Apax Holdings của Shark Thủy còn 700 tỷ đồng tiền mặt

Trang Mai 09:02 | 17/02/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Sau 2 lần bị Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM nhắc nhở, CTCP Apax Holdings (mã: IBC) do ông Nguyễn Ngọc Thuỷ (hay còn gọi là “shark” Thuỷ) đã có công bố báo cáo tài chính quý IV/2022 với tình hình kinh doanh ảm đạm nhất từ khi niêm yết.

Trong quý IV/2022, IBC ghi nhận doanh thu thuần âm 46 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm ngoái đạt 352 tỷ đồng. Dù đã hoàn nhập gần 85 tỷ đồng từ chi phí bán hàng khiến lợi nhuận gộp tăng lên 36 tỷ đồng (giảm 66% so với cùng kỳ), thế nhưng hàng loạt chi phí đồng loạt tăng mạnh đã khiến doanh nghiệp lỗ sau thuế 93 tỷ đồng. Đây cũng là mức lỗ kỷ lục trong lịch sử hoạt động của IBC. Những con số về doanh thu và lợi nhuận đều không có giải trình cụ thể. 

Lũy kế cả năm 2022, IBC mang về tổng doanh thu 1.336 tỷ đồng, tăng 35% so với năm 2021. Tuy nhiên, nhiều khoản chi phí tăng mạnh như chi phí tài chính tăng gấp 2 lần lên 204 tỷ đồng (trong đó lãi vay tăng hơn 3 lần lên 161 tỷ); Chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 133% lên 200 tỷ đồng; Chi phí khác tăng 2 lần lên 32 tỷ đồng. Kết quả, công ty lỗ sau thuế 81 tỷ đồng, so với năm 2021 lãi 6 tỷ đồng. 

Như vậy, IBC không hoàn thành cả kế hoạch doanh thu và lợi nhuận năm. 

Ngoài công bố kết quả kinh doanh ảm đạm của quý IV và cả năm 2022, doanh nghiệp của shark Thuỷ còn giảm kết quả kinh doanh của năm 2021. Cụ thể, doanh thu của IBC trong báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021 là 1.734 tỷ đồng, tuy nhiên tại báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2022, chỉ số này được điều chỉnh về 989 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế cũng được điều chỉnh giảm mạnh 16 lần, từ 96 tỷ đồng về chỉ còn 6 tỷ đồng.

 

Về tình hình tài chính, tại ngày 31/12/2022, IBC có tổng cộng 3.067 tỷ đồng nghĩa vụ nợ phải trả, tăng nhẹ so với đầu năm và gấp đôi vốn chủ sở hữu (1.520 tỷ đồng). Trong đó vay và nợ thuê tài chính cả ngắn hạn và dài hạn 1.915 tỷ đồng, chiếm 62% tổng nợ (không được thuyết minh). Trong năm 2022, công ty phải trả 161 tỷ đồng lãi vay, gấp 2,3 lần so với năm trước (48 tỷ đồng). 

Dù vậy, IBC vẫn có 737 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền, chiếm 16% tổng tài sản, bao gồm gần 697 tỷ đồng tiền mặt (cao nhất từ trước đến nay) và 40 tỷ đồng tương đương tiền. Ngoài ra, khoản phải thu ngắn hạn khác tăng vọt từ 878 tỷ đồng lên 1.275 tỷ đồng, phải thu dài hạn khác tăng từ 98 tỷ đồng lên 350 tỷ đồng; tuy nhiên công ty cũng không thuyết minh rõ.

Tính đến 31/12/2022, Apax Holdings có 3 công ty con là: CTCP Anh Ngữ Apax (sở hữu 66,36% vốn), CTCP Phát triển Giáo dục Igarten (51,2% vốn) và CTCP Trường liên cấp Firbank Australia (99,35% vốn). 

Trước tình trạng Anh Ngữ Apax bị giáo viên tố nợ lương, phụ huynh đòi tiền,... trong một thông báo cuối năm 2022, đại diện công ty đã tuyên bố Apax sẽ tiến hành kế hoạch tái cấu trúc chung cho hệ thống kể từ 25/11/2022 và dự kiến kết thúc vào hết quý I/2023. Trong diễn biến mới nhất, Apax cho biết đã có hơn 30 trung tâm đủ điều kiện và chuẩn bị mở lại trong tháng 2/2023. Tuy nhiên, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM cho biết vẫn chưa nhận được hồ sơ từ phía doanh nghiệp.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu IBC liên tục lao dốc trong tháng 11 và 12/2022. Với chuỗi cả chục phiên sàn liên tiếp, IBC từ mức xấp xỉ 20.000 đồng/cp cùng kỳ năm trước về còn vùng 2.690 trong phiên 16/2, tức thị giá giảm hơn 7 lần.