Áp dụng công nghệ để duy trì tăng trưởng chất lượng cao

07:12 | 23/03/2019 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Đây là một trong những kiến nghị được chia sẻ tại Hội thảo “Mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến 2045” diễn ra vào sáng 20/3.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết, tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ có lẽ là điều kiện tiên quyết quan trọng nhất để phát triển thành công. Kể từ khi công cuộc Đổi Mới được bắt đầu vào cuối những năm 1980, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Mức tăng trưởng kinh tế đạt gần 7%/năm. Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người đã tăng gần gấp 5 lần.

Tuy nhiên, theo ông Ousmane Dione, hành trình Việt Nam trở thành một nền kinh tế có thu nhập cao chỉ mới bắt đầu. Bởi những thành tựu trong 30 năm qua không đảm bảo cho sự thành công trong tương lai. Tác động của những cải cách thể chế và cấu trúc giai đoạn đầu dường như đã tới hạn. Việc điều chỉnh và thay đổi mô hình tăng trưởng mang tính cấp thiết nếu Việt Nam mong muốn trở thành nước có thu nhập trung bình cao thành công vào năm 2030 và là nước có thu nhập cao vào năm 2045.

Để đạt được khát vọng này, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, nền kinh tế cần hoạt động hiệu quả và bền vững trong suốt hơn 25 năm tới, tăng trưởng trung bình ít nhất phải bằng mức trong 30 năm qua. Và mục tiêu này phải đạt được trong một bối cảnh đầy thách thức. Bởi Việt Nam đang phải đối mặt với những trở lực mang tính cấu trúc đang gia tăng, bao gồm dân số già hóa nhanh, tác động của tích lũy nhân tố giảm, cũng như chi phí môi trường ngày càng lớn trong quá trình phát triển. Trên thế giới, Việt Nam sẽ phải lựa chọn hướng đi trong một bối cảnh đang thay đổi, những chuyển đổi về mô hình thương mại và đầu tư toàn cầu sẽ ít thuận lợi hơn cho sự tăng trưởng dựa vào xuất khẩu và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vừa là cơ hội đang được định hình, vừa tạo ra những rủi ro mới.

Đưa ra những kiến nghị Việt Nam tăng trưởng kinh tế chất lượng cao trong giai đoạn 2021-2030, ông Ousmane Dione nhấn mạnh: “Chúng ta đang sống trong thời đại công nghệ đột phá mang đến cả thách thức và cơ hội, tôi muốn gọi đó là ‘Đổi Mới 4.0. Để giảm nhẹ các rủi ro này và tận dụng triệt để cơ hội mới, Việt Nam cần đẩy nhanh cải cách tập trung nâng cao năng suất và đổi mới sáng tạo, coi đây là những động lực tăng trưởng chủ yếu trong thập kỷ tới. Việt Nam sẽ phải thực hiện các bước loại bỏ các nút thắt đang cản trở đầu tư tư nhân, tăng cường năng lực cho các thể chế công, cũng như đầu tư vào những kỹ năng mà lực lượng lao động cần có trong thế kỷ 21.”

Áp dụng công nghệ để duy trì tăng trưởng chất lượng cao - ảnh 1
 Toàn cảnh Hội thảo“Mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến 2045”.
Đánh giá kết quả đổi mới mô hình tăng trưởng của Việt Nam giai đoạn 2011-2020, PGS, TS Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam (VASS) cho biết: Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam ở mức tương đối cao nhưng trên thực tế không đạt mục tiêu theo chiến lược đã đề ra, trung bình chỉ đạt 6,3% so với mục tiêu đề ra là bình quân 7-8%/năm mặc dù có lợi thế về dân số vàng. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) góp hơn 50% giá trị sản lượng nông nghiệp, 72% giá trị xuất khẩu, 23,4% vốn đầu tư xã hội. Tuy nhiên vẫn tồn đọng một số mặt hạn chế…
Từ nhận định này, PGS, TS Bùi Quang Tuấn đề xuất Việt Nam nên tập trung vào việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng chất lượng, tiến tới chấm dứt theo đuổi mô hình theo chiều rộng vì còn ít dư địa; thay đổi tỉ lệ các nguồn lực đóng góp cho tăng trưởng, ưu tiên cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, tận dụng hai cơ hội vàng là CMCN 4.0 và cơ cấu "dân số vàng" để có thể tăng trưởng nhanh và chất lượng; ưu tiên sử dụng và khai thác năng lượng tái tạo để phục vụ tăng trưởng xanh; tập trung giải quyết các vấn đề bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học và phát thải khí nhà kính để đảm bảo tăng trưởng xanh và chất lượng tăng trưởng...
Xoay quanh vấn đề làm thế nào để tạo bứt phá cho tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021-2030, TS. Vũ Viết Ngoạn, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng chia sẻ, kết quả nghiên cứu cho thấy rằng mô hình tăng trưởng thâm dụng lao động, dựa trên xuất khẩu mà Việt Nam theo đuổi giai đoạn 2011-2020 đã trở nên lỗi thời trong bối cảnh CMCN 4.0 và các yếu tố mới khác như các chuỗi giá trị toàn cầu đã phát triển gần hoàn thiện, tình trạng thoát công nghiệp hóa sớm và ngành dịch vụ ngày càng có vai trò lớn hơn.
Do đó, TS. Ngoạn khẳng định động lực tăng trưởng của Việt Nam trong giai đoạn tới chính là sự đột phá về tăng năng suất.Và đặc trưng của mô hình tăng trưởng giai đoạn 2021-2030 sẽ là: Chuyển dần từ thâm dụng lao động sang thâm dụng vốn và tri thức; chuyển dần từ lượng sang chất; thúc đẩy công nghệ, sáng tạo, tinh thần doanh nhân chiếm vị trí trọng tâm thúc đẩy tăng trưởng.
Yếu tố then chốt của mô hình tăng trưởng mới theo TS. Ngoạn là tích lũy năng lực công nghệ và tích lũy vốn; trọng tâm chính sách là xây dựng hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia. Đổi mới sáng tạo được hiểu là sử dụng tri thức để phát triển và ứng dụng ý tưởng mới, thay đổi sản xuất và quản lý, thúc đẩy tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả. Đổi mới sáng tạo bao hàm cả tiếp thu, phát minh, truyền bá, ứng dụng tri thức một cách có hiệu quả, qua đó nâng cao hiệu quả, năng suất, sức cạnh tranh của quốc gia/doanh nghiệp.
Ngoài ra, TS. Ngoạn nhận định, nếu thúc đẩy ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo, GDP năm 2030 của Việt Nam có thể tăng thêm 60,6 tỷ USD; còn tới năm 2045, GDP có thể tăng thêm 168,6 tỷ USD, tăng thêm 1,1% hàng năm.