Ba lựa chọn chính sách cho Fed trong chặng cuối của cuộc chiến chống lạm phát

Yên Khê 17:30 | 23/08/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Fed đang bước vào giai đoạn căng não nhất trong cuộc chiến chống lạm phát. Wall Street Journal cho biết ngân hàng trung ương Mỹ hiện có ba lựa chọn chính sách cho giai đoạn này.

Màn hình lớn tại Sàn Giao dịch Chứng khoán New York chiếu bài phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell. (Ảnh: Reuters).

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed ) đã hoàn thành phần lớn công việc cần để khống chế lạm phát. Từ tháng 3 năm ngoái, Fed đã nâng lãi suất 11 lần lên phạm vi 5,25 - 5,5% và lạm phát đã hạ từ mức cao 9,1% xuống còn 3,2% vào tháng 7.

Tuy vậy, ngân hàng trung ương Mỹ lại đang đối mặt với một câu hỏi hóc búa mới, đó là chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ cần phải quyết liệt đến mức nào nữa?

Quyết định của Fed có ý nghĩa to lớn đối với người tiêu dùng, thị trường tài chính và tăng trưởng, cũng như tham vọng hạ cánh mềm nền kinh tế của Chủ tịch Jerome Powell .

Trong bối cảnh lạm phát vẫn cao hơn mức mục tiêu 2%, giới chức Fed vẫn phải cân nhắc có nên tăng lãi suất thêm một lần nữa hay không. Song, đây chỉ là một vấn đề nhỏ so với câu hỏi lớn hơn là Fed nên giữ lãi suất ở mức cao trong bao lâu.

Họ có thể nhanh chóng đạt được mục tiêu 2% vào cuối năm nay bằng cách tăng lãi suất lên cao hơn và chỉ nới tay khi nền kinh tế yếu đi. Cách làm này có nguy cơ gây ra một cuộc suy thoái nghiêm trọng và xoá sổ khả năng hạ cánh mềm.

Mặt khác, nếu hài lòng rằng lạm phát đang hạ nhiệt một cách bền vững, họ có thể tạm ngừng tay và xem xét hạ lãi suất vào cuối năm tới. Nếu làm vậy, Fed sẽ mất nhiều thời gian hơn để đưa lạm phát về con số 2%, ước tính là khoảng ba năm.

Ở kịch bản khác, một số nhà kinh tế gợi ý ngân hàng trung ương Mỹ nên chấp nhận để lạm phát duy trì quanh mức 3%, coi đây là mục tiêu mới, theo tờ Wall Street Journal (WSJ).

Kết thúc cuộc chiến chống lạm phát như thế nào có thể sẽ là một chủ đề tranh luận quan trọng giữa các nhà hoạch định chính sách khi họ tập trung tại hội nghị thường niên Jackson Hole vào cuối tuần này.

Nhanh hơn hay chậm hơn?

Giới chuyên gia đã bắt đầu thảo luận về định hướng chính sách của Fed.

Phe thứ nhất là những người ủng hộ Fed nên hành động nhanh chóng, thắt chặt chính sách hơn nữa để ép lạm phát xuống dưới mức mục tiêu, ngay cả khi có thể đẩy Mỹ vào suy thoái.

Họ cho rằng việc mất quá nhiều thời gian để khống chế lạm phát có thể làm xói mòn uy tín của ngân hàng trung ương Mỹ, đặc biệt là nếu nền kinh tế gặp phải những cú sốc mới khiến áp lực giá phình to trở lại.

Nếu kịch bản trên xảy ra, Mỹ có thể sẽ phải hứng chịu một cuộc suy thoái đáng ngại hơn mới có thể đẩy lạm phát xuống thấp, như những gì từng diễn ra vào những năm 1980. Thuốc đắng dã tật, nhóm này nhấn mạnh.

Phe thứ hai cho rằng Fed có thể học hỏi cựu Chủ tịch Alan Greenspan và đưa lạm phát về mức mục tiêu một cách nhàn nhã hơn.

Thay vì ngay lập tức ép lạm phát xuống 2%, Fed có thể làm dần dần trong vài năm bằng cách duy trì lãi suất ở mức cao hơn một chút so với cần thiết và để các sự kiện bất ngờ, chẳng hạn như suy thoái kinh tế, đẩy lạm phát xuống từng chút.

Nhóm thứ hai nhấn mạnh, chiến lược này sẽ giúp Fed cân bằng tốt hơn giữa hai nhiệm vụ ổn định giá cả và duy trì trạng thái toàn dụng việc làm.

Nhiều cựu quan chức Fed nói chiến lược này sẽ có hiệu quả nếu lạm phát giảm xuống dưới 3% và khựng lại. Trên thực tế, các nhà hoạch định chính sách hiện giờ không thể kiên nhẫn nếu lạm phá vẫn quanh quẩn mức 3%.

Các ông Eric Rosengren (cựu Chủ tịch Fed chi nhánh Boston), Charles Evans (chi nhánh Chicago) và cựu Phó Chủ tịch Richard Clarida nói vấn đề đáng ngại sẽ phát sinh, bởi nếu không có những dấu hiệu rõ ràng hơn về suy thoái kinh tế, áp lực tiền lương sẽ tác động lên giá cả.

Ông Evans nói: “Fed phải hạ lạm phát lõi xuống dưới 3% trước khi bắt đầu thấy hài lòng [về nỗ lực của mình”. Lạm phát lõi, không tính giá năng lượng và lương thực, dự kiến sẽ đạt mức 3,5% vào đầu năm tới.

Lạm phát tiếp tục duy trì trên 3% có thể buộc Fed phải tiếp tục nâng lãi suất. Một khi áp lực giá tụt khỏi mức đó, khả năng Fed cân nhắc hạ lãi suất mới lớn dần, ông nói thêm.

Thay đổi mục tiêu lạm phát

Phe thứ ba cho rằng ngân hàng trung ương Mỹ nên nâng mục tiêu lạm phát  lên 3%. Các nhà kinh tế ủng hộ phương án này bởi cái giá phải trả để ép lạm phát xuống 2% trong hai năm tới có thể khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh.

Một số người đã kết luận từ nhiều năm trước rằng, do Fed không thể hạ lãi suất nhiều hơn khi lãi suất đã giảm xuống 0, nên mục tiêu lạm phát 2% là quá thấp.

Khi nâng mục tiêu lên 3%, lãi suất sẽ cao hơn khi nền kinh tế tăng trưởng ổn định, giúp Fed có thêm dư địa để giảm chi phí đi vay khi nền kinh tế suy thoái, tờ WSJ giải thích.

Nhóm thứ ba cho rằng trong bối cảnh giá cả đã đi xuống so với mức cao hồi năm ngoái, Fed có thể từ từ chuyển sang áp dụng mục tiêu lạm phát 3%. Ông Adam Posen, Chủ tịch Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, nhấn mạnh: “Mục tiêu lạm phát không phải thứ bất di bất dịch”.

Ý tưởng nâng mục tiêu lạm phát lên cũng được các đảng viên Dân chủ ủng hộ, bởi họ lo ngại rằng tỷ lệ thất nghiệp gia tăng hoặc suy thoái kinh tế sẽ đe doạ triển vọng tái đắc cử của Tổng thống Joe Biden.

Các cựu quan chức cũng như nhà hoạch định chính sách hiện tại của Fed đều cho rằng thay đổi mục tiêu lạm phát sẽ là một sai lầm lớn.

Nhiều ngân hàng trung ương sử dụng mục tiêu lạm phát để thuyết phục công chúng rằng giá cả sẽ duy trì ở mức thấp và ổn định, bởi họ đã báo trước mình sẽ phản ứng như thế nào nếu lạm phát vọt lên cao hơn.

Mùa thu năm ngoái, ông Powell đã nhấn mạnh rằng Fed sẽ không cân nhắc thay đổi mục tiêu lạm phát vì toàn bộ chiến lược của ngân hàng trung ương có thể sẽ bị suy yếu.

“Chúng tôi sẽ không cân nhắc việc đó trong bất kỳ trường hợp nào. Đây không phải là lúc chúng ta có thể bắt đầu bàn về việc điều chỉnh mục tiêu lạm phát”, ông nói rõ.

Chủ tịch Fed chi nhánh Richmond Tom Barkin cũng từng chia sẻ: “Nếu bạn đơn phương tuyên bố rằng mình sẽ không hoàn thành mục tiêu đã đề ra, bạn cũng đang cho mọi người thấy mình không đáng tin dù đặt ra bất kỳ mục tiêu nào khác”.

Hiện tại, một số quan chức Fed muốn thấy những dấu hiệu rõ ràng hơn chứng tỏ hoạt động kinh tế đang chậm lại và lạm phát sẽ tiếp tục đi xuống. Nếu không, họ có thể thúc giục các đồng nghiệp tăng lãi suất một lần nữa trong năm nay.

Ông James Bullard, người vừa từ chức Chủ tịch Fed chi nhánh St. Louis vào tháng trước, cho biết “liệu nền kinh tế có thực sự tăng tốc trong nửa cuối năm 2023 hay không” sẽ là một yếu tố quan trọng để cân nhắc.

Một số nhà hoạch định chính sách khác, bao gồm cả ông Powell, thì cho rằng lãi suất hiện đã kìm hãm nền kinh tế bằng cách làm chậm hoạt động tuyển dụng, chi tiêu và đầu tư.