Ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19: Loạt doanh nghiệp du lịch báo lỗ quý III/2020

18:53 | 22/10/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Báo cáo tài chính quý III của các doanh nghiệp du lịch vừa công bố cho thấy có sự sụt giảm mạnh về doanh thu và lợi nhuận. Nguyên nhân chính do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.
Đại dịch COVID-19, làm nền "công nghiệp không khói" ảnh hưởng khá nghiêm trọng. Không chỉ riêng Việt Nam, mà hầu như toàn thế giới, việc đóng cửa biên giới đồng nghĩa với việc doanh thu ngành du lịch ảnh hưởng nhiều nhất. Dịch vụ vốn đã "ngấm đòn," nay lại có nguy cơ "đuối sức" khó hoàn thành mục tiêu năm 2020.
 
Tính chung 9 tháng năm 2020, khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 3,8 triệu lượt người, giảm 70,6% so với cùng kì năm trước, trong đó hơn 97% là khách quốc tế đến trong quí I/2020. Quí III ghi nhận chỉ hơn 51.000 lượt khách, thấp hơn con số 57.000 lượt của quí II. Theo đó, bên cạnh ngành hàng không, các doanh nghiệp dịch vụ, du lịch đều ghi nhận kết quả kinh doanh quí III thấp nhất trong lịch sử nhiều năm hoạt động.
 
Báo cáo của CTCP Dịch vụ Hàng không Tân Sơn Nhất (Sasco - Mã: SAS) công bố mới đây cho thấy, doanh thu quí III sụt giảm gần 594 tỉ đồng, giảm 84% so với cùng kì năm 2019, chỉ đạt 117 tỉ đồng. Cùng với sự sụt giảm của doanh thu, tổng chi phí giảm đến 558 tỉ đồng, giảm mạnh 88% khiến lợi nhuận sau thuế chỉ giảm 36%, đạt mức 41 tỉ đồng. Theo lãnh đạo Sasco, sự bùng phát của dịch bệnh COVID-19, các đường bay thương mại quốc tế đưa khách đi và đến Việt Nam phải tạm dừng nên ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình sản xuất kinh doanh của công ty.
 
Ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19: Loạt doanh nghiệp du lịch báo lỗ quý III/2020 - ảnh 1
 
Nguồn: BCTC của CTCP Dịch vụ Hàng không Tân Sơn Nhất (Mã: SAS).
 
Tính lũy kế 9 tháng, doanh nghiệp ghi nhận 689 tỉ đồng doanh thu và 94 tỉ đồng lãi sau thuế, lần lượt giảm 68% và 70% so với cùng kì. Thu nhập cơ bản trên mỗi cổ phần (EPS) 4 quí đạt 1.078 đồng. Năm 2020, SAS đặt kế hoạch lãi trước thuế chỉ 23 tỉ đồng, doanh thu dự kiến đạt mức 1.109 tỉ đồng. Như vậy, sau 9 tháng, công ty đạt 94 tỉ đồng lãi trước thuế, vượt 4 lần kế hoạch đề ra; đạt 2.113 tỉ đồng doanh thu, vượt 90% kế hoạch.
 
Tính đến 30/9/2020, tổng tài sản của SAS là 1.896 tỉ đồng, giảm 451 tỉ đồng so với đầu năm. Về nguồn vốn, vốn chủ sở hữu đang chiếm 63%, nợ phải trả chiếm 18%, phần lớn là nợ ngắn hạn.

Đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực lưu trú, báo cáo của CTCP Du lịch Dịch vụ Hội An (Mã: HOT) cho thấy kết quả kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn, công ty đã lỗ hơn 7 tỉ đồng trong quí III, trong khi cùng kì năm ngoái có lãi hơn 5 tỉ đồng.

Lãnh đạo HOT cho biết, dịch COVID-19 tái bùng phát trực tiếp lên ba tỉnh Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi khiến các dịch vụ lưu trú và khách sạn phải tạm dừng đón khách. Trong quí III, doanh nghiệp này chỉ kinh doanh trong thời gian 1 tháng và dự báo quí IV vẫn tiếp tục lỗ. Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần của HOT chỉ bằng 1/4 so với cùng kì năm ngoái, đạt 30 tỉ đồng, phần lớn đến từ doanh thu của Khách sạn Hội An và Khu du lịch Biển. Công ty ghi nhận lỗ trên 15 tỉ đồng so với lãi 11 tỉ đồng cùng kì năm 2019.

Không chỉ có các doanh nghiệp phục vụ khách nước ngoài, các doanh nghiệp phục vụ cho khách trong nước cũng chịu ảnh hưởng nặng nề.

Trong quí III, CTCP Cáp treo Núi Bà Tây Ninh (Mã: TCT) cũng ghi nhận doanh thu trong quí III giảm đi gần 14 lần so với cùng kì, chỉ đạt 2,6 tỉ đồng. Trong quí III, doanh nghiệp này ghi nhận lỗ gần 6 tỉ đồng so với mức lãi ghi nhận năm ngoái là 3 tỉ đồng. Lũy kế 9 tháng, doanh thu đạt 39 tỉ đồng, chỉ bằng 1/4 doanh thu cùng kì và và lãi sau thuế chỉ tượng trưng 139 triệu đồng so với mức lãi 74 tỉ năm ngoái.

Cũng chịu ảnh hưởng, nhưng hoạt động của CTCP Công viên nước Đầm Sen (Mã: DSN) tương đối tích cực so với các doanh nghiệp cùng ngành nhờ tiếp nhận một lượng khách tại TP HCM trước và sau khi dịch lắng xuống. Trong quí III, DSN ghi nhận doanh thu thuần 36 tỉ đồng, giảm 22 tỉ đồng so với cùng kì năm trước. Dù vậy, doanh nghiệp vẫn có lợi nhuận sau thuế  đạt 22,5 tỉ đồng, chỉ giảm 20% so với cùng kì.

Lũy kế 9 tháng, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của Đầm Sen lần lượt đạt 71 tỉ đồng và 23 tỉ đồng, bằng 36% và 26% so với cùng kì. Hiện tại, tổng tài sản của Đầm Sen ghi nhận 225 tỉ đồng, giảm 51 tỉ so với đầu năm, trong đó tiền và các khoản tương đường tiền chiếm 15%. 

CTCP Tàu cao tốc Superdong - Kiên Giang (Mã: SKG), doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận chuyển hành khách bằng tàu cao tốc cũng ghi nhận doanh thu giảm 20% trong quí III, đạt 86 tỉ đồng so với 108 tỉ đồng cùng kì năm ngoái.

Lãnh đạo SKG cho biết, dịch COVID-19 bùng phát đợt hai vào cuối tháng 7 đã khiến số lượng chuyến trong quí giảm 17% so với cùng kì năm trước. Lũy kế 9 tháng, doanh nghiệp thực hiện 66% kế hoạch doanh thu, đạt 235 tỉ đồng, giảm 36% so với cùng kì; hoàn thành 75% kế hoạch lợi nhuận sau thuế đạt 23 tỉ đồng, giảm 76%

Doanh thu du lịch lữ hành giảm 54,4%

 

Báo cáo của ngành du lịch thế giới cho thấy hết quý 1/2020, doanh thu từ du lịch giảm 22%, sang quý 2 toàn thế giới giảm 87%. Tốc độ giảm rất nhanh gây thiệt hại 440 tỷ USD.Tổ chức Du lịch thế giới dự báo nếu dịch tiếp tục năm nay doanh thu toàn ngành sẽ giảm 1.000 tỷ USD, và giảm 1 tỷ khách du lịch.

Ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19: Loạt doanh nghiệp du lịch báo lỗ quý III/2020 - ảnh 2

Lượng khách quốc tế đến Việt Nam 9 tháng đầu năm qua các giai đoạn

Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, khó khăn do dịch COVID-19 đã khiến gần 200 doanh nghiệp lữ hành quốc tế xin thu hồi giấy phép, tăng gần 3  lần so với cùng kỳ 2019. Hàng ngàn lao động bị mất việc làm; nhiều công ty phá sản, đóng cửa. Rất nhiều giải pháp đã được đưa ra để tháo gỡ khó khăn cho ngành du lịch nhưng mấu chốt vẫn phải là sự nỗ lực, chủ động tìm ra hướng đi mới của mỗi doanh nghiệp

Khách quốc tế đến nước ta trong tháng 8 đạt 16,3 nghìn lượt người, tăng 16,9% so với tháng trước nhưng vẫn giảm 98,9% so với cùng kỳ năm 2019 do Việt Nam tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, chưa mở cửa du lịch quốc tế. Tính chung 8 tháng năm nay, khách quốc tế đến nước ta chỉ đạt gần 3,8 triệu lượt người, giảm 66,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách đến từ châu Á đạt 2.757,7 nghìn lượt người, chiếm 73,1% tổng số khách quốc tế đến nước ta, giảm 68,8% so với cùng kỳ năm trước. Khách đến từ hầu hết các thị trường chính như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Thái Lan đều giảm mạnh với tỉ lệ giảm từ 60% - trên 70%. Khách đến từ châu Âu trong 8 tháng ước tính đạt 667,6 nghìn lượt người, giảm 54,8% so với cùng kỳ năm trước.

Dịch Covid-19 làm cho các chính sách kích cầu du lịch nội địa không thể thực hiện, nhiều khách du lịch hủy tour và nhiều sự kiện lễ hội văn hóa hủy bỏ, một số địa điểm thăm quan phải đóng cửa trở lại. Một số địa phương có doanh thu du lịch lữ hành 8 tháng giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước: Khánh Hòa giảm 76,6%, thành phố Hồ Chí Minh giảm 72,1%, Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 67,2%, Quảng Nam giảm 66,5%, Kiên Giang giảm 64,7%, Đà Nẵng giảm 63,6%, Cần Thơ giảm 55,4%, Quảng Ninh giảm 54,9%, Hà Nội giảm 42,2%, Bình Định giảm 41,9%, Thanh Hóa giảm 40%, Hải Phòng giảm 38%.

Ngành du lịch đang hy vọng sẽ tăng doanh thu trở lại trong những tháng cuối năm khi Việt Nam đã kiểm soát được dịch Covid-19 và dự kiến khôi phục một số đường bay quốc tế.

Xem Thêm: Doanh nghiệp thủy điện báo lãi khủng quý III/2020

Nguyễn Dung(t/h)