Áp dụng công nghệ hiện đại để ngành dệt may phát triển bền vững
(DNVN) - Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) với các ứng dụng phổ biến của tự động hóa, Internet kết nối vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (big data) và trí tuệ nhân tạo (AI)… đang tạo ra cả thách thức và cơ hội lớn cho ngành dệt may.
Nhằm giúp các doanh nghiệp chủ động trong hoạch định chiến lược, tận dụng những thành tựu của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng như giảm thiểu các thách thức, Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) đã tổ chức hội thảo kết nối kỹ thuật số với tên gọi “Sản xuất tốt hơn với sự trợ giúp kỹ thuật số trong ngành dệt may.
Tại hội thảo, theo các chuyên gia đánh giá hiện nay tăng trưởng xuất khẩu dệt may vẫn dựa vào sản xuất gia công và nhân công giá rẻ và 2 yếu tố này không bền vững. Theo quy luật chung, sản xuất gia công sẽ chuyển dịch về các quốc gia có nguồn nhân công giá rẻ hơn, trong khi đó chi phí cho lao động của Việt Nam ngày một tăng.
Bên cạnh đó, một yếu tố quan trọng là việc áp dụng khoa học công nghệ trong ngành dệt may còn hạn chế. Theo một khảo sát của Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công Thương) công bố năm 2018, tỉ lệ sử dụng thiết bị công nghệ có trình độ cao, nhất là sử dụng phần mềm trong thiết kế sản phẩm, quản lý sản xuất chiếm khoảng 20%; 70% thiết bị có công nghệ trung bình; 10% công nghệ thấp. Với lĩnh vực dệt, hầu hết thiết bị dệt thoi có trình độ trung bình khá nhưng công nghệ sử dụng trong dệt kim chỉ ở mức thấp và trung bình.
Nhìn nhận về vấn đề này, ông Trương Văn Cẩm, Tổng Thư ký VITAS cho hay, trong 10 năm qua, ngành dệt may đã đón được xu hướng dịch chuyển sản xuất từ các nước xung quanh về Việt Nam và có sự gia tặng mạnh mẽ về kim ngạch xuất khẩu. Theo dự kiến, năm 2019 kim ngạch xuất khẩu dệt may sẽ đạt 40 tỷ USD.
Bên cạnh đó, với việc áp dụng tự động hóa, giảm số lượng lao động trực tiếp, liên kết dữ liệu giữa các thiết bị sản xuất, ngành dệt may sẽ có cơ hội sản xuất xanh, sạch, tiết kiệm các nguồn lực tự nhiên, giảm thiểu tồn kho. Đồng thời, việc áp dụng công nghệ in 3D cho phép tạo ra sản phẩm phù hợp với từng cá thể sử dụng, thỏa mãn tối đa nhu cầu người dùng và qua đó giảm lãng phí cho nhà sản xuất. Đặc biệt, năng suất lao động cao sẽ tạo cơ hội cho người lao động có thu nhập cao, giúp ngành dệt may Việt Nam bứt phá, thoát ra khỏi bẫy dùng nhiều lao động nhưng lương không cao, lao động không ổn định.
“Tương lai phía trước của ngành dệt may rất rộng mở khi được đánh giá là một trong những ngành sẽ hưởng nhiều lợi ích nhất từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam ký kết với rất nhiều lợi thế", ông Cẩm nhấn mạnh.
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của CMCN 4.0, ông Cẩm cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, áp dụng công nghệ là con đường duy nhất giúp ngành dệt may Việt Nam bứt phá, thoát ra khỏi bẫy dùng nhiều lao động nhưng lương không cao, lao động không ổn định. Đồng thời giúp các doanh nghiệp chủ động trong hoạch định chiến lược, tận dụng thành tựu của cách mạng 4.0 cũng như giảm thiểu các thách thức khi tham gia vào các hiệp định thương mại.
Ông Eu Joong Kim, Tham tán Thương mại Hàn Quốc tại Việt Nam cũng khuyến cáo, mặc dù ngành dệt may Việt Nam có nền tảng tốt với nhiều lợi thế nhưng trong bối cảnh công nghệ phát triển như hiện nay nếu chỉ dựa vào chi phí nhân công rẻ thì chưa đủ mà phải có công nghệ mới hỗ trợ để tăng khả năng cạnh tranh cho các doanh nghiệp.
Bởi nếu các doanh nghiệp ngành dệt may không quan tâm tới cuộc cách mạng 4.0 và có những kế hoạch áp dụng công nghệ số và tự động hóa trong sản xuất kinh doanh thì khả năng doanh nghiệp sẽ bị loại ra khỏi thị trường là rất lớn.
Ngoài ra, ông Eu Joong Kim nhận định, việc Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) vừa được ký kết sẽ tạo ra nhiều cơ hội lớn cho ngành dệt may Việt Nam, nhất là trong việc gia tăng kim ngạch xuất khẩu.
Đặc biệt, Việt Nam có thế mạnh là quy định về xuất xứ cộng gộp trong EVFTA giúp sản phẩm sản xuất từ nguyên liệu nhập khẩu từ Hàn Quốc cũng được tính xuất xứ Việt Nam khi xuất khẩu sang EU. Điều đó không chỉ mang lại thuận lợi cho dệt may Việt Nam mà còn là cơ hội hợp tác cho doanh nghiệp dệt may Hàn Quốc.