Bài 9: Kinh Bắc liên tiếp phát hành trái phiếu nghìn tỷ.
Vừa qua, Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (mã KBC - sàn HOSE) thông qua giá chào bán riêng lẻ tối đa 100 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ phát hành 21,3%, tại mức giá 34.096 đồng/cổ phiếu. Ước tính, doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp trên sẽ thu được tối đa là 3.409,6 tỷ đồng. Cổ phiếu chào bán riêng lẻ sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong một năm.
Kế hoạch phát hành cổ phiếu riêng lẻ đã được công ty trình cổ đông thông qua tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2021. Giá bán được xác định căn cứ vào điều kiện hạn chế chuyển nhượng với nhà đầu tư, bằng 85% giá đóng cửa bình quân của 30 phiên giao dịch liền trước ngày UBCKNN có công văn xác nhận đầy đủ hồ sơ, và không thấp hơn 28.000 đồng/cổ phần.
Các nhà đầu tư tham gia đợt phát hành trên ngoài là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp còn cần đáp ứng tiêu chuẩn là tổ chức, cá nhân có tiềm lực tài chính, khả năng góp vốn ngay khí đăng ký mua, cam kết nắm giữ cổ phiếu lâu dài, có năng lực chuyên môn và khả năng hỗ trợ công tytăng giá trị và mở rộng thị trường.
Giá phát hành hiện đang thấp hơn gần 21% so với giá cổ phiếu KBC đang giao dịch ở thời điểm hiện tại trong ngày 28/9 (43.200 đồng/cổ phiếu). So với giá cổ phiếu KBC đóng cửa phiên liên trước (27/9), mức giá trên cũng thấp hơn 18%.
Theo nghị quyết HĐQT ngày 16/8, tổng nhu cầu vốn của Kinh Bắc là 4.340 tỷ đồng. Số tiền thu về từ đợt chào bán, KBC dự chi 534 tỷ đồng bổ sung vốn lưu động, 1.500 tỷ đồng đầu tư vào công ty con là Công ty Phát triển Đô thị Tràng Cát và tái cơ cấu cho 12 khoản nợ với tổng giá trị lên tới 2.306 tỷ đồng. Trong trường hợp số tiền thu về thấp hơn nhu cầu vốn thì công ty sẽ phân bổ cho 3 khoản mục theo tỷ lệ phần trăm tương ứng.
Trước đó, cuối tháng 6/2021, Kinh Bắc City cũng cho biết đã phát hành huy động thành công 1.500 tỷ đồng trái phiếu có kỳ hạn 24 tháng, lãi suất chi trả cố định 10,8%/năm. Trái phiếu chào bán là trái phiếu chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản đảm bảo.
Mục đích của đợt huy động nhằm tăng quy mô vốn hoạt động, đầu vào các dự án KCN chuẩn bị triển khai tại Long An thông qua công ty con.
Kết quả, có 8 nhà đầu tư cá nhân mnua 0,6% lượng trái phiếu, 15 tổ chức trong nước mua 60,28% số trái phiếu được chào bán. 39,12% lượng trái phiếu còn lại thuộc về 1 nhà đầu tư là tổ chức nước ngoài.
Sau đợt phát hành, dư nợ của Kinh Bắc City là hơn 15.410 tỷ đồng, tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu là 1,36. Nợ ngắn hạn KBC ghi nhận 7.733,5 tỷ, nợ dài hạn 7.677 tỷ đồng, trái phiếu chưa đáo hạn vào mức 2.354 tỷ đồng.
Nếu Kinh Bắc City hoàn tất đợt phát hành cổ phiếu nói trên với giá tối thiểu là 28.000 đồng, vốn chủ sở hữu của công ty sẽ được ghi nhận thêm 2.800 tỷ đồng, giúp giảm tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu.
Nửa đầu năm 2021, kết quả kinh doanh của Kinh Bắc ghi nhận mức tăng trưởng cao so với mức nền thấp cùng kỳ. Doanh thu bán hàng đạt gần 2.752 tỷ đồng, gấp 3,78 lần so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế cao gấp 7,5 lần lên hơn 640 tỷ đồng. Thu nhập ròng trên mỗi cổ phiếu nửa đầu năm nhờ vậy cả thiện từ mức 108 đồng cùng kỳ lên 1.362 đồng.
Ngoài việc huy động vốn thông qua phát hành riêng lẻ, tại đại hội thường niên, công ty cũng đã được phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ từ nguồn vốn chủ sở hữu với tỷ lệ 3:1 và phát hành trái phiếu. Mới đây, Tập đoàn Quantum (Mỹ) đã có thỏa thuận hợp tác với liên danh Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC) và Công nghệ Viễn thông Sài Gòn (SGT). Quantum cam kết đầu tư chuỗi các dự án trong những lĩnh vực trọng điểm với tổng giá trị 20 - 30 tỷ USD.
Nợ vay tăng mạnh
Theo báo cáo tài chính quý IV/2020 của Kinh Bắc City, nợ phải trả tại thời điểm 31/12/2020 có giá trị là 12.940 tỷ đồng, tăng gấp hơn 2 lần so với đầu năm. Trong đó, nợ ngắn hạn tăng gấp hơn 1,5 lần trong năm 2020, đạt giá trị 6.833 tỷ đồng vào cuối năm 2020 và nợ dài hạn tăng gấp hơn 3 lần, đạt giá trị 6.108 tỷ đồng vào cuối năm 2020.
Điều đáng chú ý là, nợ dài hạn tăng chủ yếu do sự phình to đột biến trong hoạt động vay dài hạn của doanh nghiệp này. Số dư vay dài hạn tại thời điểm đầu năm 2020 của Kinh Bắc City chỉ ghi nhận mức 1.122 tỷ đồng, nhưng sau 1 năm, con số này đã vọt lên 4.218 tỷ đồng. Sự tăng vọt của vay dài hạn có một phần từ hoạt động vay trái phiếu, nhưng chủ yếu do hoạt động vay dài hạn tại các ngân hàng. Số dư vay dài hạn ngân hàng tăng từ 260 tỷ đồng vào đầu năm, lên 3.071 tỷ đồng vào cuối năm. Lãi suất các khoản vay dài hạn ngân hàng ghi nhận là 9 - 11,5%/năm.
Về vốn vay ngân hàng, chủ nợ lớn nhất của Kinh Bắc là Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVcomBank) với dư nợ 2.500 tỷ đồng, lãi suất 11,5%/năm, giải ngân từ tháng 12/2020. Kinh Bắc thế chấp cho khoản vay này bằng toàn bộ tài sản liên quan đến dự án Tràng Cát. Việc nợ vay tăng mạnh trong kỳ cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến chi phí tài chính của công ty tăng mạnh 230% trong quý II lên 157 tỷ đồng.
Xét về dòng tiền, trong 6 tháng đầu năm 2021, dòng tiền kinh doanh chính tiếp tục âm 90,1 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 552,2 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư âm 311,6 tỷ đồng và dòng tiền tài chính dương 1.535,5 tỷ đồng, chủ yếu gia tăng vay nợ. Như vậy, trong kỳ doanh nghiệp tiếp tục huy động nợ vay để tài trợ cho hoạt động kinh doanh và đầu tư.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, Kinh Bắc ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.752 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 785 tỷ đồng, lần lượt tăng 278% và 647% so với cùng kỳ năm trước.
Năm 2021, KBC đặt kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu là 6.600 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 2.000 tỷ đồng. Như vậy, Kinh Bắc đã hoàn thành được 42% chỉ tiêu doanh thu và 39% chỉ tiêu lợi nhuận sau nửa đầu năm.
Vị thuyền trưởng bản lĩnh
Chủ tịch Kinh Bắc là ông Đặng Thành Tâm sinh năm 1964, quê Hải Phòng, là một doanh nhân tài ba danh tiếng tại Việt Nam. Gia đình ông có cha là người miền Nam tập kết ra Bắc, còn mẹ là người Hải Phòng. Năm 1976, sau khi thống nhất đất nước, Đặng Thành Tâm theo gia đình vào Thành phố Hồ Chí Minh. Đến năm 1982, Đặng Thành Tâm trở lại quê mẹ ở Hải Phòng để theo học Đại học Hàng hải Việt Nam. Ông từng theo học chuyên ngành Kỹ sư Hàng hải tại đại học Hàng Hải. Ông còn học thêm hai ngành luật, quản trị kinh doanh và có bằng cử nhân luật, cử nhân quản trị kinh doanh của trường Henley Management, Anh Quốc.
Từ năm 1999 – 2004, ông đảm nhận vai trò Đại biểu HĐND huyện Bình Chánh (thành phố Hồ Chí Minh).
Từ năm 2003, ông Đặng Thành Tâm trở thành Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư Xây dựng và Vật liệu Xây dựng Sài Gòn (Chủ đầu tư KCN Phú Hữu, Quận 9, TP HCM); Tổng Giám đốc CTCP VINATEX-Tân Tạo (Chủ đầu tư KCN Vinatex-Tân Tạo, Nhơn Trạch, Đồng Nai); Tổng Thư ký Hiệp hội các Doanh nghiệp Khu công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh.
Tới tháng 1 năm 2007, ông trở thành Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Phát triển hạ tầng Khu công nghệ cao Sài Gòn và từ tháng 02 năm 2007 đến ngày 22 tháng 11 năm 2012 ông chính thức ngồi lên vị trí Tổng Giám đốc Tổng Cty Phát triển Đô thị Kinh Bắc.
Ông Tâm hiện sở hữu tỷ lệ lớn bốn Công ty đang niêm yết trên sàn chứng khoán là Kinh Bắc City (KBC), Navibank (NVB), Saigontel (SGT) và Khoáng sản Sài Gòn - Bình Định (SQC). Trong đó có hai Công ty do ông Tâm trực tiếp điều hành là Công ty phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC) và Công ty cổ phần Công Nghệ Viễn Thông Sài Gòn (SGT).
Trước đó, Bộ Tài chính đã 3 lần đưa ra cảnh báo việc phát hành trái phiếu riêng lẻ thời gian qua đang bộc lộ nhiều rủi ro cho nhà đầu tư và có nguy cơ gây mất an ninh, an toàn nền tài chính quốc gia.
Cụ thể, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã có văn bản yêu cầu Vụ Tài chính ngân hàng chủ trì, phối hợp với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các đơn vị triển khai các quy định mới về phát hành trái phiếu doanh nghiệp tại Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chủ trì, phối hợp với Vụ Tài chính ngân hàng và các cơ quan liên quan tăng cường, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát tình hình phát hành và cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, đặc biệt là việc phát hành của các doanh nghiệp nhỏ lẻ, mới thành lập, hoạt động trong các lĩnh vực có tính rủi ro cao, có kết quả kinh doanh không rõ ràng, thực chất.
Ngoài ra, người đứng đầu Bộ Tài chính cũng yêu cầu các đơn vị tập trung rà soát, kiểm tra phát hiện các doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm, lách quy định của pháp luật trong việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Trường hợp phát hiện các hành vi lừa đảo, có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư thì khẩn trương chuyển cơ quan công an xử lý theo quy định của pháp luật.