Quốc đang thể hiện những quan điểm trái ngược nhau đối với trí tuệ nhân tạo (AI), khi một số người háo hức đón nhận công nghệ tiên tiến này trong khi những người khác cảnh báo về việc áp dụng vội vàng trong bối cảnh xuất hiện những yếu tố cường điệu xoay quanh ChatGPT, theo SCMP.

Pony Ma Huateng, người sáng lập kiêm CEO của công ty truyền thông xã hội và trò chơi điện tử khổng lồ Tencent Holdings, cho biết công ty của ông sẽ thực hiện một cách tiếp cận thận trọng hơn trong việc tung ra các sản phẩm AI tổng quát, bất chấp những cơ hội tiềm năng.

“Tôi nghĩ rằng rất nhiều công ty đang quá vội vàng trong lĩnh vực AI để cố gắng đẩy giá cổ phiếu của họ tăng lên. Đó từ lâu đã không phải là phong cách của chúng tôi”, lãnh đạo Tencent chia sẻ trong buổi họp gần đây.

Lãnh đạo Tencent, Pony Ma Huateng. (Ảnh: SCMP).

Tencent, công ty đã báo cáo doanh thu tăng 11% trong quý đầu tiên, cho biết trong rằng họ đang đầu tư vào khả năng về AI và cơ sở hạ tầng đám mây, đồng thời kỳ vọng AI sẽ là “nhân tố tăng trưởng”. Công ty hiện đang phát triển mô hình AI nền tảng của riêng mình có tên là Hunyuan.

Tuy nhiên, ông Pony Ma cho biết Tencent sẽ không vội vàng tung ra các sản phẩm chưa hoàn chỉnh. “AI là cơ hội nghìn năm có một, giống như việc phát minh ra điện trong cuộc cách mạng công nghiệp. Chìa khóa đối với chúng tôi bây giờ là xây dựng một nền tảng vững chắc về thuật toán, sức mạnh tính toán, dữ liệu và quan trọng hơn là các trường hợp sử dụng”, lãnh đạo Tencent nói thêm.

Sự thận trọng của Pony Ma được lặp lại bởi Charles Zhang Chaoyang, người sáng lập và giám đốc điều hành của cổng thông tin Sohu.com, người cũng cảnh báo rằng đang có một làn sóng “mù quáng” về AI.

Sohu không xây dựng mô hình AI của riêng mình, thay vào đó chọn cách tiếp cận thận trọng vì lĩnh vực này “được thổi phồng quá mức” ở Trung Quốc, ông Zhang chia sẻ tại diễn đàn công nghệ của công ty vào tuần trước.

“ChatGPT đã được phát triển trong nhiều năm trong một quá trình liên quan đến một loạt yếu tố, từ máy chủ và sức mạnh tính toán đến cơ sở tri thức. Các công ty không có khả năng như vậy nhưng vẫn chọn làm theo sẽ lãng phí rất nhiều nguồn lực của họ”, Zhang nói.

Charles Zhang Chaoyang, Founder và CEO Sohu. (Ảnh: SCMP).

Các công ty chọn cách tiếp cận nhanh chóng với AI

Trong khi Tencent và Sohu đang dành thời gian để nghiên cứu về AI, các công ty công nghệ lớn khác ở Trung Quốc, bao gồm cả gã khổng lồ tìm kiếm Baidu và Alibaba Group Holding, đã đi trước và tung ra các lựa chọn thay thế tương ứng cho ChatGPT, vốn không được phép sử dụng ở Trung Quốc.

Baidu vào tháng 3 đã trở thành công ty công nghệ Trung Quốc đầu tiên ra mắt sản phẩm được coi là đối thủ của ChatGPT. Tại sự kiện ra mắt ở Bắc Kinh, người sáng lập kiêm CEO Robin Li Yanhong thừa nhận rằng sản phẩm mới có tên Ernie Bot không hoàn hảo, nhưng công ty của ông sẽ không chờ đợi “vì thị trường có nhu cầu lớn”.

Robin Li Yanhong, CEO Baidu. (Ảnh: SCMP).

Tuần này, Li đã giải quyết một số lo ngại về tác động sau sự tiến bộ của AI, chẳng hạn như bảo đảm việc làm cho người lao động. “Đối với nhân loại, mối nguy hiểm nghiêm trọng nhất và tác nhân lớn nhất dẫn đến sự không bền vững không phải là sự không chắc chắn do đổi mới. Ngược lại, nếu chúng ta ngừng đổi mới, nó sẽ mang đến đủ loại rủi ro khó lường. Đó sẽ là mối đe dọa lớn nhất đối với nhân loại”, ông Li phát biểu.

Li nói rằng khi quá trình phát triển AI chuyển từ nhận thức sang sản xuất, năng suất sẽ được cải thiện đáng kể. Trong khi một số người lo lắng rằng điều này có thể dẫn đến tình trạng người lao động mất việc, ông Li phản bác rằng “mặc dù có những công việc đang được đảm nhận bởi con người sẽ biến mất, song không ai biết sẽ có công việc mới nào được sinh ra”.

Trong khi đó, CEO của Alibaba, Daniel Zhang Yong, cho biết trong một cuộc họp hội nghị với các nhà phân tích vào tuần trước rằng công ty đã bắt đầu hợp tác với các đối tác để phát triển các mô hình AI dành riêng cho ngành.

Zhang cho biết Alibaba, công ty có dịch vụ giống như ChatGPT mang tên Tongyi Qianwen đã nhận được hơn 200.000 lượt đăng ký bản thử nghiệm từ các khách hàng doanh nghiệp, đang lên kế hoạch tung ra các sản phẩm đám mây và giải pháp doanh nghiệp dựa trên mô hình AI của mình, đồng thời tích hợp các khả năng của AI vào các sản phẩm khác nhau.

Lãnh đạo Alibaba Daniel Zhang Yong. (Ảnh: SCMP).

Liu Qingfeng, người sáng lập và chủ tịch của công ty nhận dạng ngôn ngữ Trung Quốc iFlyTek, cho biết tại Hội nghị Trí tuệ Thế giới ở Thiên Tân rằng các mô hình ngôn ngữ lớn nhận thức (LLM) đã mang lại một cuộc cách mạng cơ bản về cách con người tương tác với máy móc, cũng như những cơ hội mới trong nghiên cứu khoa học.

Ông cho biết LLM Spark Desk của công ty hiện đang dẫn đầu thị trường Trung Quốc về khả năng tạo văn bản, hiểu ngôn ngữ và toán học. Lãnh đạo iFlyTek nói thêm rằng đến tháng 10, nó dự keiens vượt ChatGPT về khả năng xử lý bằng tiếng Trung và tiến gần hơn đến khả năng xử lý bằng tiếng Anh.