Bài 8: Khan hiếm dòng tiền, VABA “cầu cứu” Thống đốc Ngân hàng

10:30 | 25/08/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, các hãng hàng không lâm vào tình trạng tài chính khó khăn, doanh thu giảm 80-90% so với cùng kỳ năm trước. Mới đây, VABA vừa có văn bản "cầu cứu" Thống đốc Ngân hàng.

VABA “cầu cứu” Thống đốc

Trong văn bản gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng mới đây, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam (VABA) Bùi Doãn Nề đưa ra 4 đề nghị giúp các hãng hàng không cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Thứ nhất, VABA đề nghị mở rộng đối tượng/các khoản nợ được cơ cấu lại, cụ thể là áp dụng việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi giữ nguyên nhóm nợ phải trả và phát sinh mới trong thời gian dịch bệnh bùng phát (cho cả các khoản giải ngân cả trước và sau ngày 10/6/2020).

Trên thực tế, khó khăn của doanh nghiệp hiện tại là thiếu dòng tiền ngắn hạn để chi trả các khoản duy trì hoạt động sản xuất. Việc quy định chỉ tái cơ cấu nợ cho các khoản vay trước 10/6/2020 khiến cho các khoản vay ngắn hạn gần như không nằm trong diện tái cơ cấu theo Thông tư 03/2021/TT-NHNN; điều này gây sức ép lớn lên dòng tiền ngắn hạn của doanh nghiệp, làm doanh nghiệp không thể trả nợ đúng hạn, từ đó phát sinh nợ xấu khiến không thể vay mới để duy trì hoạt động.

Bài 8: Khan hiếm dòng tiền, VABA “cầu cứu” Thống đốc Ngân hàng - ảnh 1

Giảm lãi vay sẽ giúp các hãng hàng không giảm gánh nặng về dòng tiền. (Ảnh: VNA)

Thứ hai, đề nghị kéo dài thời gian thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho các dư nợ phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi; giữ nguyên nhóm nợ; việc thực hiện miễn, giảm lãi, phí trong khoảng thời gian từ 23/1/2020 cho đến ngày liền kề sau 3 tháng – 6 tháng kể từ khi Chính phủ công bố hết dịch Covid-19 (hoặc công bố trạng thái bình thường mới) theo quy định của Thông 01/2020/TT-NHNN thay vì giới hạn thời hạn tại 31/12/2021.

Lý do là sau khi hết dịch bệnh thì doanh nghiệp vẫn cần thời gian từ 3 tháng đến 6 tháng để ổn định trở lại, trong khi Covid-19 đã ảnh hưởng xuyên suốt năm 2020 cho đến nay và dự kiến còn tiếp tục diễn biến phức tạp, kéo dài ít nhất là hết năm 2021.

Thứ ba, đối với các khoản vay trung và dài hạn, ngay cả khi dịch bệnh được kiểm soát, doanh nghiệp cũng cần có thời gian ổn định, phục hồi sản xuất, cải thiện dần dòng tiền; tới khi có doanh thu trở lại thì mới có tiền để trả nợ ngân hàng. Doanh nghiệp rất khó có thể đảm bảo duy trì dòng tiền để vừa đảm bảo hoạt động sản xuất vừa trả nợ trong vòng 12 tháng kể từ ngày ngân hàng thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ (kể cả thời gian gia hạn nợ) như quy định tại Thông tư 03. Do đó, cần kéo dài thời gian cơ cấu lên 18 - 24 tháng hoặc thực hiện theo Thông tư 01 là "12 tháng kể từ ngày cuối cùng của thời hạn cho vay”.

Thứ tư, Thông tư 01 và Thông tư 03 chỉ quy định cơ cấu lại nợ đối với các khoản vay, cho thuê tài chính, trong khi đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến các doanh nghiệp ở nhiều khía cạnh, do đó kiến nghị bổ sung áp dụng việc cơ cấu lại thời gian trả nợ, miễn giãm lãi đối với dư nợ phát sinh từ các nghiệp vụ cấp tín dụng khác như bảo lãnh, LC, bao thanh toán…

Bên cạnh đó, để giảm áp lực về nguồn vốn, chi phí trích lập dự phòng cũng như tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại thực hiện Thông tư 01 và Thông tư 03 trên tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", Hiệp hội đề xuất Thống đốc NHNN xem xét và ban hành cơ chế về tái cấp vốn tương tự như Thông tư 04/2021/TT-NHNN để các ngân hàng thương mại cho các hãng hàng không tư nhân đã và đang bị ảnh hưởng trưc tiếp bởi Covid-19 vay tùy theo quy mô kinh doanh của từng hãng, với số tiền từ 4.000 tỷ - 5.000 tỷ đồng, lãi suất ưu đãi, thời hạn tái cấp vốn là 12 tháng và có thể được gia hạn khi ảnh hưởng của dịch bệnh tiếp tục kéo dài.

Hàng không đang đứng bên bờ vực phá sản

Ông Bùi Doãn Nề cũng cho biết, hiện nay các hãng hàng không lâm vào tình trạng tài chính khó khăn, doanh thu các tháng vừa qua giảm 80-90% so với cùng kỳ năm trước; dòng tiền thiếu hụt nghiêm trọng; nợ gốc và lãi tăng cao. Các nguồn lực về tài sản, tài chính tích lũy của các hãng bị cạn kiệt trong khi cơ hội tiếp cận với vốn vay rất khó khăn.

Trước đó, trong báo cáo tình hình phát triển doanh nghiệp năm 2020 và 5 tháng đầu năm 2021, với ngành hàng không, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, thị trường sụt giảm nghiêm trọng nhất, nhu cầu vận tải hàng không năm 2020 giảm 34,5 - 65,9%, doanh thu các doanh nghiệp hàng không giảm 61% so với năm 2019.

Bài 8: Khan hiếm dòng tiền, VABA “cầu cứu” Thống đốc Ngân hàng - ảnh 2

Do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, hàng loạt máy bay “đắp chiếu” nằm chờ.

Đợt dịch Covid-19 lần 3 bùng phát dịp tết năm 2021 khiến doanh thu ngành hàng không giảm 80% so với cùng kỳ năm 2020. Dự báo hoạt động vận tải hàng không tiếp tục gặp khó trong năm 2021. Nếu dịch Covid-19 được kiềm chế, phải đến năm 2024 hoạt động ngành hàng không mới có thể phục hồi như trước dịch bệnh.

Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines dự báo quý I/2021 lỗ khoảng 4.800 tỷ đồng, trong 6 tháng đầu năm số lỗ có thể lên tới 10.000 tỷ đồng. Hiện số nợ phải trả quá hạn của Vietnam Airlines lên tới 6.240 tỷ đồng, tổng công ty này đang cực kỳ khó khăn, bên bờ vực phá sản trong khi các ngân hàng thương mại chưa nhìn thấy ngân gói hỗ trợ 12.000 tỷ đồng của Chính phủ nên không cho Vietnam Airlines giải ngân tiếp hoặc không gia hạn, cấp tiếp hạn mức tín dụng.

Các hãng hàng không tư nhân như Vietjet Air, Bamboo Airways dù đã cố gắng tối ưu hóa hoạt động khai thác và duy trì sản xuất kinh doanh thông qua việc chuyển nhượng các tài sản trong năm 2020. Tuy nhiên dự báo hoạt động của 2 hãng bay tư nhân này tiếp tục khó khăn trong năm 2021, các hãng dẫn hết nguồn lực tài chính để hỗ trợ dịch vụ vận tải hàng không. Ước tính hãng bay Vietjet Air thiếu hụt khoảng 10.000 tỷ đồng để hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh.

 Cần đẩy nhanh chính sách hỗ trợ

PGS.TS Nguyễn Thiện Tống - chuyên gia hàng không - cho rằng gần 2 năm chống chọi với Covid-19, các hãng bay đã kiệt quệ về tài chính. Nếu dịch tiếp tục kéo dài hoặc những giải pháp hỗ trợ ở tầm quốc gia không tích cực, các hãng bay sẽ lâm nguy trước bờ vực phá sản.

Theo ông Tống, hiện nay vấn đề về dòng tiền rất quan trọng đối với doanh nghiệp khi họ đã xoay đủ cách để duy trì hoạt động khai thác vận tải hàng không trong đại dịch Covid-19. Vài tháng trước, gói hỗ trợ 12.000 tỉ đồng đã được Quốc hội thông qua để giải cứu cho Vietnam Airlines nhưng đến nay vẫn đang "mắc kẹt" vì thủ tục.

Ông Tống cho rằng không chỉ Vietnam Airlines, chính sách hỗ trợ của Nhà nước cần phải ưu tiên cho hãng bay tư nhân có khả năng phục hồi nhanh chóng. Trong tình hình khó khăn chung, chính sách hỗ trợ từ phía Chính phủ, hệ thống ngân hàng là rất cần thiết để cộng đồng doanh nghiệp có thể tồn tại và phục hồi sau dịch, nhất là chính sách tài khóa.

Đặc biệt, các khoản vay ngân hàng cần được giãn nợ trong một khoảng thời gian đủ dài và doanh nghiệp được tiếp cận dễ dàng hơn với các nguồn vốn để có thể huy động cho sản xuất kinh doanh.

Về phía hãng bay, theo lãnh đạo một hãng hàng không cho biết nếu nhận được sự hỗ trợ như giảm thuế, phí, vay vốn lãi suất thấp... dù doanh nghiệp đang nỗ lực tối ưu chi phí cũng cần Chính phủ ban hành cơ chế bảo lãnh hoặc cho vay thông qua việc giao Ngân hàng Nhà nước thực hiện hình thức tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại hỗ trợ nguồn vốn cho vay đối với ngành hàng không.

"Chúng tôi đã đề xuất có các giải pháp giảm thuế, phí. Trong đó, đối với ngành hàng không, miễn thuế nhập khẩu và thuế bảo vệ môi trường cho nhiên liệu bay; miễn giảm từ 50 - 70% phí dịch vụ hoạt động hàng không như chi phí cất hạ cánh, các chi phí tại các cảng hàng không; giãn thời gian nộp các loại thuế, phí ít nhất 6 tháng" - vị lãnh đạo này cho biết.

Phạm Giang