Ổn định chi phí đầu vào, doanh nghiệp yên tâm sản xuất

Ngọc Quỳnh/TTXVN 07:56 | 17/04/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Có được những chỉ dấu tích cực này là nhờ một số chính sách điều hành kinh tế vĩ mô mà Chính phủ cùng các bộ, ngành triển khai đang dần phát huy hiệu quả trên thực tiễn.

Theo Tổng cục Thống kê, xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp trong quý đầu tiên của năm đã có nhiều chuyển biến tích cực với 61,5%  doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và tốt hơn so với quý IV năm 2022. Dự kiến quý II năm 2023, có 44,1% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý I năm 2023; 35,3% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định và 20,6% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn.

Có được những chỉ dấu tích cực này là nhờ một số chính sách điều hành kinh tế vĩ mô mà Chính phủ cùng các bộ, ngành triển khai đang dần phát huy hiệu quả trên thực tiễn. TTXVN đã ghi nhận ý kiến từ một số doanh nghiệp sản xuất ở nhiều lĩnh vực, ngành hàng.

Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An: Hiện tại, tình hình sản xuất và xuất khẩu gạo đang trên đà ổn định và tăng trưởng. Với chiến lược mở rộng thị trường, trong năm 2023, Trung An sẽ tập trung nhiều giải pháp để thúc đẩy xúc tiến thương mại, gia tăng đơn hàng xuất khẩu và tiếp cận thêm một số thị trường mới, thậm chí là cả châu Phi. Triển vọng là rất có cơ sở vì hiện nay gạo đang là mặt hàng lương thực thiết yếu mà quốc gia nào cũng cần, trong khi nguồn cung gạo ở nhiều quốc gia bị thu hẹp do biến đổi khí hậu. Trung An đã ký kết và giao khoảng 30 nghìn tấn gạo trong quý đầu năm 2023 tới các thị trường như Malaysia, Singapore và Hàn Quốc.

Lợi thế lớn của doanh nghiệp trên thị trường hiện nay là nhờ chi phí vận chuyển đang dần ổn định hơn nên tính cạnh tranh sản phẩm cũng nhờ đó được cải thiện, thậm chí vượt lên trên so với các đối thủ cạnh tranh ở nhiều quốc gia khác. Các đối tác cung cấp dịch vụ vận chuyển đã có sự phối hợp khá nhuần nhuyễn, đều đặn hàng tháng thực hiện việc thông báo và điều chỉnh giá cả rất cụ thể nên vấn đề logistics không còn là trở ngại hay áp lực lớn như trước đây. Cơ bản cũng là nhờ chính sách điều hành giá xăng dầu và nguyên nhiên liệu mà Chính phủ cùng Bộ Tài chính đang thực hiện. Điều này rất giá trị với doanh nghiệp xuất khẩu như Trung An.

Ông Đào Công Lăng, Đại diện Công ty cổ phần May Xuất khẩu An Bình: Là đơn vị thâm dụng nhiều lao động, doanh nghiệp cũng chịu nhiều ảnh hưởng về nguồn nhân lực ở giai đoạn đầu năm. Để gia tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh, hiện tại doanh nghiệp đang tập trung nhiều giải pháp tối ưu hóa thị trường. Theo đó, bao gồm cả việc đa dạng hóa các mặt hàng sản phẩm lẫn gia tăng hiệu suất lao động.

Mặc dù, hiện tại, diễn biến thị trường và chi phí đầu vào sản xuất ngành may mặc đang có chiều hướng giảm nhẹ khoảng 10% giúp cho giá thành sản phẩm cũng giảm 30% theo đà song những khó khăn về thiếu đơn hàng mới vẫn là thách thức lớn. Một số cơ quan quản lý Nhà nước cũng đã có kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp về xúc tiến thương mại, tuy nhiên, phần lớn vẫn dựa vào sự chủ động và tự thân của doanh nghiệp là cơ bản. An Bình đang tập trung tối đa nguồn lực để thúc đẩy khai thác một số thị trường mới mở như châu Phi và Trung Đông. Kỳ vọng năm nay tăng trưởng có thể tăng lên 16% so với năm 2022.

Ông Phùng Xuân Minh, Chủ tịch HĐQT Saigon Ratings: Saigon Ratings đã dự báo các yếu tố chủ yếu sẽ tác động lên lạm phát năm 2023 là lộ trình điều chỉnh tăng theo giá thị trường các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước quản lý (giáo dục, y tế, điện); việc tăng giá điện dự kiến trong thời gian tới cũng sẽ tạo áp lực vòng hai lên mặt bằng giá chung; các chương trình hỗ trợ phục hồi khiến việc giải ngân tiền gửi kho bạc tại hệ thống ngân hàng được đẩy mạnh; mặt bằng lãi suất tăng cao trong năm 2022 làm tăng chi phí đầu vào của nhiều loại hàng hóa, dịch vụ vẫn còn là một thách thức và tiến trình tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức bắt từ ngày 1/7/2023.

Tuy nhiên, triển vọng kinh tế thế giới không mấy lạc quan khiến lạm phát toàn cầu khó có thể tăng mạnh, cũng giúp giảm bớt áp lực từ kênh “nhập khẩu lạm phát”, tạo yếu tố hỗ trợ kiểm soát lạm phát năm 2023 của Việt Nam. Ngoài ra, sự kiên định trong việc kiểm soát lạm phát, tỷ giá của Chính phủ cũng sẽ tiếp tục giúp neo giữ kỳ vọng lạm phát và hỗ trợ kiểm soát lạm phát năm 2023.

Trên thị trường tài chính – tiền tệ, nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp, sau khi nền kinh tế có những dấu hiệu hồi phục tốt, đã tạo ra áp lực tăng đáng kể đối với lãi suất cho vay kể từ cuối năm 2022.

Theo nhận định của Saigon Ratings, năm 2023 dự kiến sẽ tiếp tục là một năm khó khăn về thanh khoản đối với hệ thống ngân hàng, nền kinh tế vẫn chưa thể ngay lập tức thoát ra khỏi tình trạng khát vốn, song lãi suất cho vay dự báo sẽ ổn định trở lại trong năm 2023 với mức giảm bình quân khoảng 1% từ nay đến cuối năm và tỷ giá USD/VND cũng sẽ tiếp tục xu hướng ổn định. Điều này có lợi cho cộng đồng doanh nghiệp.

Ông Lê Đức Huy, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk: Doanh nghiệp luôn trưởng thành trong khủng hoảng, bắt đầu từ việc thay đổi chiến lược kinh doanh, tái cơ cấu doanh nghiệp để nắm bắt cơ hội phát triển. Trên thực tế, dù kinh tế thế giới có nhiều biến động nhưng 3 năm qua lại là thời điểm Simexco DakLak tăng trưởng tốt, kim ngạch xuất khẩu tăng đều qua từng năm.

Hiện tại, Simexco vừa quyết định thay đổi cách thức kinh doanh, từ chỗ chỉ tiếp cận người mua sang tiếp cận thêm người sản xuất, đồng hành cùng người nông dân để phát triển hệ thống sản xuất bền vững và tạo ra chuỗi giá trị liên kết: kinh tế - môi trường - xã hội. Simexco đang tập trung hỗ trợ nông dân giảm chi phí đầu tư, tăng năng suất và có đầu ra ổn định với giá thành cao.

Doanh nghiệp cũng tự tin hơn trong mở rộng thị trường do có sản phẩm chất lượng cao và truy xuất nguồn gốc rõ ràng và hiện tại các chi phí đầu vào phục vụ sản xuất đang có xu hướng giảm nhờ chính sách kiềm chế lạm phát của Chính phủ. Đến nay, Simexco đã kết nối sản xuất với 40.000 nông hộ tại khu vực Tây Nguyên, đáp ứng tiêu chí bền vững của thế giới, canh tác xanh, truy xuất được nguồn gốc, dữ liệu lớn. Bên cạnh đó, một số vùng trồng cà phê của công ty đã giảm 60% khí thải, tiến tới cân bằng.