Bài 7: `Việc giảm lãi suất, giãn nợ phải được thực hiện ngay và luôn`
Trả lời Tạp chí Doanh nhân Việt Nam, Chuyên gia Kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh đã bày tỏ quan điểm về việc ngân hàng cơ cấu các khoản nợ và lãi suất cho doanh nghiệp để hỗ trợ doanh nghiệp trong thời điểm hiện nay. Ông Ánh khẳng định, việc giảm lãi suất, giãn nợ, cơ cấu khoản nợ phải được thực hiện ngay để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.
-Xin ông cho biết quan điểm về việc ngân hàng cơ cấu các khoản nợ và lãi suất cho doanh nghiệp trong thời điểm hiện tại?
Việc này là rất cần thiết. Cần phân loại ra các nhóm doanh nghiệp, thứ nhất là những doanh nghiệp còn khả năng tiếp tục hoạt động. Nhóm thứ 2 là những doanh nghiệp nữa họ sẽ phải giải thể hoặc ngừng hoạt động.
Đối với nhóm doanh nghiệp vẫn tiếp tục hoạt động: Đầu tiên là ưu tiên việc cơ cấu lại nợ, hoãn thời gian trả nợ cho họ. Hai là không tính nợ quá hạn vào việc tiếp tục cho vay tín dụng. Ba là giảm giá vốn hay nói cách khác là giảm lãi suất. 3 việc đó giúp doanh nghiệp có nguồn lực tài chính với mức khá hơn để đối phó với biến động của dịch bệnh.
Chuyên gia Kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh
Đối với doanh nghiệp phải giải thể, tạm dừng hoạt động: Nếu muốn được phía ngân hàng hỗ trợ thì sẽ phải xử lý các khoản nợ ngân hàng. Bởi, hiện nay doanh nghiệp bây giờ đã khó khăn thì các khoản nợ đến hạn, thậm chí chưa đến hạn để hoàn thành thủ tục giải thể thì doanh nghiệp sẽ không hoàn thành giải thể được. Do đó, cần phải có cơ chế xử lý khoản nợ tín dụng tồn đọng, trong bối cảnh doanh nghiệp bắt buộc phải giải thể khi không còn nguồn lực để hoạt động nữa.
Thế nhưng, bây giờ xử lý như thế nào, các nghĩa vụ tài chính của doanh nghiệp đối với các tổ chức tín dụng thì cũng cần có biện pháp, chưa kể một số biện pháp để doanh nghiệp xóa nợ lãi mà chỉ lấy nợ gốc vì doanh nghiệp đã suy kiệt. Chính vì vậy cần xem xét mọi trường hợp, trong đó có việc xem xét khả năng doanh nghiệp vẫn giải thể mà khoản nợ sẽ bị treo đấy và xử lý sau.
-Theo ông, nếu giảm lãi suất thì mức lãi suất như thế nào là phù hợp với doanh nghiệp mà vẫn đảm bảo lợi nhuận kinh doanh cho các ngân hàng?
Việc giảm lãi suất bao nhiêu phụ thuộc vào lãi suất đầu vào của các tổ chức tín dụng. Mặt bằng về lãi suất huy động cộng thêm khoản lãi suất cho vay và lãi suất huy động. Hiện nay, lãi suất lưu động không giảm mà vẫn giữ nguyên thế thì rõ ràng việc các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay và mức độ chỉ phụ thuộc vào chênh lệch giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay. Chênh lệch lãi suất hiện nay đang phải dự phòng 1 khoản rất lớn liên quan tới đây nợ xấu sẽ tăng. Khả năng mà các tổ chức tín dụng giảm là rất khó.
Thứ nhất, bản thân các tổ chức tín dụng thì phải tìm cách giảm lãi suất xuống. Lãi suất giữa chênh lệch cho vay và lãi suất huy động xuống thông qua các biện pháp cắt giảm chi phí.
Thứ hai, phải phân phối bớt một phần lợi nhuận của các ngân hàng trước đó để bù vào phần giảm giữa chênh lệch lãi suất cho vay.
Thứ ba, bản thân Ngân hàng Nhà nước cũng phải xem xét các biện pháp để có thể “bơm” một lượng vốn rẻ nhất định cho các tổ chức tín dụng để thông qua đó có thể giảm lãi suất cho vay xuống.
Cuối cùng hiện nay, vấn đề không phải là giảm lãi suất bao nhiêu mặc dù có thì tốt. Vấn đề then chốt của doanh nghiệp hiện nay là làm thế nào mà vẫn sẽ hoạt động được trong bối cảnh dịch bệnh như bây giờ tác động tới toàn bộ yếu tố đầu vào cũng như đầu ra của doanh nghiệp. Xử lý được việc đó thì việc cho doanh nghiệp vay, vay với lãi suất rẻ hơn mới có tác dụng.
-Thưa ông, trong trường hợp nhiều doanh nghiệp được áp dụng khoanh nợ và giảm nợ hàng loạt thì liệu có xảy ra biến động hay bất cập nào trong việc áp dụng như đề xuất trên không?
Về nguyên tắc, chính sách phải áp dụng chung, khó có thể phân biệt doanh nghiệp hay từng doanh nghiệp. Ví dụ, phía Ngân hàng Nhà nước đang có quan điểm là sẽ làm việc về tín dụng đối với các tổ chức tín dụng. Theo đó chắc chắn sẽ động chạm tới khối khách hàng của từng tổ chức tín dụng đó. Chính sách mà đi theo kiểu phân biệt từng đối tượng khách hàng, và đi theo phân biệt… sẽ xảy ra bất cập, thậm chí như lạm dụng chính sách, can thiệp hành chính vào các hoạt động của thị trường tín dụng.
Nên chính sách áp dụng chung, hoạt động như thế nào thì chắc chắn đây là việc nới lỏng chính sách tiền tệ. Ở đây có nhiều vấn đề cần quan tâm, mà vấn đề quan tâm trước hết là việc nới lỏng sẽ tác động như thế nào với lạm phát. Chủ trương nới lỏng chính sách tiền tệ như vậy có tới đúng đối tượng không để tránh việc nguồn vốn tín dụng giá rẻ đổ vào các việc khác mà điển hình hiện nay nhiều doanh nghiệp khó khăn nhưng thị trường chứng khoán thì lại hoạt động rất tốt, phải kiểm soát điều đó để tránh việc nguồn vốn đầu tư sản xuất lại đổ vào việc đầu tư có rủi ro cao. Lĩnh vực rủi ro cao đó sẽ thành chu kì xuất hiện bong bóng mà khi đó thiệt hại cho các tổ chức tín dụng sẽ rất nặng nề.
-Việc cấp vốn cho doanh nghiệp vào thời điểm nào là hợp lý, thưa ông?
Tôi cho rằng, nên áp dụng việc đó ngay và luôn từ bây giờ. Doanh nghiệp thời điểm hiện nay tồn tại tính bằng ngày, bằng tuần, nên khi có chính sách tốt cho doanh nghiệp phải làm luôn.
-Ngoài chính sách được đưa ra, theo ông có nên có các giải pháp khác từ phía ngân hàng đối với với doanh nghiệp không?
Việc ngân hàng xem xét để giảm phí dịch vụ với doanh nghiêp đó là rất quan trọng. Thậm trí nó còn quan trọng hơn cả vấn đề về vốn. Bởi vốn tín dụng với doanh nghiệp hiện nay không phải là vấn đề, nhất là với doanh nghiệp còn đang hoạt động mà chính là giảm phí dịch vụ ngân hàng sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí như vậy họ vừa có điều kiện để duy trì hoạt động cắt giảm chi phí, giảm bớt gánh nặng tài chính của họ trong bối cảnh khó khăn này.
Xin cảm ơn ông!
Hải Đăng – Hoa Trần
Xem thêm: Phương án "dài hơi" để doanh nghiệp sản xuất trong đại dịch COVID-19