Bản tin kinh tế ngày 9/10/2020: Ngành đường sắt xin miễn giảm thuế, phí

17:36 | 09/10/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Ông Nguyễn Bá Dương thoái vốn, không còn là cổ đông lớn tại Coteccons; Ngành đường sắt xin miễn giảm thuế, phí... cùng một số thông tin khác sẽ được đề cập trong Bản tin kinh tế ngày 9/10.

Ông Nguyễn Bá Dương không còn là cổ đông lớn của Coteccons

Theo tin từ Sở giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE), ông Nguyễn Bá Dương đã bán 1.134.380 cổ phiếu CTD, qua đó giảm tỉ lệ sở hữu tại CTCP Xây dựng Coteccons từ 5,7% xuống còn 4,2%. Hiện nay ông Dương còn nắm giữ hơn 3,22 triệu cổ phiếu CTD.

Ngày giao dịch làm thay đổi tỉ lệ sở hữu và không còn là cổ đông lớn là ngày 6/10/2020.

Bản tin kinh tế ngày 9/10/2020: Ngành đường sắt xin miễn giảm thuế, phí - ảnh 1

Ông Nguyễn Bá Dương tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông Coteccons hồi tháng 6/2020

Ông Nguyễn Bá Dương là người sáng lập và điều hành Coteccons từ năm 2004 đến khi trở thành doanh nghiệp đầu ngành xây dựng Việt Nam như ngày nay. Ban đầu ông giữ chức Tổng Giám đốc và sau đó là Chủ tịch HĐQT. Theo ông Dương, từ khi thành lập đến nay, Coteccons đã hoàn thành hơn 500 công trình trên cả nước.

Ngày 5/10/2020 vừa qua, Coteccons ra thông cáo cho biết ông Dương đã thôi giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT và vai trò thành viên HĐQT kể từ ngày 2/10.

Người thay ông Dương làm chủ tịch Coteccons là ông Bolat Duisenov (quốc tịch Kazakhstan) – đại diện cổ đông lớn Kusto. Đây là một quỹ đầu tư có trụ sở tại Singapore, không có kinh nghiệm trong ngành xây dựng Việt Nam.

Áp thuế giá trị gia tăng 5% với mặt hàng phân bón

Bộ Tài chính đưa ra lấy ý kiến dự thảo Nghị quyết về chính sách thuế giá trị gia tăng để hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp sản xuất phân bón. Bộ đề nghị chuyển phân bón từ đối tượng không chịu thuế GTGT sang đối tượng chịu thuế GTGT với thuế suất 5%.

Dự thảo Nghị quyết nhằm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, để hỗ trợ ngành sản xuất phân bón trong nước vượt qua khó khăn hiện nay, góp phần tăng sức cạnh tranh của mặt hàng phân bón và sẽ được trình Chính phủ trình Quốc hội theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Trước đó, theo quy định của Luật thuế GTGT từ 1/1/2015, mặt hàng phân bón chịu thuế GTGT với thuế suất 5%.

Tuy nhiên, ngày 26/11/2014 Quốc hội đã thông qua Luật số 71/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Luật về thuế có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015, quy định mặt hàng phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT. DN sản xuất phân bón không được khấu trừ, hoàn thuế GTGT của hàng hoá, dịch vụ mua vào (kể cả thuế GTGT của hàng hóa mua vào hoặc nhập khẩu để tạo tài sản cố định) dùng cho sản xuất phân bón.

Ngành đường sắt xin miễn giảm thuế, phí

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa đề nghị Bộ Tài chính xem xét miễn, giảm hơn 200 tỷ đồng phí sử dụng hạ tầng đường sắt năm 2020 cho Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

 Bản tin kinh tế ngày 9/10/2020: Ngành đường sắt xin miễn giảm thuế, phí - ảnh 2

Trước đó, VNR đã có văn bản kiến nghị Bộ GTVT và các cấp có thẩm quyền xem xét miễn, giảm các khoản phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt và tiền thu cho thuê sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt năm 2020.

Cụ thể, theo quy định hiện hành tại Thông tư số 295/2016 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt do Nhà nước đầu tư, mức thu này là 8% trên doanh thu kinh doanh vận tải đường sắt, nghĩa là khoản phí phải nộp của VNR năm 2020 ước tính khoảng 213 tỷ đồng.

VNR cũng xin miễn trích nộp ngân sách Nhà nước tiền thu cho thuê sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt năm 2020. Theo quy định hiện hành tại Thông tư số 21/2008/TT-BTC ngày 4/4/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn về phương thức thu phí và mức thu phí, giá thuê sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư là 20% số thu thì khoản thu này cho cả năm 2020 của Tổng công ty vào khoảng 14,6 tỷ đồng.

JICA tài trợ cho nhà máy điện mặt trời lớn nhất tại Việt Nam

Ngày 9/10, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã ký thỏa thuận cho vay nhằm tài trợ vốn cho dự án năng lượng mặt trời tại Việt Nam, trong đó có nguồn vốn từ Quỹ Cơ sở Hạ tầng Khu vực Tư nhân châu Á (LEAP) có sự góp vốn của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA).

Bản tin kinh tế ngày 9/10/2020: Ngành đường sắt xin miễn giảm thuế, phí - ảnh 3

Dự án này sẽ cung cấp một nguồn tài trợ dài hạn cho việc xây dựng và vận hành nhà máy điện mặt trời có quy mô lớn nhất Đông Nam Á với công suất 257MW tại Phú Yên ở miền Trung Việt Nam.

Thỏa thuận cho vay của ADB bao gồm một khoản vay trị giá 9,3 triệu USD lấy từ Quỹ LEAP. Tập đoàn B.Grimm Power Public Company Limited Group – nhà sản xuất điện độc lập hàng đầu tại Thái Lan và Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Thành Việt Nam là chủ đầu tư dự án.

Đây là một trong những dự án nhà máy điện mặt trời lớn nhất Việt Nam và hướng đến giảm sự phụ thuộc vào than đá và dầu diesel, góp phần tăng cường sử dụng các nguồn năng lượng sạch trong nước.

Đây cũng là khoản hỗ trợ cho vay đầu tư vào cơ sở hạ tầng xanh đầu tiên được cấp chứng nhận quốc tế theo khuôn khổ Chương trình Tiêu chuẩn và Chứng nhận Trái phiếu Khí hậu (Climate Bonds Standard and Certification Scheme). 

Lệ Vỹ (T/h)

Xem thêm: 'Bầu Hiển' và PV Power 'bắt tay' làm dự án điện khí 3,5 tỷ USD tại Hà Tĩnh