Bài 13: Hỗ trợ doanh nghiệp, tránh tình trạng lợi dụng chính sách để trục lợi

09:24 | 29/08/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Chính phủ cần giám sát chặt chẽ để việc hỗ trợ này đến được với những doanh nghiệp thật sự khó khăn, tránh tình trạng lợi dụng chính sách để trục lợi.

Cần những động thái thực chất hơn

Tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn ra ngày càng phức tạp trên cả nước. Nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng. Hệ luỵ là, việc hoạt động kinh doanh sản xuất của doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Mặc dù ảnh hưởng như vậy, nhưng doanh nghiệp vẫn phải đang chi trả rất nhiều chi phí như: Lương, bảo hiểm xã hội, thuế... Một trong những chi phí rất lớn cần phải kể đến là chi phí lãi vay, bên cạnh đó cộng đồng doanh nghiệp cần gấp gói tín dụng giá rẻ khổng lồ, để phục hồi sản xuất khi dịch bệnh qua đi.

Những chính sách cơ cấu nợ, giảm, miễn lãi cho doanh nghiệp tại thời điểm này là điều cực kỳ cần thiết, để giúp doanh nghiệp vượt qua đại dịch cũng như giúp tránh những hệ luỵ xấu cho xã hội. Một khi doanh nghiệp rơi vào tình trạng mất khả năng chi trả, nhiều khả năng là: doanh nghiệp phá sản, người lao động bị mất việc làm, nhà nước mất nguồn thu thuế, thậm chí bản thân hệ thống ngân hàng cũng phải gánh chịu hậu quả từ những khoản nợ xấu này.

Bài 13: Hỗ trợ doanh nghiệp, tránh tình trạng lợi dụng chính sách để trục lợi - ảnh 1

Luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch TAT Law firm.

Ngay từ năm 2020, khi dịch bệnh mới bắt đầu, Ngân hàng Nhà nước đã kịp thời ban hành Thông tư số 01/2020/TT-NHNN và Thông tư số 03/2021/TT-NHNN để yêu cầu ngân hàng thương mại hỗ trợ khách hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, hoặc giữ nguyên nhóm nợ. Theo đó, (Điều 7 Thông tư 01/2020/TT-NHNN) yêu cầu Ngân hàng thương mại phải: “Ban hành quy định nội bộ để xác định khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid 19; Gửi báo cáo hàng tháng về tình hình thực hiện thông tư trên về Ngân hàng nhà nước.”

Bước đầu, chính sách đã đem lại những con số hết sức tích cực. Theo số liệu báo cáo nhanh hàng tuần của các tổ chức tín dụng mà Ngân hàng Nhà nước cung cấp, đến ngày 26/7/2021, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 198.638 khách hàng với dư nợ 309.147 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho 787.479 khách hàng với dư nợ 1.395.135 tỷ đồng; cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ 23/1/2020 đến nay đạt 4.042.012 tỷ đồng cho 525.401 khách hàng.

Tuy nhiên, các quy định nội bộ này thường đặt ra thủ tục, tiêu chuẩn rất cao và thực tế là, nhiều doanh nghiệp khó lòng đáp ứng được.

Bên cạnh đó, có tình trạng ngân hàng thương mại không công bố rộng rãi các quy định nội bộ này, dẫn đến tình trạng nhiều khách hàng không biết các quy định nội bộ này của ngân hàng để được hỗ trợ. Mặt khác, để các Ngân hàng tính toán và thu xếp các gói tài chính cho những khoản hỗ trợ, đôi khi vượt quá nguồn lực của họ, vì suy đến cùng Ngân hành bản thân họ cũng là một doanh nghiệp, đi tìm kiếm lợi nhuận. Cho nên, để việc hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn này được hiệu quả thì cần những động thái thực chất hơn, cụ thể hơn.

Gói cứu trợ 70-80 tỷ USD  để vực dậy kinh tế

Quan sát các động thái của những quốc gia trên thế giới, giải cứu nền kinh tế bị tác động nặng nề bởi đại dịch Covib cho thấy, những quốc gia này thường tung ra gói cứu trở khoảng 20% GDP quốc gia. Một con số chưa đầy đủ thì Chính phủ Anh tung ra gói cứu trợ 299 tỷ Bảng trong khoảng thời gian 2020 đến nửa đầu năm 2021, Hoa Kỳ đã triển khai gói cứu trợ 4000 tỷ USD, nước Đức bơm vào nền kinh tế 4.000 tỷ USD, 6 tháng đầu năm 2020 Singapo chi ra gói hỗ trợ 20% GDP tương đương 60 tỷ đô la, trong khi đó chỉ riêng gói cứu trợ năm 2020 của Nhật đã lên đến 708 tỷ đô la. Trong đó, hầu hết các nước đều chi vào nghiên cứu thuốc điều trị ngăn ngừa bệnh, hỗ trợ người nghèo và một lượng lớn số tiền đó được chi cho việc cứu trợ doanh nghiệp thông qua các gói tín dụng, chưa kể các chính sách về thuế.

Bài 13: Hỗ trợ doanh nghiệp, tránh tình trạng lợi dụng chính sách để trục lợi - ảnh 2

Ảnh: Báo Đầu Tư

Như vậy, với quy mô GDP như hiện nay của Việt Nam, chúng ta cần một gói cứu trợ từ 70, đến 80 tỷ USD mới đủ sức vực dậy nền kinh tế cũng như cứu trợ khẩn cấp cho người dân bị ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh. 

Theo con số khảo sát của VCCI, có tới 87,2% doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực bởi COVID-19 trong năm 2020. Như vậy, đến thời điểm này, con số doanh nghiệp bị ảnh hưởng có thể lên tới 99%, hiện đã có trên 80.000 doanh nghiệp đóng cửa.

Do đó, phần lớn trong số các khoản vay đến hạn của các doanh nghiệp cần được khoanh lại, không tính lãi và giãn thời gian trả nợ cho đến khi các doanh nghiệp phục hồi trở lại, việc này cũng cần phải có thời gian từ một đến hai năm sau khi kết thúc dịch bệnh. Muốn làm được điều này, Ngân hàng nhà Nước cần chi ra cho hệ thống các tổ chức tín dụng một gói hỗ trợ khổng lồ.

Tuy nhiên, đây cũng chỉ là một phần sự kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp đối với nhà nước, khi các doanh nghiệp được trút được gánh nặng về các khoản nợ đáo hạn, thì những khó khăn mà họ phải đối mặt sau dịch bệnh qua đi, đó là các chi phí lương bổng, BHXH, các chi phí cố định khác, ngoài ra họ cũng cần một lượng vốn lớn để phục hồi sản xuất và để giải quyết được khó khăn này, lại đòi hỏi nhà nước hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp một gói tín dụng khổng lồ, nhưng kèm theo điều kiện lãi suất thật ưu đãi, nếu không được 0% thì cũng cần ở mức thấp hơn 5% như dự kiến của một số ngân hàng hiện nay.

Hiện các doanh nhiệp đang rất khó khăn trong đề nghị và thu thập chứng từ chứng minh việc bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 để thực hiện các biện pháp hỗ trợ giảm lãi suất, cơ cấu nợ theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN và Thông tư 03/2021/TT-NHNN. Lý do chính là bởi nhiều địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, việc tiếp cận khách hàng để thẩm định và hỗ trợ gặp nhiều trở ngại, người của doanh nghiệp không thể tới ngân hàng để hoàn thành thủ tục cơ cấu nợ.

Do đó, việc hỗ trợ cần phải thực sự thu hút và hấp dẫn doanh nghiệp. Theo đó, Chính phủ cần chỉ đạo xoá bỏ các thủ tục yêu cầu doanh nghiệp phải chứng minh việc bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, bởi dịch bệnh và hệ luỵ của nó là mặc nhiên gây ra khó khăn đối với doanh nghiệp.

Cuối cùng, Chính phủ cần giám sát chặt chẽ để việc hỗ trợ này đến được với những doanh nghiệp thật sự khó khăn, tránh tình trạng lợi dụng chính sách để trục lợi.

Tóm lại, Chính phủ cần có những giải pháp thực chất hơn, mạnh mẽ hơn nữa trong việc giúp đỡ các doanh nghiệp đang gặp khó khăn do đại dịch Covid 19. Một gói cứu trợ đủ lớn, cũng như việc triển khai công bằng, hiệu quả, minh bạch sẽ giúp cho các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thách thức chưa từng có trong bối cảnh đại dịch này.

"Trong bối cảnh nguồn lực có hạn, Chính phủ nên tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ thay vì các doanh nghiệp lớn. Như chúng ta đã thấy, vừa qua nhà nước hỗ trợ cho Vietnam Airline số tiền 12.000 tỷ nhưng cũng chưa thấm thoát gì so với nhu cầu của doanh nghiệp này. Nhưng với số tiền đó, chúng ta có thể “cấp cứu” cho hằng ngàn doanh nghiệp nhỏ. Hơn nữa, doanh nghiệp vừa và nhỏ là động lực phát triển chính của nền kinh tế, vì các doanh nghiệp thường này thu hút được lượng lớn nhân lực cũng như dễ dàng xoay chuyển linh hoạt trong mọi tình huống, nhất là trong bối cảnh đại dịch này, nên những doanh nghiệp loại này sẽ giúp nền kinh tế phục hồ nhanh hơn, hay nói cách khác là hiệu quả đầu tư của nhà nước sớm phát huy hiệu quả hơn".

Luật sư Trương Anh Tú

 Luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch TAT Law firm