Bằng ý chí sắt đá, chàng thanh niên nghèo lập nghiệp thành công và xây dựng đế chế thép trải dài khắp thế giới

Giang 13:41 | 21/04/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Lakshmi Mittal là Chủ tịch của ArcelorMittal, nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới không tính thị trường Trung Quốc. Ông nổi tiếng là người có công tái cơ cấu ngành thép theo mô hình hợp nhất và toàn cầu hóa.

Tỷ phú Lakshmi Mittal. (Ảnh: Glusea).

Tuổi thơ và hành trình lập nghiệp

Lakshmi Mittal sinh ra trong một gia đình nghèo khó ở thị trấn Rajasthani, Ấn Độ vào năm 1950. Thuở ấu thơ, ông cùng đại gia đình gồm 20 người phải sống trong căn nhà thô sơ, không có điện nước do ông nội xây.

Cuộc sống của Mittal trở nên khấm khá hơn khi cha mẹ chuyển đến sống ở thành phố Kolkata. Tại đây, cha của ông mở được một nhà máy thép.

Mittal phụ việc cho gia đình khi theo học tại St. Xavier’s College. Ông tốt nghiệp với tấm bằng thương mại năm 1970 và tiếp tục làm việc trong ngành sản xuất thép ở Ấn Độ. Sự hiểu biết sâu sắc về thị trường thép đã giúp ông xây dựng đế chế trải dài toàn cầu.

Năm 1976, Mittal chuyển sang Indonesia và thành lập công ty thép có tên PT Ispat Indo. Trong vài thập kỷ tiếp theo, ông xây dựng nền móng cho đế chế của mình bằng cách mua lại tài sản bị vứt bỏ của những tập đoàn thép khác hoặc những nhà máy cũ kỹ thuộc sở hữu công.

Năm 1997, Ispat huy động được 776 triệu USD trong đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng. Năm 2004, vị doanh nhân hợp nhất các công ty của ông là Ispat International và LNM Holdings, đồng thời mua lại công ty Mỹ International Steel Group để tạo thành Mittal Steel Company, rồi trả cho bản thân 2 tỷ USD cổ tức.

Hai năm tiếp theo, Mittal Steel cố gắng thâu tóm đối thủ Arcelor với mức giá 23,7 tỷ USD. Mục tiêu của thương vụ này là để Mittal Steel bán được thép chất lượng cao hơn tới những công ty như Ford Motor.

Nhà sản xuất thép châu Âu đã sử dụng một loạt biện pháp để chống lại lời chào mua của Mittal hoặc để đòi hỏi mức giá cao hơn. Cụ thể, Arcelor đã mua lượng cổ phần lớn trong một công ty thép Trung Quốc và tăng gấp đôi cổ tức. Luxembourg, cổ đông lớn nhất của Arcelor, đặt ra luật thâu tóm mới.

Sau 5 tháng giằng co, Mittal Steel cũng được toại nguyện, sáp nhập với Arcelor để tạo ra ArcelorMittal, nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới lúc bấy giờ.

ArcelorMittal sản xuất nhiều loại thép cho các lĩnh vực vận tải, xây dựng, cơ sở hạ tầng, công nghiệp và năng lượng. Tới nay, ArcelorMittal vẫn là một trong những công ty thép lớn nhất thế giới, có hoạt động tại 59 quốc gia và khách hàng tại 155 nước.

 

Dấu ấn cá nhân

Lakshmi Mittal được công nhận là người đã tái cơ cấu ngành thép theo mô hình hợp nhất và toàn cầu hóa. Ông là một trong những doanh nhân có ảnh hưởng lớn nhất trong ngành. Mittal được tạp chí Fortune vinh danh là Doanh nhân châu Âu của năm 2004 và được Financial Times bình chọn là Nhân vật của năm 2006.

Mittal từng chiếm vị trí thứ ba trong danh sách những tỷ phú giàu nhất thế giới của Forbes, xếp sau Bill Gates và Warren Buffett vào năm 2005. Khi đó, tài sản ròng của ông ước tính vào khoảng 25 tỷ USD.

Tuy nhiên, gia sản của ông cũng chìm nổi theo giá thép. Kể từ mùa hè năm 2008 đến khi Forbes lập danh sách mới vào năm 2009, giá thép đã sụt 75%, khiến tài sàn ròng của ông tụt xuống còn 19,3 tỷ USD, rơi xuống vị trí thứ 8 trong bảng xếp hạng.

Vào ngày 15/4/2024, Forbes ước tính tài sản ròng của ông trùm ngành thép đạt 16,7 tỷ USD, là người giàu thứ 110 trên thế giới.

Sống xa hoa và từ thiện hào phóng

Mittal nổi tiếng với lối sống xa xỉ. Ông là công dân Ấn Độ nhưng chủ yếu sống ở Anh. Vị tỷ phú sở hữu ba biệt thự trị giá 350 triệu USD ở London, theo hồ sơ mua bán từ Cơ quan Đăng ký Đất đai của Anh. Vị tỷ phú cũng có nhiều bất động sản khác ở Anh, Scotland và Ấn Độ.

Ông cũng sở hữu một chiếc máy bay riêng, một chiếc ô tô Daimler Maybach giá 2 triệu bảng Anh và vài du thuyền.

Đối với gia đình, Mittal là người cha hào phóng với con cái. Khi con gái kết hôn, ông chi khoảng 34 triệu bảng Anh để tổ chức hôn lễ ở Pháp.

Theo truyền thông Ấn Độ, hơn 1.000 vị khách may mắn đã được gửi thiệp mời mạ bạc dài 20 trang và được đón tiếp nhiệt liệt trong suốt 5 ngày. Tất nhiên, mọi chi phí đi lại và nơi ở của khách khứa đều do Mittal tài trợ.

Tuy nhiên, Mittal còn là một nhà từ thiện. Ông đã quyên góp đáng kể cho Đại học Harvard, nơi ông là thành viên của Hội đồng Cố vấn Toàn cầu.

Ông cũng trao tiền cho UNICEF để giải quyết tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em ở Ấn Độ. Gia tộc Mittal còn đóng góp cho Bệnh viện Great Ormond Street ở Anh và hỗ trợ Trung tâm Y tế Trẻ em Mittal.