Ấn Độ và Nepal- hai thị trường nhiều tiềm năng cho doanh nghiệp Việt
(DNVN) - Thị trường Ấn Độ và Nepal vốn có tiềm năng lớn nhưng hiện còn bỏ ngỏ. Đây là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm nông sản, thực phẩm chế biến, dệt may, thiết bị điện tử… vào hai quốc gia này
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt hiểu hơn về hai thị trường tiềm năng Ấn Độ và Nepal, sáng 20/5, Cục Xúc tiến thương mại (XTTM) đã phối hợp với Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ, Hội người Việt Nam tại Ấn Độ và Nepal và Phòng Thương mại và Công nghiệp các Nhà nhập khẩu Ấn Độ tại Việt Nam tổ chức Hội thảo trực tuyến “Xúc tiến thương mại thông qua Cộng đồng người Việt Nam tại Ấn Độ và Nepal”.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục XTTM nhấn mạnh, lý do quan trọng để Cục XTTM tổ chức liên tiếp 3 hội thảo về Ấn Độ trong vòng chưa đầy 1 tháng qua, đó là sự nghiên cứu kỹ về quy mô, triển vọng to lớn của thị trường Ấn Độ còn để ngỏ nhiều tiềm năng cho doanh nghiệp Việt Nam khai phá, với mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp chúng ta thực hiện đa dạng hóa thị trường, giảm dần sự lệ thuộc vào một số thị trường nhất định, tìm ra những thời cơ mới trong các mối nguy phát sinh từ dịch COVID-19. Với gần 1,4 tỷ dân, Ấn Độ có dung lượng thị trường tiêu thụ rất lớn. Tuy nhiên, giá trị và số lượng hàng hóa Việt Nam thâm nhập vào thị trường này còn khiêm tốn.
Đánh giá về thị trường Ấn Độ, theo ông Tài, quan hệ thương mại giữa hai nước có tính bổ trợ. Nhiều mặt hàng của Việt Nam có tiềm năng xuất khẩu như nông sản và thực phẩm chế biến, đặc biệt quả thanh long và cá ba sa rất được ưa chuộng tại Ấn Độ; các sản phẩm hạt điều, cà phê, hồ tiêu, cao su, các loại gia vị, quế hồi, thảo quả, đinh hương còn nhiều dung lượng để phát triển thị trường.
Ông Lê Hoàng Tài cho biết, chính phủ hai nước đều nhận thấy trong giai đoạn hiện nay cần đẩy mạnh hợp tác phát triển chuỗi giá trị trong các ngành hàng dệt may, da giày, thiết bị điện tử, máy móc thiết bị, hàng cơ khí… Nhóm ngành hàng hai nước có thể bổ trợ, tăng cường giá trị gia tăng như sắt thép, kim loại thường, hóa chất, dược phẩm, nhựa và các sản phẩm từ nhựa…
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, 4 tháng đầu năm 2020, tổng kim ngạch thương mại Việt Nam - Ấn Độ đạt 2,847 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ đạt 1,569 tỷ USD, nhập khẩu đạt 1,248 tỷ USD. Như vậy 4 tháng đầu năm nay, Việt Nam xuất siêu sang Ấn Độ 321 triệu USD.
Còn đối với thị trường Nepal, ông Lê Hoàng Tài nhấn mạnh, Việt Nam và Nepal đều là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và đã phát triển quan hệ kinh tế, thương mại tốt trong thời gian qua, tuy nhiên kim ngạch thương mại hai chiều còn nhỏ, mới đạt quanh ngưỡng 30 triệu USD/năm.
Để thực hiện được mục tiêu tăng cường xuất khẩu sang Ấn Độ và Nepal, một trong những kênh giao thương quan trọng và thuận lợi chính là thông qua cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống và làm ăn tại 2 thị trường này. Ước tính hiện có khoảng 500 người Việt Nam tại Ấn Độ và 40-50 người tại Nepal.
Phó Cục trưởng Lê Hoàng Tài tin tưởng các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội phát triển tại hai thị trường Nam Á này hơn nữa khi có sự đồng thuận và nỗ lực tham gia các hoạt động XTTM của các cơ quan, tổ chức XTTM và cộng đồng doanh nghiệp trong nước cũng như kiều bào tại Ấn Độ và Nepal.
Cùng quan điểm, ông Bùi Trung Thướng- Phụ trách Thương Vụ Việt Nam tại Ấn Độ cho biết, Ấn Độ và Nepal là hai thị trường còn nhiều tiềm năng để các doanh nghiệp Việt Nam có thể đẩy mạnh xuất nhập khẩu và đầu tư.
Tại Hội thảo, bà Nguyễn Huỳnh Khánh Linh- Phó Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Ấn Độ và Nepal phân tích sự khác biệt giữa mô hình doanh nghiệp của Việt Nam và Ấn Độ để các doanh nghiệp chủ động lựa chọn cách kinh doanh với thị trường này. Các doanh nghiệp Việt Nam nếu muốn thành lập công ty tại Ấn Độ thì nên chọn hình thức mở văn phòng đại diện hoặc Công ty TNHH, do loại hình này thủ tục đơn giản và chi phí thấp.
Lưu ý doanh nghiệp Việt Nam khi hợp tác thương mại và đầu tư với doanh nghiệp Ấn Độ, Hòa thượng Thích Huyền Diệu cho rằng, các doanh nghiệp cần chịu khó học hỏi, tìm hiểu kỹ văn hóa, tôn giáo của đất nước này. Để kinh doanh thành công, doanh nghiệp cần có tầm nhìn trúng, kinh doanh có đạo đức, giữ được chữ “tín” và chữ “tâm”.
Còn với thị trường Nepal, bà Võ Thị Kim Cương, Ủy Ban chấp hành, Hội người Việt Nam tại Ấn Độ và Nepal cho biết, thị trường Nepal có tiềm năng mới với những mặt hàng thuộc thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam như may mặc, nông sản… Hiện, Nepal chủ yếu vẫn nhập khẩu những mặt hàng này của Trung Quốc và Thái Lan. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần tìm hiểu để khai phá thị trường này. Đồng thời, bà Võ Thị Kim Cương khẳng định, Hội người Việt Nam tại Ấn Độ và Nepal sẵn sàng kết nối và giúp đỡ các doanh nghiệp Việt Nam tìm hiểu, khai thác hai thị trường tiềm năng này. Đặc biệt, doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý đảm bảo về thời gian và chất lượng sản phẩm khi giao hàng.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt cũng cần giữ mối quan hệ hữu hảo với đối tác Ấn Độ, Nepal. Ít nhất một năm, doanh nghiệp nên sang gặp gỡ trực tiếp đối tác một lần. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần giữ mối quan hệ mật thiết với Thương vụ, Đại sứ quán Việt Nam tại các nước này để họ giúp tìm hiểu đối tác, thị trường cũng như giúp giải quyết khi có những tranh chấp.